Báo cáo nghiên cứu xây dựng, thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách một số lĩnh vực

Thanh Tú

Ngày 28/10/2022, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng và thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách ở một số lĩnh vực và khả năng áp dụng ở Việt Nam”.

Toàn cảnh Hội thảo công bố Báo cáo
Toàn cảnh Hội thảo công bố Báo cáo

Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ, trong những năm qua, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực ngày một bất định, khó lường, Đảng, Nhà nước đã xác định yêu cầu phải thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra những chủ trương, định hướng chính sách và các nhóm giải pháp cụ thể để thúc đẩy các mô hình kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Tuy nhiên, để hiện thực hóa cơ hội và lợi ích từ những mô hình kinh tế nêu trên, theo bà Trần Thị Hồng Minh một điều kiện quan trọng là sớm có những cơ chế, kể cả ở khung khổ thử nghiệm, tạo sự yên tâm và tạo thuận lợi cho những ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo của doanh nghiệp. Thực tế, không ít quốc gia đã và đang áp dụng các cơ chế thử nghiệm, trước khi tiến tới cho phép các mô hình, hoạt động kinh tế mới được triển khai trên diện rộng. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, 57 quốc gia đã và đang áp dụng cơ chế thử nghiệm và có 73 loại cơ chế thử nghiệm cho các công ty về phát triển công nghệ tài chính (Fintech).

Với xu hướng chung của thế giới, Việt Nam đã phần nào có tư duy và bắt tay vào nghiên cứu xây dựng các cơ chế thử nghiệm. Tuy nhiên, quá trình đưa cơ chế thử nghiệm vào thực tiễn đời sống còn khá chậm so với kỳ vọng. Chính phủ cũng thể hiện sự ủng hộ với cơ chế thử nghiệm cho Fintech bằng việc ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 6/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, cho đến nay, dự thảo Nghị định mới chỉ dừng lại ở bước lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp.

Mục đích của cơ chế thử nghiệm là tạo ra môi trường thử nghiệm có kiểm soát trong một phạm vi nhất định, qua đó tạo ra không gian pháp lý áp dụng cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo. Với góc nhìn ấy, bà Trần Thị Hồng Minh chia sẻ, Báo cáo “Nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng và thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách ở một số lĩnh vực và khả năng áp dụng ở Việt Nam” do CIEM thực hiện tập trung: (i) Làm rõ khái niệm về cơ chế thử nghiệm, phân tích một số kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và triển khai cơ chế thử nghiệm trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) và kinh tế tuần hoàn; (ii) Đánh giá thực trạng phát triển của Fintech và một số mô hình kinh tế tuần hoàn nổi bật tại Việt Nam, qua đó rút ra một số hạn chế, tồn tại về về phát triển Fintech và kinh tế tuần hoàn nói chung và triển khai cơ chế thử nghiệm nói riêng mà Việt Nam cần khắc phục trong thời gian tới; (iii) Đưa ra các kiến nghị chính sách đối với việc xây dựng, ban hành và triển khai cơ chế thử nghiệm.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, các kết quả nghiên cứu của báo cáo sẽ tạo niềm tin, động lực và cung cấp chất liệu đầu vào cho việc nghiên cứu, hiện thực hóa các cơ chế thử nghiệm chính sách phù hợp ở Việt Nam. Trực tiếp nhất, kết quả nghiên cứu cũng sẽ phục vụ cho việc xây dựng Nghị định về cơ chế thí điểm phát triển kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của CIEM cũng muốn đóng góp những phân tích, thông tin đầu vào cho việc xây dựng các cơ chế chính sách về cơ chế thử nghiệm đối với các loại hình kinh doanh thuộc lĩnh vực Fintech.