Bán vốn nhà nước theo book building, hiệu lực… trên giấy
Nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn nằm trong kế hoạch cổ phần hóa năm nay. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, chưa có doanh nghiệp nào lên phương án bán cổ phần theo phương thức dựng sổ (book building).
Doanh nghiệp chưa mặn mà
Ðặc tính của book building là tổ chức bảo lãnh phát hành sẽ đứng ra quảng bá, thăm dò nhu cầu mua của nhà đầu tư để dựng sổ, xác định giá phát hành sao cho sát nhất với nhu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả tài chính cho tổ chức phát hành.
Ðiều này cho phép bên bán vốn biết trước được nhà đầu tư, khối lượng bán cũng như ước tính được giá trị thu về từ đợt bán vốn so với bán vốn theo phương thức đấu giá truyền thống.
Vì tính hữu ích của phương thức book building mà sau nhiều năm trông đợi từ phía nhà đầu tư cũng như các thành viên thị trường, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BTC hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ.
Hệ thống công nghệ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã sẵn sàng triển khai phương thức bán vốn này.
Tuy nhiên, đến nay chưa một doanh nghiệp cổ phần hóa, bán vốn nào đánh tiếng áp dụng phương thức mới, trong khi số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm nay rất nhiều, với quy mô tài sản lên đến cả tỷ USD.
Theo Quyết định số 26/2019/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2020 sẽ có 93 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa.
Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, hiện mới có 1 doanh nghiệp là Công ty Sách và Thiết bị trường học tỉnh Ðắk Nông đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Trong số các doanh nghiệp phải hoàn tất cổ phần hóa năm nay có nhiều doanh nghiệp lớn như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Lương thực miền Bắc…
Các địa phương còn lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa lớn như TP.HCM có 38 doanh nghiệp, Hà Nội có 13 doanh nghiệp…
Là doanh nghiệp từng lỗi hẹn về thời hạn cổ phần hóa, một lãnh đạo Tổng công ty Phát điện 2 (Genco2) cho biết, sẽ công bố giá trị doanh nghiệp trong tháng 3/2020 để phê duyệt phương án cổ phần hóa vào tháng 8/2020.
Trên cơ sở đó, Genco2 sẽ tổ chức chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 12/2020.
Không riêng Genco2, mà nhiều doanh nghiệp khác trong diện cổ phần hóa trong năm nay cũng chưa đả động đến việc áp dụng phương thức dựng sổ.
Tìm hiểu của phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán cho thấy, tiến trình cổ phần hóa đang rất chậm, cộng với tâm lý e ngại áp dụng cơ chế mới từ phía doanh nghiệp dễ dẫn đến rủi ro về mặt pháp lý, khiến cho việc áp dụng bán vốn theo phương thức dựng sổ chưa biết đến khi nào mới được áp dụng.
Bán cổ phần theo phương thức đấu giá, nhà đầu tư nào trả giá cao sẽ trúng giá, nhưng với phương thức bán cổ phần theo book building thì không như vậy.
Giá bán cổ phần theo phương thức dựng sổ là một mức giá bán chung duy nhất được xác định tại mức giá mà tại đó phân phối được tối đa số lượng cổ phần dự kiến chào bán, có tính đến nguyên tắc ưu tiên theo đối tượng nhà đầu tư công chúng, hoặc nhà đầu tư chiến lược được doanh nghiệp công bố tại phương án bán cổ phần lần đầu.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, nếu phương thức dựng sổ không được thống nhất rộng rãi trong cơ quan quản lý và thị trường, thì có thể dẫn đến những câu hỏi kiểu như tại sao không bán cổ phần ở mức giá cao nhất mà lại bán ở mức giá thấp hơn, như thế có làm thất thoát tài sản nhà nước, không mang lại hiệu quả tối ưu cho Nhà nước khi bán cổ phần?
Một băn khoăn khác khiến doanh nghiệp chưa mặn mà áp dụng book building là chi phí bán vốn theo phương thức này khá cao, nên thường phù hợp với các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ gần như không thể tham gia.
Mặt khác, do book building chưa được thực hiện trên thực tế với các doanh nghiệp cổ phần hóa, nên các tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành như công ty chứng khoán gặp thách thức trong triển khai.
Trong đó, tổ chức bảo lãnh phát hành thông qua việc tổ chức giới thiệu bán cổ phần phải tìm kiếm được tối thiểu 30 nhà đầu tư tham gia mua cổ phần.
Ở góc nhìn của tổ chức tư vấn cổ phần hóa, thoái vốn, tổng giám đốc một công ty chứng khoán đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, thị trường cổ phần hóa, IPO ảm đạm từ năm 2019 đến nay chưa có tín hiệu được cải thiện.
Ngoài yếu tố nhiều doanh nghiệp lớn cổ phần hóa phải tốn thời gian để xử lý các vấn đề phức tạp trong định giá đất đai rải rác ở nhiều địa bàn trên cả nước, thì tâm lý sợ trách nhiệm trong tổ chức triển khai đang khiến cho tiến độ cổ phần hóa diễn ra rất chậm.
Có tình trạng “đẩy” trách nhiệm từ lãnh đạo doanh nghiệp lên Ban chỉ đạo cổ phần hóa, thậm chí cấp cao hơn và ngược lại.
Trong khi phía doanh nghiệp cần những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ cấp trên, thì câu trả lời mà doanh nghiệp cổ phần hóa thường nhận được là làm đúng theo quy định của pháp luật, tức không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Sau khuyến khích là yêu cầu
Thực tế trên cho thấy, việc gỡ khó cho thúc đẩy cổ phần hóa nói chung, sớm đưa vào áp dụng phương thức bán cổ phần theo book building đang đặt ra cấp thiết, bởi thời gian để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa theo Chính phủ đề ra đến hết năm nay không còn nhiều.
Ðể triển khai bán vốn theo phương thức dựng sổ, theo ông Ðặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải chủ động đăng ký.
Cơ quan quản lý khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng phương thức bán vốn này, nhất là doanh nghiệp có quy mô tài sản, giá vốn bán lớn khi tổ chức triển khai cổ phần hóa như Tổng công ty Vinaphone, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, các tổng công ty phát điện thuộc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam…
Các doanh nghiệp triển khai bán vốn theo phương thức dựng sổ thành công sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp khác triển khai.
Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế bán vốn theo book building trong thời gian ban đầu có một số thách thức.
Theo đó, tổ chức tư vấn phải gặp từng nhà đầu tư để thoả thuận giá bán cổ phần và chốt khối lượng mua. Trên cơ sở khối lượng mua sẽ chốt giá bán.
Nếu không có mối quan hệ đủ rộng với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư có năng lực về quản trị, tài chính, chuyên nghiệp cả trong và ngoài nước, thì đợt bán vốn không dễ diễn ra nhanh và mang lại hiệu quả như mong đợi.
“Việc áp dụng cơ chế bán vốn theo phương thức dựng sổ trong thời gian ban đầu là khuyến khích, sau đó nếu doanh nghiệp không chủ động, tích cực triển khai thì sẽ yêu cầu áp dụng.
Cùng với đó, tới đây, các bên có trách nhiệm cần thiết tổ chức các hoạt động tập huấn, giới thiệu cho doanh nghiệp nhận diện được lợi ích của bán vốn theo phương thức dựng sổ để tích cực áp dụng.
Trên cơ sở đó, khi điều kiện cho phép, các doanh nghiệp đủ điều kiện triển khai là tiến hành để mang lại kết quả bán vốn nhà nước tốt”, ông Tiến nói.