Bằng chứng thực nghiệm về các yếu tố tác động đến giá cổ phiếu: Cách tiếp cận theo phương pháp Bayes
Nghiên cứu này phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của 28 doanh nghiệp bất động sản được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2013-2022. Qua phương pháp hồi quy Bayes, nghiên cứu chỉ ra rằng, các yếu tố vĩ mô như tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát có ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Trong khi đó, các biến như: tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản, quy mô doanh nghiệp, tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần, hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu và giá trị tài sản thuần có tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin cho việc dự báo và đánh giá rủi ro đầu tư, quản lý danh mục đầu tư và định giá công ty, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản trong việc tối ưu hóa hiệu suất và tăng trưởng thông qua việc đưa ra các quyết định chính sách kinh doanh.
Giới thiệu
Ngành Bất động sản (BĐS) Việt Nam trong thập kỷ qua đã trải qua những biến động lớn, từ sự phát triển nhanh chóng đến những thách thức từ các yếu tố nội và ngoại tại. Trong giai đoạn nghiên cứu, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều biến động và phát triển, từ tăng trưởng mạnh mẽ đến suy giảm do ảnh hưởng của các sự kiện toàn cầu như khủng hoảng tài chính và dịch bệnh. Những yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) BĐS. Do vậy, nghiên cứu này không chỉ phân tích các yếu tố truyền thống như lợi nhuận, doanh thu và tỷ lệ tăng trưởng, mà còn đi sâu vào các yếu tố phức tạp hơn như tình hình thị trường BĐS, biến động thị trường tài chính và các chính sách kinh tế - chính trị ảnh hưởng đến ngành BĐS.
Cơ sở lý thuyết
Nghiên cứu này thực hiện dựa trên các lý thuyết quan trọng như: Lý thuyết thị trường hiệu quả, Tài chính hành vi và Bất hòa nhận thức.
Mô hình và giả thuyết nghiên cứu
Bảng 1: Mô tả biến trong mô hình nghiên cứu |
|||
Kí hiệu |
Tên biến |
Đo lường |
Giả thuyết |
Biến phụ thuộc |
|||
SP |
Giá cổ phiếu |
Giá đóng cửa ngày cuối cùng của năm |
|
Biến độc lập |
|||
ROA |
Tỷ suất sinh lời |
Lợi nhuận sau thuế/ Tổng tài sản |
+ |
SIZE |
Quy mô DN |
Log (Tổng tài sản) |
+ |
EPS |
Tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần |
(Lợi nhuận sau thuế - Cổ tức ưu đãi)/Số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu lưu hành trong kỳ |
+ |
PE |
Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu |
Giá trị thị trường/ EPS |
+ |
NAV |
Giá trị tài sản thuần |
Tổng giá trị vốn chủ sở hữu (bao gồm tổng tài sản sau đó trừ nợ)/ Tổng số cổ phiếu đang lưu hành |
+ |
GDP |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế |
Tổng cục Thống kê |
+ |
INF |
Tỷ lệ lạm phát |
Tổng cục Thống kê |
- |
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Bảng 2: Kết quả hồi quy |
||||||
Mean |
Std.dev. |
MCSE |
Median |
Equal-tailed [95% cred. interval] |
||
ROA |
0,0415 |
0,0308 |
0,0002 |
0,0412 |
-0,0181 |
0,1017 |
SIZE |
0,0111 |
0,0015 |
0,0000 |
0,0111 |
0,0082 |
0,0140 |
EPS |
1,5336 |
0,6489 |
0,0046 |
1,5315 |
0,2588 |
2,7999 |
PE |
0,0000 |
0,0000 |
0,0000 |
0,0000 |
0,0000 |
0,0000 |
NAV |
0,7817 |
0,1373 |
0,0010 |
0,7822 |
0,5124 |
1,0522 |
GDP |
-0,3186 |
0,0575 |
0,0004 |
-0,3191 |
-0,4318 |
-0,2065 |
INF |
-0,1077 |
0,0673 |
0,0005 |
-0,1088 |
-0,2369 |
0,0276 |
_cons |
-0,0476 |
0,0108 |
0,0001 |
-0,0476 |
-0,0689 |
-0,0262 |
var |
0,0003 |
0,0000 |
0,0000 |
0,0003 |
0,0002 |
0,0003 |
Nguồn: Trích xuất từ phần mềm Stata 16 |
Mô hình
Mô hình hồi quy trong nghiên cứu này được thể hiện như sau:
SP = c + β1*ROAit + β2*SIZEit +β3*EPSit + β4*PEit + β5*NAVit +β6*GDPit + β7*INFit εitβ
Trong đó: i đại diện cho các công ty BĐS Việt Nam, t đại diện cho khoảng thời gian từ năm 2013-2022.
