Hơn 1.500 doanh nghiệp bất động sản đã quay trở lại thị trường
Trong 6 tháng đầu năm, có 1.577 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) quay trở lại hoạt động. Bên cạnh đó, các dự án đã được khởi động, phân khúc bất động sản như chung cư, đất nền đã có sự giao dịch trở lại, thị trường đã có dấu hiệu “tan băng’.
Thị trường bất động sản đã “phát” tín hiệu khởi sắc
Theo báo cáo "Toàn cảnh thị trường BĐS Việt Nam trước giờ G" của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) vừa công bố, thị trường BĐS nửa đầu năm 2024 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Theo đó, toàn thị trường có 1.577 doanh nghiệp kinh doanh BĐS quay trở lại hoạt động, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Tính chung từ đầu năm 2023 đến hết quý II/2024, đã có 4.589 doanh nghiệp quay trở lại thị trường và 2.210 doanh nghiệp thành lập mới.
Đối với lực lượng môi giới, ước tính tổng số lượng môi giới quay trở lại bằng khoảng 60% so với giai đoạn "đỉnh".
Cùng với đó, theo VARS, thị trường BĐS có dấu hiệu khởi sắc với một số “hiện tượng” nổi bật như: Nhiều dự án nhà ở mới được mở bán, có kết quả giao dịch tốt trên 70%; Giá căn hộ chung cư tại hai đô thị đặc biệt liên tục thiết lập mặt bằng cao.
VARS đánh giá, nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân vốn đã “nóng” lại; đất nền một số khu vực “nóng thật”, một số khu vực có dấu hiệu “thổi nhiệt”; sức hấp dẫn của BĐS công nghiệp ngày càng được khẳng định, xuất hiện nhiều doanh nghiệp có tiềm lực muốn “lấn sân”.
Đánh giá những chuyển biến tích cực của phân khúc nhà ở, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho rằng, tại thị trường BĐS thứ cấp, nhu cầu vẫn đang tiếp tục hướng đến các sản phẩm thỏa mãn các yếu tố: Có pháp lý sạch; có tiềm năng tăng giá tại các địa phương có quy hoạch tốt, có kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng; có giá trị.
Tại báo cáo thị trường BĐS 6 tháng đầu năm vừa được Bộ Xây dựng công bố, Bộ cũng cho biết nguồn cung nhà ở đang tăng trở lại sau một thời gian hạn chế. Theo đó, nửa đầu năm nay có 18 dự án nhà thương mại hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới.
Cùng với đó, sức hút của phân khúc đất nền khi nửa đầu năm 2024 cũng tăng mạnh, có khoảng trên 253.000 giao dịch thành công, tương đương 110,26% so với 6 tháng cuối năm 2023.
Cũng theo Bộ Xây dựng, đây là tín hiệu tích cực cho thấy sức khỏe của thị trường đang ngày càng cải thiện và là điều kiện quan trọng để đẩy mạnh giao dịch nhà ở được thực hiện.
Tạo “đòn bẩy” để thị trường phục hồi nhanh hơn
Trên cơ sở thị trường BĐS đang dần "tan băng", cùng với việc các luật quan trọng của thị trường sẽ có hiệu lực sớm từ ngày 1/8, Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, một chu kỳ mới của thị trường sẽ nhanh chóng xuất hiện. Khi đó, tâm lý "chờ đợi" sẽ được tháo bỏ, các chủ thể trên thị trường sẽ mạnh dạn chuyển động, các chủ đầu tư tự tin hơn với việc ra hàng…
Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng, 3 luật được thông qua là những căn cứ bản lề góp phần giúp thị trường bước vào chu kỳ phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh.
Cũng theo ông Đính, sau khi trải qua giai đoạn khó khăn nhất, những doanh nghiệp còn tồn tại đều là những doanh nghiệp có tiềm lực, có sự tái cấu trúc phù hợp với hướng phát triển của chu kỳ BĐS mới.
“Tuy không thể phục hồi ngay lập tức, nhưng chắc chắn thị trường sẽ hồi phục dần từng bước đến khi đủ lực để phát triển trong chu kỳ BĐS mới sẽ bắt đầu từ năm 2025”, Chủ tịch Đính nhận định.
Đồng quan điểm, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Mảng dịch vụ tư vấn & Phát triển dự án DKRA Group cũng cho rằng, cơn sốt đất có thể quay lại vào giai đoạn 2025-2026.
“Thời điểm năm 2024 có thể xem như bước khởi đầu của một chu kỳ phục hồi và tăng trưởng tiếp theo của thị trường bất động sản”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Lê Bảo Long - Giám đốc Chiến lược của Batdongsan.com.vn khẳng định, khả năng giá BĐS sẽ tăng là rất cao sau khi luật có hiệu lực. Những điều khoản mới từ 3 bộ luật giúp thúc đẩy mức độ chính xác trong việc cập nhật giá đất tăng lên cao hơn. Như Điều 159 Luật Đất đai 2024 quy định bỏ khung giá đất và yêu cầu bảng giá đất cập nhật hàng năm (thay vì 05 năm/lần).