Loạt bài: Nâng cao chất lượng công bố thông tin doanh nghiệp niêm yết
Bài 4: Chất lượng công bố thông tin phụ thuộc vào chất lượng quản trị công ty
Trao đổi với Tạp chí Tài chính, chuyên gia kinh tế Phan Lê Thành Long - Người sáng lập và CEO của AFA Group cho biết, nhận thức của lãnh đạo, quy trình công bố thông tin, sự am hiểu pháp luật về công bố thông tin của lãnh đạo công ty sẽ ảnh hưởng quyết định đến chất lượng của thông tin minh bạch.
Phóng viên: Ông có đánh giá thế nào về chất lượng công bố thông tin của các công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam hiện nay?
Ông Phan Lê Thành Long: Cá nhân tôi thấy, chất lượng công bố thông tin của các công ty đại chúng, niêm yết tại Việt Nam dường như có sự suy giảm trong năm vừa qua. Điều này thể hiện qua số lần phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về công bố thông tin đối với các doanh nghiệp niêm yết (DNNY). Đặc biệt, có những cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc do liên tục vi phạm về công bố thông tin, nhất là công bố thông tin về báo cáo tài chính được kiểm toán.
Phóng viên: Vậy theo ông, những yếu tố nào ảnh hưởng đến chất lượng công bố thông tin của các công ty đại chúng, DNNY Việt Nam?
Ông Phan Lê Thành Long: Có thể kể ra một số yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến chất lượng công bố thông tin của các công ty đại chúng, DNNY Việt Nam:
Thứ nhất, chất lượng công bố thông tin phải đến từ chính công ty đại chúng, những người chịu trách nhiệm trực tiếp về minh bạch thông tin ra thị trường. Do đó, nhận thức của lãnh đạo, quy trình công bố thông tin, sự am hiểu pháp luật về công bố thông tin của lãnh đạo công ty sẽ ảnh hưởng quyết định đến chất lượng của thông tin minh bạch. Mà những vấn đề này thuộc về chất lượng quản trị công ty của các DNNY, công ty đại chúng.
Thứ hai, phải kể đến các quy định của pháp luật về công bố thông tin của các DNNY, đại chúng. Theo đó, nếu các quy định hướng tới bao trùm các lĩnh vực, các khía cạnh của DNNY, hướng tới thực chất của thông tin được công bố thì sẽ giúp chất lượng công bố thông tin được cải thiện.
Thứ ba, sự giám sát của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán bao gồm các cơ quan quản lý, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, các nhà phân tích, các cơ quan truyền thông sẽ là "màng lọc" giúp chất lượng thông tin được công bố tốt hơn, và cũng là động lực cho các DNNY hướng tới phát triển bền vững thông qua minh bạch thông tin.
Phóng viên: Có thể thấy khoảng cách về chất lượng công bố thông tin giữa các doanh nghiệp, tập đoàn lớn và các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn là rất xa. Theo ông, làm sao để các doanh nghiệp nhỏ ý thức được ý nghĩa và trách nhiệm của công bố thông tin để thu hẹp khoảng cách này?
Ông Phan Lê Thành Long: Như tôi đã đề cập ở trên, chất lượng công bố thông tin đầu tiên phụ thuộc vào chất lượng quản trị công ty của các DNNY. Các doanh nghiệp quy mô lớn sẽ có nguồn lực tốt hơn để cải thiện chất lượng quản trị công ty, đầu tư vào hạ tầng thông tin cũng như xây dựng bộ phận công bố thông tin chuyên nghiệp và chuyên trách.
Đối với các doanh nghiệp đại chúng quy mô nhỏ, nguồn lực dành cho công bố thông tin sẽ hạn chế hơn. Điểm chính để chất lượng công bố thông tin của các doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ phụ thuộc vào nhận thức của lãnh đạo công ty đối với vai trò của minh bạch thông tin.
Theo đó, cần nhận thức rõ ràng rằng, chất lượng công bố thông tin là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững thông qua tạo uy tín trên cả thị trường kinh doanh lẫn thị trường tài chính. Minh bạch thông tin sẽ giúp doanh nghiệp quy mô nhỏ tăng trưởng nhờ tiếp cận vốn tốt hơn, chi phí vốn rẻ hơn, cũng như sự ghi nhận từ khách hàng, nhà cung cấp.
Phóng viên: Có tình trạng không ít doanh nghiệp chấp nhận vi phạm quy chế công bố thông tin, sẵn sàng bỏ ra một số khoản tiền nộp phạt, mục đích để giữ thông tin, lợi thế cho mình trên thương trường. Ông có nhận định gì về tình trạng này?
Ông Phan Lê Thành Long: Việc chấp nhận nộp phạt để giữ thông tin cho mục đích kinh doanh là một quan điểm sai lầm về công bố thông tin. Như tôi đã đề cập, minh bạch thông tin giúp tạo uy tín cho doanh nghiệp trên cả thị trường tài chính lẫn thị trường kinh doanh.
Doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược công bố thông tin và bố trí nguồn lực cho việc này. Như thế, doanh nghiệp sẽ không phải lo ngại về việc thông tin công bố bị đối thủ cạnh tranh lợi dụng, khai thác cho mục đích cạnh tranh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công bố thông tin ra thị trường tốt nhất.
Phóng viên: Chúng ta cần làm gì cải thiện chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp, giúp phát triển thị trường chứng khoán minh bạch hơn, thưa ông?
Ông Phan Lê Thành Long: Việc đầu tiên là nâng cao chất lượng quản trị công ty trong chính bản thân các DNNY, trong đó chất lượng công bố thông tin sẽ là trọng tâm nhằm mục tiêu đảm bảo lợi ích của tất cả các bên hữu quan. Nhận thức và cam kết của lãnh đạo, đặc biệt Hội đồng quản trị các DNNY sẽ quyết định yếu tố này.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định về công bố thông tin, hướng tới chuẩn mực quốc tế về công bố thông tin trên thị trường tài chính, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công bố thông tin. Trong đó, bao gồm việc cập nhật các chuẩn mực báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế (IFRSs), đưa vào áp dụng các chuẩn công bố thông tin về phát triển bền vững và các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG).
Truyền thông và nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia thị trường tài chính như các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, chuyên gia quản lý quỹ, chuyên gia phân tích, cơ quan thông tấn, báo chí trong việc giám sát chất lượng công bố thông tin của các DNNY.
Cuối cùng, vấn đề về công bố thông tin bằng tiếng Anh cũng đặc biệt quan trọng. Đây là tiêu chuẩn để nâng hạng TTCK lên thị trường mới nổi. Công bố thông tin bằng tiếng Anh sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận tốt hơn và là nền tảng mang đến cơ hội tiếp cận vốn quốc tế tốt hơn cho toàn bộ TTCK.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!