Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:
Thi đua, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu tái cấu trúc thị trường để phát triển ổn định, bền vững
Một trong những nhiệm vụ nổi bật của phong trào thi đua yêu nước Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 là tập trung tái cấu trúc thành công thị trường chứng khoán Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế. Nhìn lại giai đoạn quan trọng đã qua, ngành Chứng khoán tự hào với những thành công và nỗ lực đạt được, đồng thời đặt quyết tâm cao cho chặng đường phát triển sắp tới.
Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những khó khăn của nền kinh tế trong nước, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn 2008-2011. Xuất phát từ thực tiễn này, UBCKNN đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán trên 4 trụ cột chính: tái cấu trúc cơ sở hàng hóa; tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư; tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán; và tái cấu trúc tổ chức thị trường.
Các đề án, chính sách và văn bản pháp lý chung, có ý nghĩa quan trọng, đặt nền móng cho công tác tái cấu trúc TTCK theo chiều sâu đã lần lượt ra đời. Điển hình là Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020; Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý TTCK; Đề án tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm; Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
Ngay sau đó, hàng loạt các chính sách, văn bản pháp lý hướ ng dẫn và kế hoạch, giải pháp cụ thể hàng năm cũng đã nhanh chóng được Bộ Tài chính, UBCKNN ban hành và triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh công tác tái cấu trúc TTCK, đặc biệt là bám sát các thông lệ quốc tế để vận hành phù hợp với thực tế Việt Nam.
Sau 4 năm nỗ lực triển khai, công tác triển khai tái cấu trúc TTCK đã đạt được nhiều thành tựu trên 4 trụ cột chính, đảm bảo yêu cầu đề ra.
Công tác tái cấu trúc cơ sở hàng hóa được thực hiện đồng bộ trên tất cả các thị trường
Trên thị trường cổ phiếu, Nghị định 58/2012/NĐ-CP đã sớm được ban hành, theo đó, tiêu chuẩn niêm yết, phát hành cổ phiếu được nâng cao. Đồng thời, trên cơ sở chấp thuận của UBCKNN, các sở giao dịch Chứng khoán (SGDCK) cũng đã ban hành các quy chế về niêm yết theo các tiêu chí cao hơn. Cụ thể, tại SGDCK TP. Hồ Chí Minh, tăng mức vốn điều lệ niêm yết tối thiểu từ 10 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng và hiện nay lên 120 tỷ đồng/công ty; trên SGDCK Hà Nội từ 5 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng, hiện nay là 30 tỷ đồng/công ty; bổ sung yêu cầu không có lỗ lũy kế và chỉ tiêu lãi trên vốn chủ sở hữu (ROE) phải tối thiểu 5%.
Kết quả là các công ty niêm yết có quy mô nhỏ với tình hình tài chính không tốt đã dần rút lui khỏi thị trường dưới các hình thức hủy niêm yết tự nguyện, bắt buộc hoặc chuyển sang thị trường đăng ký giao dịch (UPCoM) và được thay thế bởi các công ty có quy mô lớn với tiềm lực tài chính mạnh hơn.
Trong giai đoạn 2011-2014, tổng số công ty niêm yết mới là 124 công ty nhưng số lượng công ty hủy niêm yết cũng cao, là 94 công ty do yêu cầu về tiêu chuẩn niêm yết và công bố thông tin cao hơn và công tác tự tái cấu trúc của các công ty. Tính đến giữa năm 2015, toàn thị trường có 662 doanh nghiệp niêm yết trên 2 SGDCK với tổng giá trị niêm yết đạt gần 477 nghìn tỷ đồng, tăng 79% so với năm 2011 và 204 công ty đăng ký giao dịch trên thị trường UpCoM với tổng giá trị đạt 31 nghìn tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2011.
Không chỉ nâng cao chất lượng các cổ phiếu niêm yết, tính công khai minh bạch trên thị trường cổ phiếu cũng được chú trọng tăng cường với việc ban hành các thông tư hướng dẫn về hoạt động công bố thông tin, quản trị công ty; Việc niêm yết sau hợp nhất, sáp nhập cũng đã được ban hành theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế.
Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) sơ cấp, để thị trường TPCP trở thành một kênh huy động vốn quan trọng với chi phí hợp lý cho Chính phủ, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tăng tính thanh khoản trên thị trường TPCP thứ cấp, Bộ Tài chính đã ban hành Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 và UBCKNN đã tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường trái phiếu với các thông tư hướng dẫn và quy định, quy chế triển khai.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để hỗ trợ vận hành thị trường trái phiếu cũng đã từng bước được nâng cấp. Hiện nay, hệ thống giao dịch TPCP phiên bản 3, kết nối với Bloomberg và hệ thống Đường cong lợi suất TPCP đã chính thức vận hành, hoạt động ổn định.
Hệ thống đấu thầu điện tử đã được triển khai, qua đó cho phép điện tử hóa toàn bộ quá trình từ khi bắt đầu tới khi hoàn tất phiên đấu thầu, kết nối đồng bộ với tổ chức phát hành, thị trường giao dịch và các thành viên đấu thầu. Bằng việc triển khai mạnh mẽ trên cả phương diện chính sách và kỹ thuật, thị trường trái phiếu sơ cấp và thứ cấp đã có những bước tiến vượt bậc.
Khối lượng phát hành tăng mạnh, giá trị phát hành trái phiếu năm 2014 đạt hơn 240 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2011. Thanh khoản trên thị trường thứ cấp được cải thiện mạnh mẽ, với giá trị giao dịch bình quân năm 2014 đạt hơn 2.607 tỷ đồng, tăng gấp 5,6 lần so với năm 2011, hỗ trợ tích cực cho hoạt động trên thị trường sơ cấp.
Không chỉ nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có trên thị trường, UBCKNN đã và đang tập trung phát triển các sản phẩm mới. Thị trường chứng khoán phái sinh đã được khẩn trương khai xây dựng theo Đề án xây dựng và phát triển TTCKPS Việt Nam. Ngày 5/5/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định nội dung về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.
Đây là văn bản pháp lý quan trọng cho việc hình thành và vận hành thị trường chứng khoán phái sinh. Các sản phẩm mới khác như covered warrant, NVDR, các sản phẩm trái phiếu mới, bộ chỉ số tổng hợp của thị trường, chỉ số trái phiếu... đang được triển khai nghiên cứu tích cực.
Công tác tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư đã góp phần tạo nền tảng phát triển bền vững, lâu dài cho TTCK
Đối với công tác tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư, Bộ Tài chính và UBCKKNN đã xác định mục tiêu đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, trong đó tập trung phát triển mạnh nhà đầu tư có tổ chức, đồng thời tiếp tục duy trì sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân, cải thiện thanh khoản cho thị trường. Trên tinh thần đó, các giải pháp đã được tích cực triển khai, thể hiện qua các nội dung sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý cho phép hình thành các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, UBCKNN đã trình Bộ Tài chính ban hành các thông tư hướng dẫn về công ty đầu tư chứng khoán, quỹ mở, quỹ đóng, quỹ thành viên, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ ETF;
Thứ hai, tích cực xây dựng đề án, phát triển hệ thống các quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung nhằm tạo điều kiện bổ sung hệ thống an sinh, đồng thời tạo ra nhà đầu tư có tổ chức với vốn dài hạn cho TTCK;
Thứ ba, tiết giảm thủ tục hành chính, tạo sự tiện lợi cho hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài và mở cửa thị trường dịch vụ chứng khoán theo cam kết WTO. Về nội dung này, Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam và thông tư hướng dẫn đăng ký thành lập, tổ chức và hoạt động văn phòng đại diện tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; Triển khai tiết giảm thủ tục cấp mã số đầu tư nước ngoài, chuyển sang đăng ký mã số giao dịch trực tuyến.
Sau 4 năm triển khai, cơ cấu các quỹ đầu tư đã dịch chuyển theo đúng hai xu hướng đề ra: (i) thay thế dần thế hệ các quỹ đóng bằng hệ thống các quỹ mở không gây xáo trộn thị trường, bảo đảm hoạt động linh hoạt hơn và có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn; (ii) thay thế dần các quỹ thành viên bằng hệ thống các quỹ đại chúng (quỹ mở) hoạt động minh bạch hơn. Cho đến giữa năm 2015 có 25 quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó có 15 quỹ mở và 02 quỹ ETF. Như vậy, tổng số quỹ đại chúng đã chiếm hơn 50% số lượng quỹ đang hoạt động. Đây là tín hiệu tích cực ban đầu nhằm tạo nền tảng tăng sức cầu cho thị trường trong vài năm sắp tới.
Cơ sở các nhà đầu tư trên thị trường tiếp tục có sự cải thiện, số lượng tài khoản nhà đầu tư (tính đến 31/5/2015) đạt gần 1,45 triệu (tăng 22% so với năm 2011), trong đó, so với năm 2011, số lượng nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tăng gấp đôi, số lượng nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng 41%.
Công tác tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán đã đạt được mục tiêu cơ bản
Từ cuối năm 2011, công tác tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán đã được triển khai theo hướng cơ cấu lại số lượng các tổ chức kinh doanh chứng khoán: không tăng mà từng bước thu hẹp số lượng, xử lý thanh lọc các công ty hoạt động yếu kém, không hiệu quả; tăng cường khả năng, hiệu quả quản lý, giám sát đối với hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Nhằm tạo ra cơ sở pháp lý để phân loại doanh nghiệp và xử lý doanh nghiệp yếu kém, đồng thời, nâng cao chất lượng, năng lực tài chính, Bộ Tài chính và UBCKNN đã xây dựng Đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán; ban hành các quy định về an toàn tài chính; về tổ chức, hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Căn cứ Đề án tái cấu trúc TTCK đã được phê duyệt và dựa trên cơ sở các văn bản pháp lý đã ban hành, đặc biệt là tỷ lệ vốn khả dụng, UBCKNN đã phân loại các tổ chức kinh doanh chứng khoán thành 4 nhóm, từ đó có các giải pháp phù hợp để xử lý: Nhóm 1, nhóm hoạt động lành mạnh, gồm các công ty có tỷ lệ vốn khả dụng trên 180%. Nhóm 2, nhóm hoạt động bình thường, gồm các công ty có tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 150% tới 180%. Nhóm 3, nhóm bị kiểm soát, gồm các công ty có tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 120% tới 150%. Nhóm 4, nhóm bị kiểm soát đặc biệt, gồm các công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ, tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%.
Trên cơ sở báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính và báo cáo tài chính định kỳ của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, UBCKNN thực hiện giám sát, yêu cầu tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán giải trình, thực hiện phân loại tổ chức kinh doanh chứng khoán và áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định. Tính đến nay số lượng CTCK hoạt động bình thường đã giảm khoảng 23% trên tổng số CTCK, còn 81 công ty; có 06 công ty quản lý quỹ (chiếm 12%) thuộc diện phải tái cấu trúc đã rút khỏi thị trường bằng các phương thức như: giải thể, tạm ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động, hiện còn 43 công ty hoạt động bình thường.
Ngoài ra, công tác nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng được chú trọng. Để tăng cường công tác quản trị rủi ro, UBCKNN đã ban hành quy chế hướng dẫn các tổ chức tổ chức kinh doanh chứng khoán thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro mới theo hướng buộc các tổ chức kinh doanh chứng khoán phải triển khai: (i) tổ chức bộ máy quản trị rủi ro, (ii) ban hành chính sách rủi ro, (iii) phát triển và thực hiện các quy trình nội bộ liên quan đến hoạt động quản trị rủi ro. Để hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo tiêu chuẩn quốc tế, UBCKNN đã ban hành các quy chế quản lý, giám sát theo bộ tiêu chí CAMEL nhằm đưa ra các tiêu chí cảnh báo sớm đối với các tổ chức này.
Công tác tái cấu trúc tổ chức TTCK được triển khai tích cực
UBCKNN đã xây dựng Đề án hợp nhất 2 SGDCK và quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập SGDCK Việt Nam trên nguyên tắc thống nhất về bộ máy lãnh đạo, công nghệ; phân loại hàng hóa giữa 2 sàn tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; bảo đảm tiến hành từng bước, không gây xáo trộn lớn. Bên cạnh đó, để hỗ trợ giao dịch các sản phẩm mới, cũng như chuẩn bị các nền tảng cơ bản cho việc xây dựng TTCK phái sinh, hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL) và ETF đã chính thức được đưa vào hoạt động trong năm 2014 và đang đẩy nhanh quá trình xây dựng mô hình thanh toán theo cơ chế bù trừ đối tác trung tâm (CCP). Bên cạnh đó, UBCKNN cũng đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai Đề án chuyển chức năng thanh toán tiền TPCP từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước.
