Bàn về giám sát ngân hàng đầu tư tại Việt Nam

Nguyễn Toàn

Với tốc độ phát triển của thị trường chứng khoán và sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam, các công ty chứng khoán tất yếu phải chuyển dần sang mô hình ngân hàng đầu tư để nâng cao sức cạnh tranh, phục vụ nhà đầu tư. Vì vậy, hoạt động giám sát đối với mô hình ngân hàng đầu tư cũng cần phải từng bước được xây dựng và hoàn thiện.

Thực trạng hoạt động giám sát công ty chứng khoán của cơ quan quản lý

Trên cơ sở phân cấp của Bộ Tài chính, hệ thống giám sát thị trường chứng khoán tại Việt Nam được xây dựng theo mô hình giám sát hai cấp phổ biến trên thế giới.

Theo đó, Ủy bán chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch chứng khoán tạo nên bộ máy vận hành hệ thống giám sát thị trường với sự phân cấp như sau:

Cấp giám sát thứ nhất: Thông qua tổ chức trung gian, như: Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán, trong phạm vi hoạt động nghiệp vụ của mình trên cơ sở quy chế thành viên, quy chế niêm yết, quy chế giao dịch, quy chế công bố thông tin, đăng ký, lưu ký, dữ liệu và báo cáo để phát hiện các vi phạm, giúp Ủy bán chứng khoán Nhà nước thực hiện theo dõi, kiểm tra và xử lý. Các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán phải xây dựng cơ sở dữ liệu, các tiêu chí cảnh báo và giám sát cùng với chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất.

Cấp giám sát thứ hai: Ủy ban chứng khoán Nhà nước giám sát sự tuân thủ của mọi thành viên thị trường đối với Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn Luật. Nhiệm vụ giám sát của Ủy ban chứng khoán Nhà nước hiện được thực hiện bởi Vụ Quản lý kinh doanh; Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán; Vụ Quản lý phát hành; Vụ Giám sát thị trường chứng khoán.

Trước đây, phương thức quản lý truyền thống của các cơ quan quản lý thị trường là phương thức quản lý trên cơ sở tuân thủ, phụ thuộc vào việc rà soát các giao dịch và lịch sử hoạt động trên mọi khía cạnh hoạt động kinh doanh, không phân biệt bất kỳ khía cạnh hoạt động yếu kém hoặc có thể yếu kém của Công ty chứng khoán.

Kết quả được đánh giá với ít chú trọng về kiểm soát an toàn hệ thống hoặc quản lý rủi ro.Từ thực tế vận hành, các cơ quan quản lý nhận ra rằng giám sát trên cơ sở tuân thủ có thể không phải là một công cụ hiệu quả để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính.

Vì vậy đã dẫn đến sự xuất hiện của phương pháp giám sát dựa trên cơ sở rủi ro, mà trọng tâm là nhằm vào quá trình chứ không phải là hoạt động cụ thể. Biện pháp áp dụng đối với các công ty chứng khoán được thực hiện dựa trên hồ sơ rủi ro và khả năng quản lý rủi ro của nó.

Giám sát trên cơ sở rủi ro đã hình thành trong những năm 1990. Tuy nhiên, nó đã manh nha xuất hiện từ sau các cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra từ những năm 1980.Giám sát trên cơ sở rủi ro nhằm thúc đẩy tính minh bạch, đưa ra các tín hiện cảnh báo sớm và khuyến khích các đối tượng giám sát tự đánh giá tình hình của họ thường xuyên.Hồ sơ rủi ro của từng công ty chứng khoán giúp Ủy ban chứng khoán nhà nước đưa ra các chương trình giám sát bao gồm giám sát từ xa, xác định mục tiêu kiểm tra tại chỗ, tổ chức các cuộc họp về an toàn và yêu cầu kiểm toán độc lập, thực hiện các biện pháp xử lý thích hợp.Quy trình giám sát trên cơ sở rủi ro bao gồm hoạt động giám sát liên tục và đánh giá các hồ sơ rủi ro của công ty chứng khoán liên quan đến chiến lược kinh doanh và rủi ro của họ.

Giám sát trên cơ sở rủi ro, các nguồn lực quản lý và giám sát được sử dụng một cách hiệu quả và hiệu lực hơn vì nó tính đến từng hồ sơ rủi ro của mỗi công ty chứng khoán Cơ chế giám sát rủi ro được tiến hành căn cứ vào xu hướng hoặc mức độ của từng loại rủi ro như: rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý, rủi ro danh tiếng...

Phương pháp giám sát trên cơ sở rủi ro tạo ra động lực cho các công ty chứng khoán chủ động quản lý rủi ro của mình. Tuy nhiên, phương pháp này cần cơ quan quản lý phải có đủ năng lực để đánh giá khả năng trong việc quản lý rủi ro của công ty chứng khoán và xác định mức độ ảnh hưởng mà rủi ro có thể gây ra đối với mục tiêu đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ nhà đầu tư và gìn giữ thị trường chứng khoán.

Cơ quan quản lý phải đưa ra các quyết định mang tính chủ quan dựa trên kết quả các đánh giá về việc ưu tiên phân bổ nguồn lực quản lý vào đối tượng nào và vào khía cạnh hoạt động kinh doanh nào. Hiện nay, Ủy ban chứng khoán Nhà nức đang áp dụng giám sát rủi ro trên cơ sở các khung pháp lý sau:

Thứ nhất, về an toàn vốn: Thông tư 226/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính về Quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chứng kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính (Thông tư 226); Thông tư 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 (Thông tư 210) thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động công ty chứng khoán, có hiệu lực từ 15/1/2013, điều kiện hoạt động của công ty chứng khoán được siết chặt hơn; Thông tư 165/2012/TT-BTC ngày 9/10/2012 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 226 của Bộ Tài chính quy định chỉ tiêu An toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

Thứ hai, về quản trị rủi ro: Yêu cầu về quản lý rủi ro tại CTCK lần đầu tiên được luật hóa thông qua Quyết định 105/QĐ-UBCK ban hành ngày 26/2/2013 của UBCKNN. Quy định này hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho CTCK để đảm bảo ngăn chặn, hạn chế những tổn thất do rủi ro gây ra.

Thứ ba, về quy chế xếp loại công ty chứng khoán theo tiêu chuẩn CAMELS: Tháng 10/2013, UBCKNN đã ban hành Quy chế hướng dẫn xếp loại công ty chứng khoán theo tiêu chuẩn CAMEL theo Quyết định số 617/QĐ-UBCK ngày 9/10/2013. Quy chế này được ban hành nhằm phân loại, đánh giá một cách toàn diện hoạt động của các công ty chứng khoán, trên cơ sở đó hỗ trợ cho UBCK trong công tác quản lý, giám sát hoạt động của các công ty này.

Ủy ban chứng khoán nhà nướ đang trong những giai đoạn đầu tiên triển khai, áp dụng công tác giám sát hoạt động công ty chứng khoántrên cơ sở rủi ro nhưng đã đạt được một số kết quả nhất định. Các công ty chứng khoán đã từng bước xây dựng và áp dụng khung quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh một cách hệ thống và toàn diện; Bộ phận quản lý rủi ro của công ty chứng khoán được tổ chức độc lập và trở thành yêu cầu mang tính bắt buộc không chỉ ở các văn bản pháp lý của Ủy ban chứng khoán nhà nước mà ở cả các quy định của công ty; Kiểm soát nội bộ đã bắt đầu thực hiện đúng vị trí và chức năng của mình trong việc thanh tra, giám sát các hoạt động hàng ngày, phát hiện và xử lý kịp thời các sai sót trong hoạt động của công ty chứng khoán; Năng lực tài chính của công ty chứng khoán ngày một nâng cao, đáp ứng tương đối tốt nhu cầu hoạt động kinh doanh hiện tại và quy định về quản lý vốn của Ủy ban chứng khoán nhà n ước, tuân thủ chặt chẽ hơn tỷ lệ an toàn vốn khả dụng nhằm đáp ứng quy định của Thông tư 226 về an toàn tài chính và cũng là an toàn cho chính công ty và hệ thống tài chính.

Định hướng hoạt động giám sát đối với mô hình ngân hàng đầu tư

Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được và có đầy đủ khung pháp lý trong việc quản lý thông qua giám sát rủi ro đối với mô hình quản lý theo chức năng tài chính của ngân hàng đầu tư, UBCKNN cần điều chỉnh mô hình hiện tại tương ứng với những thay đổi của mô hình QLNN cũng như thay đổi mô hình hoạt động các công ty chứng khoán. Tác giả gợi ý điều chỉnh khung pháp lý dựa trên khung cơ bản đối với mô hình giám sát trên cơ sở rủi ro như sau:

Một là, xác định những rủi ro công ty chứng khoán có thể gặp phải: Rủi ro hệ thống; Rủi ro cụ thể; Rủi ro danh mục đầu tư.