Biến phụ thuộc: SP là giá cổ phiếu của DN BĐS Việt Nam trong giai đoạn 2013-2022.
Biến độc lập: ROA – Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản của từng DN; SIZE – Quy mô của từng DN; EPS – Tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần của từng DN; PE – Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu của từng DN; NAV – Giá trị tài sản thuần của từng DN; GDP - Tốc độ tăng trưởng kinh tế; INF - Tỷ lệ lạm phát.
Giả thuyết
Biến phụ thuộc
SP - Giá cổ phiếu: Được xác định bởi giá trị thị trường của nó, là giá trị hiện tại của cổ phiếu được giao dịch trên thị trường. Trong mô hình này, tác giả sử dụng “giá đóng cửa ngày cuối cùng của năm”, phù hợp với mô hình của Sharif và cộng sự (2015) được sử dụng trong mô hình này.
Biến độc lập
ROA - Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản: ROA cho thấy mức độ hiệu quả của công ty trong việc sử dụng tài sản của mình để thu được lợi nhuận tối đa. Daeli (2018) đã chỉ ra rằng, ROA cao ảnh hưởng đến hiệu suất của công ty.
Giả thuyết H1: Có một mối quan hệ tích cực giữa tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản và giá cổ phiếu.
SIZE - Quy mô công ty: Theo Kiều và Nhiên (2020), có mối quan hệ tích cực giữa quy mô DN và giá cổ phiếu. Theo Naveed và Ramzan, tổng tài sản lớn hơn sẽ thu hút các NĐT và đẩy giá cổ phiếu lên cao.
Giả thuyết H2: Có một mối quan hệ tích cực giữa quy mô công ty và giá cổ phiếu.
EPS - Thu nhập trên mỗi cổ phiếu: EPS cao nghĩa là một công ty có lợi nhuận và có khả năng làm tăng đáng kể giá trị cổ phần của NĐT. Kết quả của Phạm Hữu Hồng Thái và Lê Dũng Hiệp (2016) cung cấp sự tin cậy cho ý kiến cho rằng giá cổ phiếu và EPS có mối tương quan thuận.
Giả thuyết H3: Có mối quan hệ tích cực giữa thu nhập trên mỗi cổ phiếu và giá cổ phiếu.
P/E - Tỷ lệ giá trên thu nhập: P/E là thước đo số tiền các NĐT sẵn sàng trả cho thu nhập của công ty và nó có tác động đáng kể đến giá thị trường của cổ phiếu. Shafiqul Alam và cộng sự (2016) đã tìm thấy mối tương quan tích cực giữa tỷ lệ P/E và giá trị thị trường của cổ phiếu.
Giả thuyết H4: Có mối quan hệ tích cực giữa tỷ lệ giá trên thu nhập và giá cổ phiếu.
NAV - Giá trị tài sản thuần: Là một chỉ số quan trọng trong đánh giá giá trị của các DN. NAV cao thường tạo ra niềm tin từ NĐT và có thể ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu của DN.
Giả thuyết H5: Có mối quan hệ tích cực giữa giá trị tài sản thuần và giá cổ phiếu.
GDP - Tăng trưởng kinh tế: Một quốc gia có tốc độ tăng trưởng có nghĩa là nền kinh tế đang phát triển, tác động tích cực đến TTCK. Do đó, khi GDP tăng, các NĐT có xu hướng lạc quan về thị trường và mở rộng đầu tư. Nghiên cứu của Lê Tấn Phước (2016) cũng cho thấy mối quan hệ tích cực giữa giá cổ phiếu và tăng trưởng kinh tế GDP.
Giả thuyết H6: Có một mối quan hệ tích cực giữa tăng trưởng kinh tế và giá cổ phiếu.
INF - Tỷ lệ lạm phát: Các NĐT rất chú ý đến lạm phát vì nó là yếu tố chính trong việc đánh giá tình trạng kinh tế chung. Do đó, tỷ lệ lạm phát (INF) là một yếu tố quan trọng và có mối tương quan trực tiếp với giá cổ phiếu.
Giả thuyết H7: Có mối quan hệ tiêu cực giữa tỷ lệ lạm phát và giá cổ phiếu.
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Kết quả nghiên cứu
Bảng 2 cho thấy, kết quả hồi quy mô hình theo phương pháp Bayes, các biến có tác động ngược chiều đến biến SP (Giá cổ phiếu) là các biến vĩ mô tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát. Các biến tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản, quy mô DN, tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần, hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu, giá trị tài sản thuần có tác động cùng chiều với biến SP.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu của các DN BĐS qua các khía cạnh như: Chính sách kinh tế của Chính phủ (ví dụ: thay đổi lãi suất có thể ảnh hưởng đến nhu cầu vay mua nhà), nhu cầu và cung ứng BĐS, ảnh hưởng của lạm phát lên giá trị thực của cổ phiếu, và tâm lý đầu tư. Để đánh giá chính xác, cần xem xét cả yếu tố nội bộ của DN và yếu tố môi trường kinh tế tổng thể.
Lạm phát tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu của DN BĐS qua việc tăng chi phí đầu vào, giảm khả năng mua của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến lãi suất vay vốn, tạo ra sự không chắc chắn trong thị trường và khiến NĐT thận trọng. Điều này có thể làm giảm nhu cầu mua nhà, đặc biệt trong phân khúc giá cao, và tăng chi phí vay vốn cho cả DN và người mua. Lạm phát còn có thể khiến giá BĐS không tăng theo tỷ lệ lạm phát, làm giảm giá trị thực của tài sản.
Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu của DN BĐS. Tỷ suất cao phản ánh hiệu quả quản lý tài sản và khả năng sinh lời, thu hút NĐT và tăng giá cổ phiếu. Đồng thời, tỷ suất cao cũng là tín hiệu tích cực về tiềm năng tăng trưởng, ổn định và khả năng cạnh tranh của DN. Tuy nhiên, tỷ suất sinh lời chỉ là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, và NĐT cần xem xét cả triển vọng ngành, chính sách kinh tế vĩ mô, và các yếu tố cụ thể của từng DN (Daeli, 2018).
Quy mô lớn của DN BĐS thường mang lại ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu, thông qua khả năng tiếp cận tài chính tốt hơn, uy tín và thương hiệu mạnh mẽ, khả năng phân tán rủi ro, và năng lực cạnh tranh cao (Naveed và Ramzan, 2013). DN lớn cũng có thể đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và đổi mới, đẩy mạnh hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, quy mô lớn không luôn đồng nghĩa với hiệu suất cao; vấn đề quản lý, thích ứng với thay đổi thị trường, và gánh nặng tài chính từ việc quản lý nhiều dự án cũng cần được xem xét kỹ lưỡng.