Công tác tái cấu trúc TTCK đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển ổn định, bền vững trong dài hạn, góp phần vào tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế. Để tiếp tục đẩy mạnh và hoàn tất công tác tái cấu trúc, tiếp tục thúc đẩy TTCK, trong thời gian tới, UBCKNN tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nói chung:
- Tiếp tục triển khai Đề án TTCK phái sinh: hoàn thiện các thông tư hướng dẫn, các quy chế và cơ sở hạ tầng công nghệ để sớm vận hành thị trường; tích cực triển khai đào tạo và tuyên truyền về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh.
- Rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và tổ chức triển khai Nghị định 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
- Rà soát, đánh giá hệ thống văn bản pháp luật nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc và phát triển TTCK, phục vụ hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế và các cam kết quốc tế như cam kết WTO và Hiệp định kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thứ hai, về tái cấu trúc cơ sở hàng hóa
- Rà soát lại danh mục các công ty niêm yết trên các SGDCK, chú trọng chất lượng doanh nghiệp niêm yết; nâng cao chất lượng quản trị công ty, quản trị rủi ro; tiếp tục tăng cường tính minh bạch trên TTCK.
- Phối hợp thực hiện cổ phần hóa, đấu giá cổ phần các doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo hàng hóa có chất lượng cao cho thị trường; sửa đổi quy định để gắn hoạt động cổ phần hóa với đăng ký giao dịch trên TTCK.
- Nghiên cứu và xem xét ban hành quy định và hướng dẫn về quản trị rủi ro cho các công ty đại chúng, đặc biệt đối với các công ty đại chúng quy mô lớn.
Thứ ba, về tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư:
- Tập trung phát triển nhà đầu tư tổ chức, theo đó cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để triển khai quỹ hưu trí tự nguyện; phối hợp, tổ chức triển khai mở rộng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo tinh thần của Nghị định 60/2015/NĐ-CP.
- Phát triển các nhà đầu tư tổ chức, các nhà tạo lập thị trường và hoàn thiện cơ chế, hệ thống giao dịch trái phiếu nhằm tạo cơ sở cho việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
- Thực hiện các giải pháp nhằm nâng hạng TTCK Việt Nam từ frontier market lên emerging market trên bảng MSCI nhằm thu hút vốn nước ngoài.
Thứ tư, về tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán:
- Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên cơ sở phân loại và theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ chứng khoán; nâng cao năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro; Hoàn thiện và triển khai giám sát hoạt động các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo phân loại.
- Nghiên cứu ban hành các chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính, giá trị hợp lý tiếp cận với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS theo lộ trình hợp lý; Cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo cam kết WTO, khuyến khích các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín tham gia.
Thứ năm, về tái cấu trúc tổ chức quản lý thị trường:
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đề án, quyết định về tổ chức và hoạt động của SGDCK Việt Nam trên nguyên tắc thống nhất về chức năng như bộ máy quản lý và quản trị hoạt động, trong đó, chú trọng các nội dung công nghệ thông tin, tiêu chí niêm yết, thành viên giao dịch và công bố thông tin; Tiếp tục hoàn thiện cấu trúc giao dịch và sản phẩm của các SGDCK; nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số mới, chỉ số trái phiếu, hệ thống các loại lệnh giao dịch…
- Củng cố mô hình hoạt động độc lập của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam theo hướng bổ sung chức năng đối tác thanh toán trung tâm (CCP); Chuyển chức năng thanh toán trái phiếu từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước.
Với việc triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính và UBCKNN, công tác tái cấu trúc TTCK đã đạt được những thành công nhất định, góp phần ổn định và phát triển bền vững TTCK Việt Nam và đóng góp tích cực vào công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế đất nước.