Hai là, các yếu tố chính của mô hình giám sát trên cơ sở rủi ro: Tiêu chuẩn cấp phép; Các quy định về quản trị; Quy định đầu tư; Kiểm toán độc lập/Bảo hiểm/Bảo lãnh; Quy định về công bố thông tin; Quy định về vốn tối thiểu và quỹ dự phòng; Quy định về khắc phục thiệt hại; Xử phạt.

Ba là, khung quản trị rủi ro của công ty chứng khoán: Đáp ứng quy định tối thiểu về gia nhập thị trường; Mô hình rủi ro để xác định, đo lường và kiểm soát rủi ro; Đo lường sự biến động của danh mục đầu tư; Đáp ứng các quy định về stress test; Đánh giá mô hình rủi ro; Thường xuyên rà soát rủi ro; Các biện pháp giảm thiểu rủi ro tiềm tàng; Tuân thủ các quy định về quản trị công ty; Tuân thủ các tiêu chí phù hợp và thích hợp; Hệ thống kiểm soát nội bộ; Đáp ứng các quy định về an toàn hệ thống; Bảo mật thông tin; Đảm bảo tính độc lập và tăng cường vai trò của kiểm toán viên; Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người hành nghề; Đảm bảo các quy trình và văn hóa tuân thủ;

Bốn là, các công cụ thực hiện của mô hình giám sát: Các chốt kiểm soát gia nhập thị trường; Mức độ đủ vốn hay các tiêu chuẩn về thanh khoản; Xem xét về chất lượng và chiến lược quản lý; Yêu cầu đối với việc thiết lập và duy trì các chốt quản trị rủi ro; Dựa vào các chuyên gia chuyên nghiệp như kiểm toán viên độc lập; Chế độ báo cáo và công bố thông tin thường xuyên; Tăng cường thẩm quyền giám sát và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý.

Các thị trường áp dụng mô hình giám sát trên cơ sở rủi ro thường áp dụng một mô hình đánh giá rủi ro để đánh giá hồ sơ rủi ro của từng tổ chức trung gian.Một mô hình đánh giá rủi ro thường được xây dựng bao gồm cả hai yếu tố định tính và định lượng.Các yếu tố định tính thường bao gồm tính hiệu quả của hội đồng quản trị và chất lượng của công tác quản lý - điều hành, (rủi ro nguồn nhân lực) chất lượng quản trị công ty (nguy cơ hành chính), và chất lượng và mức độ độc lập của hệ thống quản trị rủi ro (rủi ro hệ thống) và chất lượng của chức năng tuân thủ (rủi ro tuân thủ).Yếu tố định lượng có thể bao gồm các nguồn lực tài chính sẵn có (rủi ro tài chính), an toàn vốn, quy mô khách hàng (rủi ro thị trường) và số lượng khiếu nại (rủi ro hoạt động).

Nhìn chung, mô hình giám sát trên cơ sở rủi ro nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định, đo lường và phân loại rủi ro mà các tổ chức trung gian gặp phải và chất lượng công tác quản trị rủi ro trong việc đánh giá tổng thể về rủi ro cùng với việc xác định xác suất khả năng xảy ra rủi ro và trọng số của các rủi ro lớn đối với mỗi tổ chức trung gian.Các kết quả của đánh giá rủi ro tổng thể cùng với xác suất được sử dụng để chấm điểm rủi ro cho từng tổ chức trung gian.

Việc hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về giám sát công ty chứng khoán theo mô hình ngân hàng đầu tư nhằm phát triển đủ năng lực quản lý, đảm bảo thực hiện có hiệu quả phương pháp giám sát trên cơ sở rủi ro là một thách thức lớn nhưng cần được các cơ quan hữu quan có nhận thức sâu sắc và có kế hoạch triển khai.Vì vậy, để đảm bảo năng lực quản lý và có thể ban hành những cơ chế chính sách phù hợp đối với mô hình ngân hàng đầu tư, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cần phải xây dựng lộ trình cụ thể, hạn chế việc ban hành các quy định pháp lý luôn đi sau so với sự phát triển của thị trường chứng khoán.