Báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới”
(Tài chính) Ngày 7/10/2014, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố bản Báo cáo cập nhật "Triển vọng kinh tế thế giới". Trong đó, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay và năm tới.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF nhận định, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo mà định chế tài chính này đưa ra hồi tháng 7. Định chế này cũng dự báo, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,8% trong năm tới, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với lần dự báo trước. Như vậy, đây là lần lần thứ ba trong năm nay IMF hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 và 2015.
Lý do mà IMF đưa ra cho động thái cắt giảm này là sự khác biệt tăng trưởng ngày càng lớn giữa các nền kinh tế đang hồi phục và những nền kinh tế không hồi phục.
Trong khi nền kinh tế lớn nhất là Mỹ trở thành “điểm sáng” với GDP có thể tăng 2,3% trong năm nay và 3,1% trong năm 2015 thì các nền kinh tế phát triển khác như Eurozone và Nhật Bản chỉ phục hồi “ì ạch” (Eurozone tăng lần lượt 0,8% và 1,3%; Nhật Bản tăng 0,9% và 0,8% trong năm 2014 và 2015). Do vậy, các nền kinh tế phát triển chỉ tăng 1,8% trong năm nay và 2,3% trong năm 2015, thấp hơn mức dự báo 2,4% đưa ra hồi tháng 7.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã tác động tiêu cực tới kinh tế khu vực Đông Âu. Trong khi kinh tế Nga dự báo chỉ tăng 0,2%, một phần do các biện pháp trừng phạt của phương Tây và căng thẳng với Ukraine, thì GDP của Ukraine trong năm 2014 dự báo sẽ tăng trưởng âm 6,5%, cao hơn mức dự báo là âm 5% đưa ra trước đó.
Khu vực ASEAN-5, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam được nâng dự báo năm nay thêm 0,1%, lên 4,7%. Tuy nhiên, tốc độ năm sau lại giảm từ 5,6% xuống 5,4%.
Trước triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa, báo cáo của IMF khuyến cáo các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cần tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất thấp để khuyến khích vay mượn, chi tiêu và tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng cần cân nhắc chương trình mua trái phiếu chính phủ khi cần thiết để tránh tình trạng giảm phát. Ngoài ra, IMF cũng hối thúc các nước tiến hành một loạt cải cách mang tính cơ cấu như cải thiện chính sách đối với thị trường lao động, ngăn chặn nạn trốn thuế và tăng đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng.