Để ngành Công nghiệp hỗ trợ phát triển

Thúy Hằng

Chính sách thuế có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo động lực phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Thời gian qua, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thuế ưu đãi nhằm khuyến khích, tạo hiệu ứng tích cực thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ...

Tính đến hết năm 2016, Việt Nam mới có trên 1.380 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
Tính đến hết năm 2016, Việt Nam mới có trên 1.380 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Một số chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp Việt Nam, tính đến hết năm 2016, Việt Nam mới có 1.383 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chia làm 3 nhóm ngành sản xuất: cơ khí, điện tử, nhựa và cao su. So với tổng số trên 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước thì doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 0,3%.

Trước thực trạng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp này. Trong đó, các chính sách tài chính có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển ngành CNHT. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyễn khích đầu tư phát triển ngành CNHT thông qua các ưu đãi về thuế. 

Trong đó, có những ưu đãi nổi bật như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, được áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; Thuế nhập khẩu, được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; Thuế giá trị gia tăng, doanh thu của sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được lựa chọn kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, theo năm, khai tạm tính theo quý.

Đây là những công cụ trực tiếp, ngoài ra các công cụ này còn gián tiếp có tác động đến các chính sách khác như: chính sách định hướng phát triển ngành; chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV; chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất; chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ đầu tư khoa học công nghệ; chính sách xúc tiến kết nối thương mại; chính sách tuyên truyền phổ biến; chính sách phát triển hệ thống tư vấn, cung cấp thông tin; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài;…

Thông qua việc định hướng nguồn lực tài chính trong các chính sách này và các chính sách này lại có những tác động khác nhau đến sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ tạo thành hiệu ứng toàn diện, trực tiếp và gián tiếp của chính sách thuế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển còn được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư, thuê đất, mặt nước cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, để tạo động lực cho ngành CNHT phát triển, Chính phủ còn ban hành các chính sách khuyến khích như: Quyết định 12/2011/QĐ-TTg, ngày 24/02/2011 về chính sách phát triển một số ngành CNHT. Trong đó, nêu rõ dự án sản xuất sản phẩm CNHT được hưởng ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Để ngành Công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ

Các chính sách ưu đãi trên có vai trò tạo động lực thúc ngành CNHT phát triển, tuy nhiên kết quả mang lại vẫn chưa như kỳ vọng, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần tiếp tục có sự đổi mới chính sách hỗ trợ, trong đó có các chính sách thuế. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện các ưu đãi thuế nói chung.

Đối với  thuế nhập khẩu, bước đầu, giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng trong nước chưa sản xuất được như: Vật liệu phục vụ sản xuất chế tạo, máy móc thiết bị ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp công nghệ cao… nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất trong nước.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Việt Nam có thể Ban hành chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi vượt khung (thuế suất thấp nhất hoặc thấp hơn mức thấp nhất của luật thuế) đối với dự án CNHT trọng điểm từng giai đoạn; Chính sách thuế thu nhập cá nhân ưu đãi vượt khung (thuế suất thấp nhất hoặc thấp hơn mức thấp nhất của luật thuế) đối với chủ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trọng điểm từng giai đoạn;

Đối với thuế giá trị gia tăng, giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số sản phẩm quan trọng (tạo dung lượng thị trường cho CNHT) nhằm kích cầu thị trường trong nước. Các sản phẩm này sẽ được áp dụng mức thuế suất thấp hơn so với thông thường

Chính phủ cần xây dựng các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong các khu/cụm công nghiệp đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng dựa vào việc cung ứng cho các khách hàng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Hướng phát triển các khu/cụm CNHT trở thành hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp chế tạo - ngành sản xuất đòi hỏi vốn lớn, nguồn nhân lực có kỹ năng cao để mở rộng và phát triển năng lực sản xuất, tăng cường khả năng hợp tác, liên kết với các tập đoàn đa quốc gia…

Chính sách phát triển khu/cụm công nghiệp cần sớm chuyển từ đầu tư thí điểm sang nâng cao chất lượng các khu/cụm công nghiệp bằng việc tập trung xây dựng các khu công nghệ cao, kết hợp chặt chẽ giữa khoa học - công nghệ với công nghiệp, khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các ngành công nghiệp…

Thủ tục hành chính thuế cần phải được đơn giản và nhanh chóng tạo thuận lợi cho người nộp thuế tự nguyện tuân thủ pháp luật thuế, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế.