Bán một căn nhà cho nhiều người, cần cẩn trọng!
Tình trạng một căn hộ bán cho nhiều người không xảy ra thường xuyên, nhưng cũng là hồi chuông báo động cho khách hàng về việc tìm chủ đầu tư uy tín. Theo một số luật sư, để xảy ra tình trạng trên là do pháp luật đã trao cho chủ đầu tư quyền tự quyết định bán sản phẩm của họ mà không có cơ quan giám sát.
Tình trạng một căn hộ bán cho nhiều người đã xuất hiện từ trước đó nhưng chỉ là các cá nhân đơn lẻ. Tuy nhiên, tình trạng này thời gian gần đây đang lặp lại, điều đáng nói lại rơi vào một số công ty có pháp nhân.
Đây là một điều đáng báo động trong bối cảnh thị trường rất nhiều chủ đầu tư tham gia kinh doanh, xây dựng các sản phẩm bất động sản.
Khách hàng chịu thiệt
Trước đó, năm 2012, báo chí đưa tin ông Vũ Đăng Phúc ký 12 hợp đồng mua bán căn hộ, sàn thương mại chung cư Gia Phú tại quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) với công ty TNHH Địa ốc Gia Phú với giá trị tổng cộng hơn 24 tỷ đồng.
Theo hợp đồng, ông Phúc được nhận căn hộ và sàn thương mại quý IV/2012, nhưng đến đầu năm 2017, công ty này vẫn chưa bàn giao. Ông Phúc tìm hiểu thì được biết ông Nguyễn Hùng Nghiêm (đại diện phụ trách điều hành công ty Gia Phú) đã bán căn hộ của ông cho nhiều người và thế chấp căn hộ đã bán cho khách hàng để vay tiền.
Vì vậy, ngày 13/2/2017, ông Phúc làm đơn yêu cầu Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố ông Nghiêm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một trường hợp khác là khách hàng của chung cư Long Phụng (TP. Hồ Chí Minh), chủ đầu tư là công ty CP Địa ốc Bình Tân) đã nhận tiền của khách hàng theo tiến độ của dự án, đến thời hạn nhận nhà nhưng chủ đầu tư vẫn không bàn giao thì khách hàng mới vỡ lẽ chủ đầu tư bán một căn hộ cho nhiều người, có căn bán cho 7 người.
Hiện giám đốc công ty CP Địa ốc Bình Tân đã bỏ trốn sau khi chiếm đoạt 141 tỷ đồng của người dân.
Tương tự, ngày 13/11, hàng chục người dân đã đồng loạt kéo đến chung cư La Bonita số 6-8 đường Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh tố cáo chủ đầu tư là công ty TNHH Bất động sản Nam Thị (công ty Nam Thị) bán một căn hộ cho nhiều người.
Bà Vương Thị T. một khách hàng mua căn hộ và một sàn thương mại trị giá hơn 20 tỷ đồng của công ty Nam Thị, cho biết sau khi không giao nhà đúng tiến độ, bà Thanh tìm hiểm mới phát hiện số tài sản này đã bị công ty Nam Thị bán cho nhiều người khác. Thậm chí, sau khi bán cho bà, công ty Nam Thị còn đổi tên số tầng, đổi tên căn hộ và tiếp tục bán cho người khác.
Một số khách hàng khác cũng lâm vào cảnh như bà T., bị công ty Nam Thị bán cho nhiều người khác và khi bán cho nhiều người khác rồi, công ty này còn tiếp tục đem thế chấp ngân hàng.
Sau khi biết mình bị lừa, nhiều khách hàng tố cáo công ty Nam Thị, thậm chí những khách hàng này cho biết họ đều đã đóng toàn bộ tiền mua căn hộ. Không chỉ khách hàng, nhiều ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh cũng trở thành nạn nhân khi một căn hộ ở đây được nhiều người thế chấp để vay tiền, nay không biết thu hồi cách nào?!
Cần xử nghiêm chủ đầu tư
Đánh giá về tình trạng trên, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh, cho rằng thời gian gần đây tại TP. Hồ Chí Minh cũng như nhiều địa phương khác xảy ra tình trạng bán một căn hộ cho nhiều người. Sự việc này là hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đánh giá đây là hành vi quá coi thường pháp luật, lừa đảo khách hàng và ý thức tuân thủ pháp luật kém. Tuy nhiên, tình trạng này không xảy ra phổ biến mà chỉ diễn ra ở một số chủ đầu tư yếu kém về năng lực phát triển bất động sản nên là "con sâu làm rầu nồi cảnh".
Để giải quyết tình trạng này và cảnh báo tới các khách hàng, theo luật sư Bùi Sinh Quyền, trưởng văn phòng Luật sư Phúc Thọ, chúng ta nên thiết lập hệ thống quản lý sản phẩm hình thành trong tương lai giống như đã thiết lập hệ thống mạng đối với bất động sản đã được cấp giấy chứng nhận.
Theo đó, những dự án nhà ở hình thành trong tương lai cần phải được đăng ký và quản lý bằng hệ thống mạng thì cho dù quyền bán sản phẩm thuộc về chủ đầu tư, nhưng nếu cơ quan thứ ba giám sát xác nhận, khi đó tình trạng bán một căn hộ cho nhiều người sẽ không xảy ra.
Quyền cho biết nếu có xảy ra thì giải quyết theo hai hướng: Thứ nhất, về dân sự, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Thứ hai, có thể quy định chủ đầu tư về tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cũng cho hay hiện nay, trên thị trường, khi khách hàng mua nhà sẽ được chủ đầu tư ký kết loại hợp đồng như: hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc… đây là hình thức lách luật của các chủ đầu tư bởi tựu chung lại thì vẫn là hợp đồng mua bán giữa khách hàng và chủ đầu tư.
"Muốn tránh sự việc đó khách hàng cần xác minh thật kỹ về vấn đề pháp lý của dự án. Bên cạnh đó, cần kiểm tra bản phê duyệt của chủ đầu tư như bản quy hoạch 1/500 cho dự án, tìm hiểu giấy phép xây dựng, nghĩa vụ tài chính, năng lực của chủ đầu tư… Ngoài ra, khách hàng cần phải chọn chủ đầu tư uy tín để có thể an tâm giao tiền của mình", luật sư Truyền khuyến cáo.