Trong ngành BĐS Việt Nam, tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần cao thường có ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu. Theo Phạm Hữu Hồng Thái và Lê Dũng Hiệp (2016), EPS cao cho thấy, DN đang quản lý vốn chủ sở hữu một cách hiệu quả để tạo lợi nhuận, điều này phản ánh tình hình tài chính vững mạnh và quản trị DN tốt.
Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu tác động tích cực lên giá cổ phiếu. Hệ số P/E cao có thể phản ánh sự kỳ vọng lớn từ thị trường đối với tiềm năng tăng trưởng của DN. Đặc biệt, trong một thị trường BĐS đang phát triển như Việt Nam, các DN trong lĩnh vực này thường được định giá với hệ số P/E cao hơn do NĐT kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.
Giá trị tài sản thuần tác động tích cực tới giá cổ phiếu DN BĐS. NAV cung cấp một cái nhìn tổng quan về giá trị thực của tài sản của công ty, giúp tạo ra sự minh bạch và độ tin cậy trong việc định giá cổ phiếu. Đồng thời, nó là cơ sở cho các đánh giá về dự án hiện có và tiềm năng tăng trưởng, thu hút sự quan tâm từ các NĐT. Với sự ổn định và an toàn mà NAV mang lại, nó có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư và tạo ra giá trị cho cổ đông (Phạm Hữu Hồng Thái và Lê Dũng Hiệp, 2016).
Tính vững của mô hình
Để phân tích tác động của các biến số đến giá cổ phiếu của các DN niêm yết, tác giả thực hiện hồi quy theo phương pháp Bayes với thuật toán lấy mẫu Gibbs. Chuẩn đoán sự hội tụ của chuỗi MCMC nhằm đảm bảo suy luận Bayes dựa trên mẫu MCMC là hợp lý. Để kiểm định sự hội tụ của MCMC, tác giả sử dụng Trace plot, Autocorrelation, Histogram và Kernel Denity pot. Các biểu đồ Histogram và Density mô phỏng hình dạng của các phân phối xác suất. Từ đó có thể thấy rằng chuỗi MCMC hội tụ về phân phối mục tiêu nên kết quả hồi quy Bayes là bền vững. Tác giả cũng sử dụng ESS để đánh giá sự hội tụ của chuỗi MCMC. Kết quả cho thấy đối với tất cả các tham số, ESS tương đối lớn và thời gian tương quan đều nhỏ hơn 30, điều này cho thấy có thể chấp nhận được đối với hội tụ MCMC.
Kết luận và khuyến nghị
Kết luận
Nghiên cứu cho thấy bằng chứng thực nghiệm về các yếu tố tác động đến giá cổ phiếu của 28 DN BĐS niêm yết trên TTCK Việt Nam giai đoạn 2013 - 2022. Bằng cách tiếp cận theo phương pháp Bayes, kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố vĩ mô (bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát) tác động ngược chiều đến giá cổ phiếu các DN BĐS. Các biến tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản, quy mô DN, tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần, hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu, giá trị tài sản thuần có tác động cùng chiều.
Khuyến nghị
Trong môi trường kinh tế đầy biến động tại Việt Nam, NĐT và các DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS cần triển khai một loạt chiến lược chắc chắn để giảm thiểu tác động tiêu cực từ tốc độ tăng trưởng kinh tế đối với giá cổ phiếu. Điều này bao gồm việc theo dõi sát sao các xu hướng thị trường và thích nghi linh hoạt với chính sách kinh tế, đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro. Việc xây dựng chiến lược quản lý rủi ro một cách tỉ mỉ, tập trung nâng cao chất lượng và sáng tạo trong các dự án, cũng như tiến hành phân tích tài chính kỹ lưỡng đối với đối tác và khách hàng, sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Ngoài ra, cần cập nhật thông tin một cách minh bạch và đúng hạn giúp củng cố niềm tin từ phía cổ đông và NĐT. Cuối cùng, việc xây dựng một chiến lược phát triển lâu dài sẽ hỗ trợ các DN không chỉ vượt qua những thách thức ngắn hạn mà còn nắm bắt được các cơ hội tăng trưởng trong dài hạn, đảm bảo sự thịnh vượng và ổn định trong tương lai.
Đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát đến thị trường BĐS Việt Nam, NĐT và DN cần thực hiện các biện pháp như phân tích kỹ lưỡng báo cáo tài chính, đa dạng hóa danh mục đầu tư, tập trung vào các dự án có tiềm năng tăng trưởng cao, chú trọng đến chiến lược giá và quản lý chi phí. Xây dựng mối quan hệ với khách hàng và theo dõi sát sao chính sách vĩ mô cũng quan trọng, cùng với việc quản lý nợ và tài chính một cách cẩn thận.
Để tăng cường tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản và tạo ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu, các DN BĐS Việt Nam nên tập trung vào việc tối ưu hóa quản lý tài sản, đầu tư vào các dự án hiệu quả cao, kiểm soát chi phí một cách hiệu quả, phát triển chiến lược quản lý rủi ro, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, và thực hiện các đầu tư chiến lược trong công nghệ và đổi mới. Những bước này không chỉ giúp cải thiện hiệu suất hoạt động mà còn tăng cường vị thế cạnh tranh và giá trị cổ phiếu của DN trên thị trường.
Đối với thị trường BĐS tại Việt Nam, việc mở rộng quy mô cẩn thận, tận dụng lợi thế quy mô để cải thiện biên lợi nhuận, đầu tư vào công nghệ và đổi mới, cũng như quản trị rủi ro hiệu quả là những yếu tố quan trọng để tăng giá trị cổ phiếu. Ngoài ra, mối quan hệ mạnh mẽ với khách hàng và đối tác, đa dạng hóa danh mục đầu tư, và giao tiếp minh bạch với NĐT cũng rất cần thiết. Những biện pháp này giúp DN không chỉ tận dụng tối đa lợi ích từ quy mô của mình mà còn giúp giảm thiểu rủi ro, tăng cường sự hấp dẫn đối với NĐT và cuối cùng là tác động tích cực đến giá cổ phiếu.
Các DN BĐS ở Việt Nam có thể tăng tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần và tác động tích cực đến giá cổ phiếu thông qua việc tối ưu hóa hoạt động, quản lý chi phí, tập trung vào tái đầu tư lợi nhuận vào dự án hiệu quả, quản lý nợ một cách thông minh và tối ưu hóa cơ cấu vốn. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng dự án và đổi mới, duy trì giao tiếp minh bạch với NĐT và quản lý rủi ro hiệu quả cũng rất quan trọng. Những biện pháp này sẽ giúp cải thiện hiệu suất tài chính và tăng cường niềm tin của NĐT, từ đó nâng cao giá trị cổ phiếu và tạo lợi ích cho cả DN và NĐT
Tài liệu tham khảo:
- Lê Thị, N. M. K., và Nhiên, T. (2020), Các yếu tố tác động đến giá trị thị trường cổ phiếu ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng;
- Al-Afeef, M. A. M. (2020), Factors affecting market capitalization: A practical study ase 1978-2019. International Journal of Scientific and Technology Research, 9(3), 7049-7053;
- Al-Shubiri, F. N. (2010), Analysis the determinants of market stock price movements: An empirical study of Jordanian commercial banks. International Journal of Business and Management, 5(10), 137;
- Daeli, C., và Endri. (2018), Determinants of firm value: A case study of cigarette companies listed on the Indonesia Stock Exchange. International Journal of Managerial Studies and Research (IJMSR), 6(8), 51-59;
- Sharif, T., Purohit, H., và Pillai, R. (2015), Analysis of factors affecting share prices: The case of Bahrain stock exchange. International Journal of Economics and Finance, 7(3), 207-216.