Lượng giao dịch các sản phẩm bất động sản có xu hướng tăng
Theo Bộ Xây dựng, trong quý I/2024, lượng giao dịch các sản phẩm bất động sản (gồm phân khúc đất nền, căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ) có xu hướng tăng so với quý IV/2023. Căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có 35.853 giao dịch thành công; đất nền có 97.659 giao dịch thành công.
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2024 có 10 dự án nhà ở thương mại hoàn thành với quy mô khoảng 4.706 căn, số lượng dự án bằng 34,48% so với quý IV/2023 và bằng 71,43% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tại miền Bắc có 3 dự án; tại miền Trung có 4 dự án; tại miền Nam có 3 dự án. Được cấp phép mới có 19 dự án với quy mô khoảng 9.774 căn, bằng 95% so với quý IV/2023 và bằng 111,76% so với cùng kỳ năm 2023.
Có 38 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với quy mô khoảng 5.527 căn, bằng 80,85% với quý IV/2023 và bằng 73,08% so với cùng kỳ năm 2023.
Về các dự án đang triển khai xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, hiện các chủ đầu tư đang triển khai xây dựng 984 dự án với quy mô khoảng 421.353 căn, bằng 115,22% so với quý IV/2023 và bằng 140,97 % so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với nhà ở xã hội, trong quý I/2024, theo báo cáo của 42/63 địa phương, có 13 dự án hoàn thành, khởi công xây dựng và được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 16.008 căn.
Trong đó, 5 dự án hoàn thành (3 dự án hoàn thành toàn bộ, 2 dự án hoàn thành 1 phần) với quy mô 2.016 căn; 4 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 8.073 căn; 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 5.919 căn.
Làm rõ hiện tượng giá bán căn hộ chung cư tăng cao trong thời gian qua, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường chung cư tại một số nơi đẩy giá bán lên cao là do thị trường thiếu nguồn cung; cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. Trong khi, cơ cấu nhà ở phù hợp với người thu nhập thấp còn ít, nhà ở phân khúc thu nhập cao nhiều hơn.
Để giải quyết vấn đề trên, Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nêu rõ, cần tích cực triển khai các giải pháp để tháo gỡ các “điểm nghẽn” tren thị trường để tăng nguồn cung. Trong đó, cần tập trung giải quyết vấn đề về thể chế, khắc phục tình trạng không đồng bộ, quy trình nhiều bước, liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, khắc phục điểm nghẽn về nguồn vốn, tiếp cận tín dụng, tổ chức thực thi chính sách pháp luật của các bộ, ngành, địa phương...