Bàn về nguyên tắc phát triển bền vững của ngành Du lịch Việt Nam
Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ của thế giới và cũng là mục tiêu hàng đầu cho phát triển của Việt Nam. Ở nước ta, khái niệm phát triển bền vững mới được tiếp cận từ thập niên 1980, được khẳng định trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước 1991- 2000, bằng Chỉ thị 36 CT/TW ngày 25/06/1998 của Bộ Chính trị về công tác tăng cường bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, cũng được khẳng định thông qua các chủ trương qua các kỳ đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII, trở thành những định hướng quan trọng cho các ngành, trong đó có ngành Du lịch. Việc xác định nguyên tắc phát triển bền vững và du lịch bền vững là cơ sở quan trọng cho những bước tiếp theo của ngành Du lịch.
Phát triển bền vững và du lịch bền vững
Thuật ngữ phát triển bền vững lần đầu tiên sử dụng trong báo cáo “Chiến lược bảo tồn thế giới” do Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đề xuất năm 1980. Mục tiêu tổng thể của chiến lược là đạt được sự phát triển bền vững bằng cách bảo vệ tài nguyên sinh vật, nhấn mạnh tới tính bền vững của sự phát triển về mặt sinh thái, nhằm kêu gọi bảo tồn tài nguyên sinh vật.
Hầu hết các khái niệm sau này đều đồng nhất rằng, nội hàm của phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, bền vững về kinh tế, bền vững về tài nguyên môi trường và bền vững về văn hóa xã hội. Du lịch được coi là ngành “công nghiệp không khói” lớn nhất trên phạm vi toàn thế giới, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của các quốc gia, bảo tồn giá trị văn hóa có tính toàn cầu cũng như có tác động đến mọi khía cạnh về tài nguyên và môi trường.
Khái niệm phát triển du lịch bền vững: “Là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của các thế hệ tương lai”. Theo đó, trong quá trình phát triển phải đảm bảo được sự bền vững về kinh tế, bền vững về tài nguyên môi trường và bền vững về văn hóa xã hội.
Trong đó, bền vững về kinh tế cần được hiểu là sự phát triển ổn định lâu dài của du lịch, tạo ra nguồn thu đáng kể, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng của kinh tế - xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt người dân địa phương. Mức sống của người dân địa phương được cải thiện từ du lịch thì họ sẽ có lý do để bảo vệ nguồn thu nhập này bằng cách bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo vệ các giá trị văn hóa truyển thống để du khách tiếp tục tới, qua đó xóa đói giảm nghèo, đem lại cơ hội nâng cao mức sống cho người dân địa phương, tăng trưởng kinh tế cho những vùng còn khó khăn.
Các nguyên tắc phát triển du lịch bền vững
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, muốn phát triển bền vững đòi hỏi sự nỗ lực chung của toàn xã hội. Mục tiêu của phát triển bền vững mang tới sự hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường nhưng không làm ảnh hưởng tới tương lai. Để thực hiện mục tiêu đó, cần xác định được 10 nguyên tắc của phát triển du lịch bền vững, lấy làm kim chỉ nam cho những hoạt động tiếp theo, giúp ngành Du lịch phát triển bền vững trong tương lai, cụ thể:
Thứ nhất, khai thác sử dụng nguồn lực một cách hợp lý .
Nguồn lực là tổng thể vị trí địa lí, tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn nhân lực, đường lối chính sách, vốn và thị trường… ở cả trong nước và ngoài nước có thể được khai thác nhằm phục vụ cho việc phát triển du lịch. Việc sử dụng, bảo tồn bền vững tài nguyên thiên nhiên văn hóa xã hội là hết sức cần thiết đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, khai thác phục vụ hoạt động du lịch dựa trên sự tính toán nhu cầu hiện tại.
Ngành Du lịch cần ngăn chặn sự phá hoại tới nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường, nhân văn, phát triển và thực thi chính sách môi trường hợp lý trên các lĩnh vực của du lịch, lắp đặt các thiết bị giảm thiểu ô nhiễu không khí, nguồn nước... Thực thi nguyên tắc phòng ngừa, tôn trọng các nhu cầu của người dân địa phương, bảo vệ và ủng hộ việc thừa hưởng di sản văn hóa dân tộc trên thế giới, triển khai các hoạt động du lịch có trách nhiệm và đạo đức, kiên quyết bài trừ các hoạt động du lịch trái thuần phong mỹ tục.
Thứ hai, giảm thiểu sự tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên.
Việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ở mức vừa đủ một mặt giúp cho việc phục hồi tài nguyên thiên nhiên, mặt khác giảm chất thải ra môi trường sẽ tránh nhiều phí tổn cho việc hồi phục môi trường, góp phần tăng chất lượng của du lịch.
Để thực hiện được nguyên tắc này ngành Du lịch cần phải khuyến khích giảm thiểu việc tiêu thụ không đúng đắn của du khách, ưu tiên việc sử dụng các nguồn lực địa phương, giảm rác thải và đảm bảo rác thải an toàn do du khách xả ra, hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương, các dự án tái chế rác thải, có trách nhiệm phục hồi tổn thất qua công tác quy hoạch du lịch tạo ra.
Thứ ba, duy trì tính đa dạng thiên nhiên, xã hội và nhân văn.
Cần phải trân trọng tính đa dạng của thiên nhiên, xã hội, môi trường của điểm đến, đảm bảo nhịp độ, quy mô và loại hình phát triển du lịch, để bảo vệ tính đa dạng của văn hóa địa phương. Phòng ngừa tôn trọng sức chứa của mỗi vùng, giám sát chặt chẽ các hoạt động du lịch đối với động thực vật, lồng ghép các hoạt động du lịch vào các hoạt động của cộng đồng dân cư, ngăn ngừa sự thay thế các ngành nghề truyền thống lâu đời bằng các ngành nghề hiện đại, khuyến khích các đặc tính riêng của từng vùng, từng miền. Phát triển du lịch phù hợp với văn hóa bản địa, phúc lợi xã hội, nhu cầu của sự phát triển, đảm bảo quy mô, tiến độ của các loại hình du lịch nhằm gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa du khách và dân cư sở tại...
Thứ tư, phát triển du lịch phải đặt trong quy hoạch tổng thể của kinh tế xã hội.
Sự tồn tại lâu dài của ngành Du lịch phải nằm trong khuôn khổ chiến lược của quốc gia, vùng, địa phương về kinh tế - xã hội. Để đảm bảo sự phát triển, ngành Du lịch cần phải tính tới nhu cầu trước mắt của cả người dân và du khách, trong quy hoạch cần phải thống nhất các mặt kinh tế - xã hội, môi trường, tôn trọng chiến lược của quốc gia, vùng, lãnh thổ, địa phương, phát triển ngành lồng ghép trong chiến lược chung, lấy chiến lược tổng thể làm định hướng phát triển cho toàn Ngành. Phát triển ngành Du lịch phải phù hợp với địa phương, phù hợp với quy hoạch mà địa phương giao cho, sự phát triển đó mới bền vững và lâu dài.
Thứ năm, phát triển du lịch phải hỗ trợ kinh tế cho địa phương.
Với tính đặc thù liên ngành, phát triển bền vững không phải chỉ riêng nó mà kéo theo nhiều lĩnh vực khác, trong lĩnh vực du lịch, việc hỗ trợ cho ngành nghề khác không chỉ các doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đơn vị được hỗ trợ nhiều, dẫn đến hỗ trợ kinh tế cho địa phương. Nói cách khác, ngành Du lịch làm nền cho sự đa dạng hóa bằng kinh tế bằng hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Đầu tư cho du lịch, không chỉ là sản phẩm du lịch, khu dự án, còn là sơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở hạ tầng địa phương, mang lại lợi ích cho nhiều thành phần kinh tế nhân dân sở tại.
Thứ sáu, thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển bền vững du lịch.
Việc tham gia của cộng đồng địa phương là một nhân tố đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững. Khi cộng đồng địa phương được tham gia phát triển du lịch sẽ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho du lịch, vì họ có trách nhiệm với chính tài nguyên và môi trường khu vực.
Do vậy, cơ quan quản lý du lịch phải tôn trọng nhu cầu và nguyện vọng của cộng đồng địa phương, ủng hộ quan điểm cộng đồng địa phương trong phát triển của chính họ, khuyến khích họ tham gia vào các dự án, các hoạt động cho phát triển bền vững du lịch. Ủng hộ các doanh nghiệp tham gia các dự án, giải quyết những khó khăn cho dân cư sở tại, hợp tác với người dân sở tại nhằm cung cấp hàng hóa và dịch vụ của chính họ cho du khách, góp phần vào phát triển du lịch của địa phương mình.
Thứ bảy, lấy ý kiến của nhân dân và các đối tượng có liên quan.
Việc trao đổi giữa ngành Du lịch, cộng đồng, cơ quan liên quan rất cần thiết nhằm giải tỏa những mâu thuẫn trong quá trình thực hiện các bước của phát triển du lịch. Tham khảo ý kiến của các bên liên quan và cộng đồng dân cư, các tổ chức trong và ngoài nước, phi chính phủ, chính phủ với các ý kiến cho dự án, cho công trình phát triển du lịch bền vững, lồng ghép các lợi ích của các bên nhằm mục đích hài hòa về lợi ích trong quá trình thực hiện.
Du lịch còn đem lại sự tiếp xúc trực tiếp giữa du khách với người dân địa phương và những thay đổi tiềm ẩn do tác động của hoạt động du lịch mang lại. Lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và những đối tượng liên quan để khuyến khích sự tham gia nhằm điều chỉnh những bước tiếp theo, lồng ghép những lợi ích phù hợp.
Thứ tám, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Với phát triển du lịch bền vững, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ vô cùng cần thiết. Một lực lượng lao động đào tạo kỹ năng thành thạo, không những mang lại lợi ích về kinh tế cho ngành mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Trong khâu tuyển dụng, chú ý nguồn nhân lực địa phương, chú trọng trong đào tạo chuyên môn, cần lồng ghép các vấn đề môi trường, xã hội trong công tác đào tạo, nâng cao nhận thức cho cán bộ, học sinh, người dân tham gia vào hoạt động du lịch về bản sắc văn hóa, sự độc đáo sản phẩm văn hóa tại địa phương mình. Hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục bằng lợi nhuận chia sẻ từ lĩnh vực du lịch.
Thứ chín, tiếp thị ngành Du lịch một cách có trách nhiệm
Cần tiếp thị, cung cấp những thông tin đầy đủ cho du khách qua những phương tiện thông tin báo, đài, internet… Cần tận dụng sức mạnh to lớn từ internet, các công cụ tìm kiếm, sự bùng nổ của mạng xã hội và các thiết bị thông minh. Tuy nhiên, thông tin quảng bá cần phải được sàng lọc và kiểm duyệt trước khi đưa ra công chúng nhằm giúp tương tác với du khách trên toàn cầu hiệu quả hơn.
Thứ mười, coi trọng công tác nghiên cứu khoa học ngành Du lịch
Để du lịch trở thành một ngành kinh tế chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững, hoạt động nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đào tạo và thực hiện hoạt động phát triển du lịch. Các thành tựu khoa học công nghệ về du lịch trong các lĩnh vực thời gian qua đã trở thành những nền tảng khoa học quan trọng với tính ứng dụng thực tiễn cao, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch.
Kết quả nghiên cứu của một số công trình khoa học là tài liệu tham khảo có giá trị cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển. Do vậy, trong thời gian tới, khuyến khích nghiên cứu khoa học và giám sát các hoạt động liên quan tới hoạt động du lịch, phát triển bền vững ngành du lịch, khuyến khích việc đánh giá dữ liệu trước khi tiến hành một dự án. Đồng thời hỗ trợ việc nghiên cứu điều tra về thông tin cũng như kết quả nghiên cứu,cho các đối tượng có liên quan.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Tuấn Cảnh và Phạm Trung Lương (2004), “Phát triển du lịch bền vững – Quan điểm chiến lược của phát triển du lịch Việt Nam” ;
2. Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hoà (chủ biên) (2009), Giáo trình “Kinh tế du lịch”(2009), NXB. Đại học Kinh tế quốc dân;
3. Đinh Trung Kiên, (2004), Sách “Một số vấn đề về du lịch Việt Nam”; NXB Đại học Quốc gia Hà Nội;
4. Đổng Minh Ngọc, Vương Lôi Đình (2000) “Kinh tế du lịch và du lịch học” Trung Quốc;
5. Martin Opperman và Kye –Sung Chon (1997) “Tourism in Developing Countries Nxb International Thomson Business Press;
6. Một số website: vietnamtourism.gov.vn, cinet.gov.vn.