Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đầu năm 2018
Hoạt động thương mại dịch vụ 6 tháng đầu năm khá sôi động, các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất cũng như đời sống của nhân dân. Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả được tăng cường, góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại trong nước, kích thích sức mua của người tiêu dùng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Sáu ước tính đạt 364,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 272,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% và tăng 12,9%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 44,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1% và tăng 9,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9% và tăng 5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 43,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1% và tăng 14%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2.120,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cao hơn mức tăng 7,9% của cùng kỳ năm 2017).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1.597,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,3% tổng mức và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước do hàng hóa trên thị trường đa dạng về mẫu mã, giá cả tương đối ổn định và đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng của người dân và khách du lịch.
Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,4%; may mặc tăng 12,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 9,5%; phương tiện đi lại tăng 8,8%. Một số địa phương có mức tăng khá: Thái Nguyên tăng 13,1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 12,7%; Thanh Hóa tăng 12,5%; Hà Nội tăng 12,4%; Bình Định tăng 12,4%; Nam Định tăng 12,2%; Hải Dương tăng 11,6%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng ước tính đạt 260,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng mức và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Lâm Đồng tăng 15,8%; Khánh Hòa tăng 12,8%; Quảng Ninh tăng 12,5%; Bình Định tăng 11,7%; Đà Nẵng tăng 11,2%; Thanh Hóa tăng 10,7%; TP. Hồ Chí Minh tăng 9,6%; Hà Nội tăng 7,8%.
Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm ước tính đạt 19,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước do lượng khách du lịch trong nước có chiều hướng gia tăng và xu hướng đi du lịch nước ngoài của một bộ phận dân cư có thu nhập cao ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách miễn thị thực cho khách Tây Âu, tăng cường hỗ trợ quảng bá, liên kết tua du lịch của Việt Nam với các nước trong khu vực đã tạo động lực phát triển ngành du lịch, góp phần tăng thu từ nguồn khách quốc tế cho “ngành dịch vụ không khói” này. Một số địa phương có mức tăng khá: Cà Mau tăng 28,8%; TP. Hồ Chí Minh tăng 24,2%; Quảng Ninh tăng 17,7%; Hà Nội tăng 13,7%.
Doanh thu dịch vụ khác 6 tháng ước tính đạt 243 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó doanh thu của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 9,5%; Bình Dương tăng 9,3%; TP. Hồ Chí Minh tăng 7,9%; Đồng Nai tăng 7,8%; Hà Nội tăng 4,3%.