Bàn thêm về xu thế GDP và CPI năm 2015

NGUYỄN ANH DŨNG

(Tài chính) Cuối năm 2014, nhiều chuyên gia đã đưa ra dự báo: Năm 2015 kinh tế vẫn tăng trưởng cao, lạm phát thấp. Thực tế gần đây, nhất là dịp Tết vừa qua đã minh chứng cho dự báo nêu trên.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lần đầu tiên sau nhiều năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2015 (tháng có Tết Nguyên đán Ất Mùi) giảm 0,05% so với tháng trước và là tháng giảm thứ tư liên tiếp trong mấy tháng gần đây. Thực tế đó đúng như tinh thần dự báo.

Dịp Tết nhưng giá thị trường không những không tăng mà còn giảm nhẹ hầu hết những người làm công ăn lương thấy vui và nói chung mọi người thấy đồng tiền có giá, giữ vững được sức mua, tạo ra tâm lý yên tâm. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu, quản lý, điều hành và dự báo thì không thể không suy nghĩ, phân tích, tìm bản chất và xu thế của hiện tượng bất thường này, nhất là phải giải đáp nỗi lo ngại: liệu có khía cạnh giảm phát, suy giảm sức mua trong nền kinh tế và dân cư?

Trước nỗi băn khoăn nêu trên, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh đã đưa ra nhận định và luận giải, được đa số đồng tình, nhất trí là: CPI giảm liên tiếp không phải hiện tượng giảm phát của nền kinh tế, mà nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng, dầu, giá ga trong nước được điều chỉnh giảm mạnh theo giá thị trường thế giới.

Năng lượng là đầu vào chiếm tỷ trọng cao trong giá của nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và sự giảm mạnh, giảm liên tiếp giá xăng, dầu đã làm giảm chỉ số giá các nhóm hàng giao thông, nhà ở, vật liệu xây dựng...

Hơn thế, sự giảm giá tích cực đó còn kích thích đầu tư phát triển sản xuất và tiêu dùng xã hội, trái ngược với trạng thái giảm phát. Nền kinh tế chỉ bị coi là rơi vào giảm phát khi phát sinh hiện tượng cung vượt cầu, hàng hóa tồn đọng tăng, các ngành dịch vụ suy thoái, dẫn tới suy giảm sản xuất, lưu thông, dịch vụ trong nước.

Ở nước ta, tình hình sản xuất trong nước hai tháng đầu năm 2015 vẫn phát triển tốt, sức mua (thể hiện qua tổng mức bán lẻ) tăng cao (nếu loại trừ yếu tố giá thì tháng 2-2015 tăng 10,7%, cao hơn rất nhiều so cùng kỳ năm 2014 là 6,2%; năm 2013 là 3,6%).

Ðáng chú ý, lạm phát cơ bản (loại trừ biến động giá của nhóm lương thực, thực phẩm, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý, gồm cả dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) tháng 2-2015 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 0,6% so với tháng 12/2014; bình quân hai tháng đầu năm tăng 2,4% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, thật đáng phấn khởi là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hai tháng đầu năm nay tăng 12% (cùng kỳ năm trước tăng 5,4%).

Cũng cần nêu thêm nguyên nhân làm CPI giảm trong tháng Tết, ngoài yếu tố giảm giá xăng, dầu còn có sự nỗ lực đáng biểu dương của công tác bình ổn giá do các địa phương thực hiện đồng bộ, có kinh nghiệm tốt hơn, tạo được nguồn cung ứng hàng hóa khá dồi dào và chủ động.

Trong đó, đáng chú ý là việc điều hành giá những mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá theo kiểu hành chính, bao cấp trước đây đã từng bước chuyển sang cơ chế thị trường, với những giải pháp điều chỉnh phù hợp thực tế và tôn trọng quy luật khách quan hơn. Ðồng thời có sự kết hợp đồng bộ với tiếp tục nới lỏng từng bước chính sách tín dụng (giảm lãi suất trung, dài hạn, tăng dư nợ...), dẫn đến hệ quả là kinh tế tăng trưởng trong điều kiện tiền tệ, giá cả ổn định.

Tổng hòa các nhân tố và chỉ số tích cực nêu trên sẽ cho thấy một bức tranh kinh tế triển vọng tươi sáng, tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng vào một giai đoạn đáng phấn chấn nhất trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, thời cơ nâng cao hơn nữa mức độ phát triển nhanh và bền vững của giai đoạn này chủ yếu tùy thuộc vào những nỗ lực chủ quan chung của cộng đồng doanh nghiệp và hệ thống chính trị.

Cụ thể như: Lực lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% về số lượng doanh nghiệp trên cả nước, đóng góp khoảng 40% GDP, giải quyết được nhiều việc làm, đã xuất sắc vượt qua thách thức khắc nghiệt trong mấy năm qua, nhưng cũng có không ít trường hợp chỉ "chạy mánh, chạy dự án, chạy vốn, buôn bán vòng vèo không tạo ra giá trị mới"... hoặc làm "thuộc hạ" cho doanh nghiệp nhỏ nước ngoài để kiếm chút lợi từ vai trò "nhà phân phối" hàng nhập khẩu! Các doanh nhân đó rất cần nâng cao ý chí tự tôn, năng lực cạnh tranh, hợp tác để phát triển, chọn đối tác và công nghệ tiên tiến.

Mặt khác, nạn buông lỏng quản lý tín dụng đã gây ra thảm họa cho các thị trường (tiền tệ, tín dụng, chứng khoán, nhà đất...) và các vụ đại án (Huyền Như, Vũ Quốc Hảo...) mấy năm trước chắc chắn sẽ không thể tái diễn trong điều kiện đã rút kinh nghiệm và quản lý tốt hơn như hiện nay. Bởi vậy, không bằng biện pháp hành chính, nhưng Ngân hàng Nhà nước (Trung ương) hoàn toàn có thể khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng cao và lành mạnh, góp phần đắc lực vào nâng cao tốc độ phát triển kinh tế.

Một nhân tố có tác động to lớn khác là: Giá nhà đất phải trở về sát giá thật hơn nữa. Các cá nhân đầu cơ cũng không nên và không thể neo giá được nữa. Của thiên trả địa thôi, hãy tỉnh táo vì lợi ích chung đất nước trong đó có cá nhân khi nền kinh tế lấy lại được đà tăng trưởng cao và bền vững.

Chắc chắn giá nhà đất sẽ phải vơi đi những khoản tham nhũng, hối lộ, tiêu cực phí để trở về với mức giá mà những người thật sự có nhu cầu mua để ở có thể chấp nhận được. Về phía người tiêu dùng cũng cần chuyển từ tâm lý găm tiền chờ đợi sang nhạy bén nắm bắt thời cơ chi tiền mua sắm hàng hóa cần thiết, nhất là tậu nhà đất hoặc xây dựng, sửa chữa nhà ở...

Những phân tích, nhận định nêu trên càng được xác định là đúng đắn và đáng tin cậy khi trùng hợp với nhiều ý kiến của các tổ chức, cá nhân có uy tín cao trên thế giới, trong đó có phát biểu của cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Tô-ni Ble trong buổi hội kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong đó, ông Tô-ni Ble đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam cũng như quyết tâm của Việt Nam trên con đường đổi mới, mở cửa; đồng thời cho rằng, với những kết quả phát triển và hội nhập đã đạt được, đây là thời điểm để Việt Nam nâng tầm phát triển lên một bước mới.