Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 16-21/5/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Sản xuất công nghiệp

Trong tháng 4/2016, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã sản xuất hơn 1,48 triệu tấn thép các loại, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2015, do thời điểm này đang là mùa thuận lợi cho hoạt động xây dựng; cơ quan quản lý áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 192.000 tấn, tăng gần 50% so với cùng kỳ. Trong tháng 5, giá thép sẽ tiếp tục tăng, lên mức 11 - 11,5 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 10% so với giá hiện tại. (Theo Hiệp hội Thép Việt Nam - VSA).

Doanh nghiệp

Quý 1/2016, tổng doanh thu thuần hợp nhất của các đơn vị thành viên Petrolimex trên tất cả cả các lĩnh vực kinh doanh (xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí, xây lắp, bảo hiểm…) đạt 27.540 tỷ đồng, chỉ bằng 72,6% so với cùng kỳ năm 2015 do giá dầu thô thế giới giảm (so với quý 1/2015, giảm 30,8%). Mặc dù vậy, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Tập đoàn vẫn đạt 1.371 tỷ đồng, bằng 34,6% kế hoạch năm; trong đó riêng hoạt động kinh doanh xăng dầu là 658 tỷ đồng, (tương đương 47,9% tổng lợi nhuận hợp nhất). (Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex)

Trong quý 1/2016, tổng doanh thu hợp nhất của Tập đoàn Bảo Việt đạt 5.547 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2015. Lợi nhuận sau thuế là 387 tỷ đồng, hoàn thành 32,5% kế hoạch cả năm.Hoạt động kinh doanh bảo hiểm chiếm tỷ trọng 79,4% tổng doanh thu, đóng góp 4.404 tỷ đồng vào tổng doanh thu; hoạt động tài chính chiếm tỷ trọng 19,1%, đóng góp 1.062 tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất đến ngày 31/3/2016 đạt 62.751 tỷ đồng. (Theo Tập đoàn Bảo Việt)

Tính đến tháng 5/2016, đã có hàng chục nghìn DNNN được cổ phần hóa, tuy nhiên số vốn thực hiện cổ phần hóa mới khoảng 5% vốn pháp định của tổng khối DNNN, quá nhỏ nên không thể thay đổi vấn đề quản trị của doanh nghiệp. Nguồn vốn chính nằm ở 4 tập đoàn lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 90% vốn trong tổng các DNNN (điện lực, dầu khí, than khoáng sản, đường sắt). (Theo ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam - Cơ hội nào cho doanh nghiệp?” ngày 17/5)

Quỹ đầu tư Khởi nghiệp và Sáng tạo thành phố Hồ Chí Minh (HSIF) được thành lập vào ngày 17/5. Vốn ban đầu của Quỹ là 30 tỷ đồng, đồng thời Quỹ tiếp tục kêu gọi các đơn vị tham gia đóng góp thêm nguồn lực, hướng đến mục tiêu đạt quy mô ít nhất 100 tỷ đồng vào năm 2020. Mục đích của HSIF hướng vào các hoạt động hỗ trợ, bảo trợ và đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện các sản phẩm đổi mới, sáng tạo. Quỹ sẽ xem xét, khuyến khích các doanh nghiệp có định hướng công nghệ và dành cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn hoặc trợ gúp cho các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Hồ Chí Minh. (Theo Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội)

Tổng cầu

Đầu tư

Khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoàicótổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 4 tháng 2016 là 67,78 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 64,9% trong tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước đạt gần 36,67 tỷ USD, giảm 1% và chiếm 35,1%. Khối các doanh nghiệp FDI vẫn đạt được tốc độ tăng xuất khẩu khá (tăng 10,3%; trị giá đạt 37,23 tỷ USD). Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước lại giảm 1,5% (trị giá là 15,88 tỷ USD) chủ yếu do trị giá xuất khẩu dầu thô giảm mạnh 51,7%.

Ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khối các doanh nghiệp FDI lại giảm sâu hơn 1,9% (trị giá là 30,55 tỷ USD).

