Bàn cách phát triển ngành công nghiệp thực phẩm
Trong khuôn khổ triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2017 (Vietnam Foodexpo 2017) tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng muốn phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam, những người trong cuộc phải phát triển theo chuỗi giá trị, sản xuất sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc và quy hoạch vùng nguyên liệu.
Xây dựng chuỗi giá trị
Phát triển theo chuỗi giá trị chính là con đường, cách thức quan trọng để doanh nghiệp công nghiệp thực phẩm nâng cao giá trị sản phẩm. Đây chính là gợi ý của các chuyên gia cũng như đại diện một số doanh nghiệp
Tại Vietnam Foodexpo 2017, ông Alexandre Bouchot, Tham tán nông nghiệp của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, cho rằng phát triển theo chuỗi giá trị thực phẩm không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam, mà ngay cả tại các nước phát triển ở châu Âu các doanh nghiệp cũng phải chú trọng tới vấn đề này.
Cụ thể, các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất thực phẩm chú trọng đến việc nâng cao giá trị lợi nhuận cho nông dân, giúp họ ý thức được trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng mỗi sản phẩm. Người sản xuất theo đó, phải chịu trách nhiệm đối với chính mỗi sản phẩm của mình. Các cơ quan chức năng, hiệp hội có chức năng kiểm tra, kiểm soát. Ở các khâu trung gian từ vận chuyển, bảo quản, sơ chế, chế biến đều phải áp dụng quy trình quản lý chất lượng, đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng.
Theo ông Bouchot, bắt đầu từ năm 2018 khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, thực phẩm Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường tiêu thụ rộng lớn của EU. Muốn tiếp cận thị trường rộng lớn này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư cho việc sản xuất các sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc vì đây là yếu tố mang tính quyết định.
Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), cho biết một trong những tiêu chí quyết định sự phát triển bền vững của ngành chế biến thực phẩm là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Muốn vậy nhất thiết phải có một quy trình kiểm soát chất lượng trong toàn bộ chuỗi sản xuất, bắt đầu từ người sản xuất nguyên liệu đến đơn vị vận chuyển, bảo quản, sơ chế, bán lẻ, thậm chí cả người tiêu dùng.
Ông Hà cũng dẫn số liệu dự báo của FAO cho biết, từ nay đến năm 2025, nhu cầu về thực phẩm của thế giới không có sự gia tăng đột biến do quy mô dân số thế giới vẫn ở mức ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu sản phẩm thực phẩm sẽ thay đổi, từ việc tiêu dùng thực phẩm cơ bản sang sử dụng thực phẩm có chất lượng cao. Việc thay đổi này đòi hỏi doanh nghiệp chế biến thực phẩm không chỉ sản xuất đủ thực phẩm, mà còn phải sản xuất thực phẩm an toàn.
“Vấn đề an toàn thực phẩm đều trải dài trên chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp phải tham gia vào chuỗi giá trị để đảm bảo sản phẩm chất lượng khi tới tay người tiêu dùng”, ông Hà nói.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết thực phẩm được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Vì vậy, để duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và phát triển ngành công nghiệp này một cách bền vững, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải phát triển thị trường thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, từng bước gia tăng giá trị xuất khẩu của thực phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Quy hoạch vùng nguyên liệu
Theo đại diện các đơn vị, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, còn manh mún, mức độ đầu tư chưa lớn, chưa tập trung tạo ra các sản phẩm có giá trị cao.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết hiện nay, Việt Nam xuất khẩu một lượng lớn nông sản, thực phẩm, nhưng chủ yếu ở dạng thô, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, chế biến tinh mang lại giá trị gia tăng cao. Nguyên nhân là bởi Việt Nam còn hạn chế về công nghệ và vốn đầu tư.
Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, cho biết Việt Nam hiện chiếm 60% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của thế giới, riêng năm 2017 dự kiến có thể xuất khẩu hơn 200.000 tấn. Tuy nhiên, giá trị thu về lại thấp so với nhiều quốc gia khác vì chủ yếu xuất khẩu thô hoặc sơ chế chứ không xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu.
Bà Oanh cho biết, một trong những sản phẩm tiêu có giá trị gia tăng cao nhất hiện nay là dầu nhựa tiêu. Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam chưa có nhà máy chế biến dầu nhựa tiêu nào, và các doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đầu tư công nghệ để chế biến sản phẩm này.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Sơn cho biết Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch Đầu tư đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư từ nước ngoài nhằm thu hút các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, nguồn lực tài chính vững mạnh, mạng lưới thị trường rộng lớn tham gia vào ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam.
Ông Nam Sang Kun, chuyên gia xúc tiến đầu tư đến từ Hàn Quốc, cho hay một số doanh nghiệp nước này đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư vào Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Nam Sang Kun, Việt Nam có nguồn nguyên liệu dồi dào, trong khi các doanh nghiệp Hàn Quốc có lợi thế về kinh nghiệm, công nghệ và nguồn vốn. Do đó, sự hợp tác đầu tư sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao công nghệ, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng mới, từng bước khẳng định thương hiệu thực phẩm của Việt Nam với người tiêu dùng thế giới.