Bài học từ sự thành công của dịch vụ khai thuế điện tử

Theo taichinhdientu.vn

(Tài chính) Chỉ thị 24/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cho ngành Thuế đến hết năm 2014 đạt 95% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử, 15/63 tỉnh/thành thực hiện nộp thuế điện tử và hướng tới 63/63 địa phương sẽ triển khai nộp thuế điện tử trong năm 2015. Nỗ lực thực hiện mục tiêu đó, tính đến ngày 22/12/2014, cả nước đã có 462.391 doanh nghiệp kê khai qua mạng, đạt 94,8%.

 Bài học từ sự thành công của dịch vụ khai thuế điện tử
Đến ngày 22/12/2014, cả nước đã có 462.391 doanh nghiệp kê khai qua mạng, đạt 94,8%. Nguồn: internet

Từ nhiều năm nay, ngành Thuế đã triển khai hệ thống khai thuế qua mạng cho các doanh nghiệp trên toàn quốc. Hệ thống đã hỗ trợ kê khai hầu hết các tờ khai phát sinh, tờ khai bổ sung, tờ khai quyết toán tất cả các sắc thuế, khai báo cáo tài chính, báo cáo hoá đơn, ấn chỉ theo quy định của doanh nghiệp.

Việc triển khai dịch vụ khai thuế qua mạng đã đem lại hiệu quả thiết thực cho cả doanh nghiệp, cơ quan thuế và toàn xã hội. Người nộp thuế thực hiện khai thuế qua mạng đã tiết kiệm thời gian chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế, giảm sai sót trong kê khai, góp phần cải cách thủ tục hành chính và tăng cường áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong chính nội bộ các doanh nghiệp. Đồng thời, khai thuế qua mạng cũng hỗ trợ cho cơ quan thuế thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế tốt hơn như: giảm nhân lực và thời gian tiếp nhận tờ khai; việc xử lý tờ khai thuế nhanh chóng, chính xác; giảm chi phí, nhân lực nhập liệu, lưu trữ, tra cứu tờ khai.

Nhớ lại thời gian đầu, với trình độ về CNTT tại một số doanh nghiệp còn thấp nên việc thực hiện khai thuế điện tử còn nhiều lúng túng. Điều kiện áp dụng CNTT (máy tính, đường truyền…) cũng ảnh hưởng đến chất lượng khai thuế điện tử. Tâm lý doanh nghiệp vẫn muốn kê khai bằng giấy đến nộp trực tiếp tại cơ quan thuế để nắm thêm thông tin về chính sách thuế. Một số doanh nghiệp không muốn thay đổi phương thức kê khai thủ công sang điện tử vì phải chi phí cho việc mua chứng thư số (CA) và dịch vụ TVAN. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai dịch vụ. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định, chương trình khai thuế điện tử đã đạt được kết quả lớn.

Chương trình khai thuế điện tử thành công là do ngay từ khi triển khai đã có được một số thuận lợi. Đầu tiên là phải kể đến sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc khai thuế điện tử. Bởi bản thân các doanh nghiệp (DN) có thể thực hiện nghĩa vụ thuế nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm, thời gian, chi phí thực hiện thủ tục về thuế, góp phần tăng cường áp dụng CNTT trong chính nội bộ DN.

Bên cạnh đó, với vai trò là đơn trị trực tiếp triển khai hệ thống khai thuế qua mạng tới DN, các Cục Thuế, cán bộ thuế địa phương đã tổ chức tốt công tác triển khai, từ khâu tuyên truyền đến việc tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ NNT sử dụng ứng dụng.

Với 98% so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn đã tham gia kê khai thuế qua mạng, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh cho biết, có được thành tích trên là nhờ sự nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, phát tờ rơi, tổ chức tập huấn, triển khai tới 100% doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng. Đồng thời, có hỗ trợ thường xuyên, liên tục về kỹ thuật của Cục Công nghệ thông tin - Tổng cục Thuế và các Ban của Tổng Cục thuế, sự quan tâm sâu sát từ Ban chỉ đạo khai thuế qua mạng.

Với số lượng hàng trăm nghìn doanh nghiệp sử dụng ứng dụng, hạ tầng kỹ thuật mạng để kê khai thuế, nếu không có sự tham gia hỗ trợ của các nhà cung cấp dịch vụ CNTT thì các cơ quan Thuế khó có đủ nhân lực để triển khai và hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong quá trình kê khai thuế điện tử. Vì thế, sẽ là thiếu sót nếu không kể đến sự tham gia tích cực, hỗ trợ có hiệu quả của các đơn vị cung cấp dịch vụ CNTT như các nhà cung cấp chữ ký số, T-VAN trong thời gian vừa qua.

Trên sở sở kết quả đã đạt được, năm 2015 ngành Thuế sẽ tiếp tục tăng cường công tác khai thuế qua mạng Internet theo hướng mở rộng đối tượng tham gia và chú trọng chất lượng, hạn chế tối đa việc gửi các báo cáo giấy và nhập dữ liệu thủ công trên cơ sở khắc phục những hạn chế trong đường truyền, hạ tầng mạng, nâng cấp, tích hợp các ứng dụng liên quan.