(Theo Tổng cục Hải quan)

Niềm tin tiêu dùng

Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Việt Nam tiếp tục đạt vị trí cao trong quý 1/2016 với 109 điểm, xếp vị trí thứ 5 toàn cầu, do Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ (với 57% dân số dưới độ tuổi 35), số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường tăng 60% trong vòng một thập kỷ qua. (Theo Báo cáo của Nielsen)

Xuất nhập khẩu

Trong tháng 4/2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 14,35 tỷ USD, giảm 5,1% so với tháng 3. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 53,10 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 14,07 tỷ USD trong tháng 4/2015, giảm 2,9% so với tháng 3; lũy kế 4 tháng đạt 51,34 tỷ USD, giảm 1,3% so cùng kỳ năm 2015. Như vậy, nền kinh tế tiếp tục xuất siêu gần 280 triệu USD trong tháng 4/2016 thay vì con số xuất siêu 100 triệu USD như ước tính của Tổng cục Thống kê. Xuất siêu lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 1,76 tỷ USD. (Theo Tổng cục Hải quan)

Tính đến hết tháng 4/2016, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là 11,45 tỷ USD, đưa Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam đạt giá trị kim ngạch trên 10 tỷ USD năm 2016 và tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm gần 21,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu).

- Xét theo mặt hàng: Trong 3 mặt hàng đạt trị giá xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, đứng đầu là dệt may với 3,4 tỷ USD; thứ hai là điện thoại 1,466 tỷ USD; thứ ba là giầy dép các loại 1,33 tỷ USD.

- Xét theo quốc gia: Trị giá xuất khẩu vào Hoa Kỳ lớn gần gấp 2 lần so với quốc gia đứng ở ví trị thứ 2 là Trung Quốc (kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc trong cùng thời điểm đạt 5,9 tỷ USD).

(Theo Tổng cục Hải quan)

4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 29.054 xe ô tô nguyên chiếc với tổng kim ngạch 732,6 triệu USD; so với cùng kỳ năm 2015, giảm 16,7% về lượng và 16,4% về trị giá. Trong đó, ô tô Thái Lan dẫn đầu thị trường xe nhập khẩu Việt Nam về cả lượng và giá trị, đạt 10.155 xe, tương đương kim ngạch 182,87 triệu USD, do giá cạnh tranh và chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu; Hàn Quốc xếp vị trí 2 với 5.369 xe trị giá 89,77 triệu USD; kế tiếp là Trung Quốc với 4.216 xe trị giá 162,36 triệu USD. (Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan)

Trong tháng 4/2016, thép nhập khẩu các loại tăng 45,3% về lượng và tăng 4,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Tính từ đầu năm đến nay, nhập khẩu thép các loại tăng 59,2% về lượng và tăng 1,3% về giá trị so với năm 2015. Nhập khẩu thép các loại tăng mạnh về lượng, nhưng giá trị tăng thấp do giá thép trên thị trường thế giới dù đã phục hồi, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giá cùng thời điểm năm 2015.

Phôi thép không hợp kim và thép thành phẩm chiếm đến hơn 90% trong cơ cấu thép nhập khẩu cả về lượng và giá trị. Mặc dù mức thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23,3% và thép dài (thép cuộn và thép thanh) là 14,2% đã được áp dụng từ ngày 22/3/2016 (theo Quyết định số 862/QĐ-BCT), nhưng lượng phôi thép và thép thành phẩm vẫn tiếp tục được nhập khẩu với khối lượng lớn.

(Theo Bộ Công Thương)

Lượng nhập khẩu xăng dầu trong tháng 4/2016 đạt hơn 1,4 triệu tấn, trị giá là 521 triệu USD, tăng 22,5% về lượng và tăng 28,4% về trị giá so với tháng 3.Tính đến hết 4 tháng năm 2016, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là hơn 4,2 triệu tấn, tăng 19,2%. Đơn giá nhập khẩu bình quân giảm 39% so với cùng kỳ năm 2015 nên trị giá nhập khẩu đạt 1,45 tỷ USD, giảm 27,2% so với 4 tháng đầu năm 2015. Xét theo thị trường, trong 4 tháng đầu năm 2016, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các thị trường: Singapore: 1,82 triệu tấn, tăng 7,3%; Malaysia: 1,02 triệu tấn, gấp 4,4 lần; Hàn Quốc: 479 nghìn tấn, gấp 6,2 lần; Trung Quốc: 411 nghìn tấn, giảm 28%... so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Tổng cục Hải quan)

Cân đối vĩ mô

Tăng trưởng tín dụng/huy động

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh:

- Tín dụng trên địa bàn đã tăng 4,26% trong 4 tháng đầu năm 2016; cho vay bằng VND tăng 5,34%; cho vayngoại tệgiảm 4,35% (do Ngân hàng Nhà nước hạn chế các đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ).

- Cho vay bất động sản chiếm 12,7% tổng dư nợ trên địa bàn; 80,2% cho vay các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; còn lại 7,1% là cho vay tiêu dùng và chứng khoán.

- Huy động ngoại tệ giảm 11,02% so với đầu năm dolãi suất huy độngUSD về 0% và tỷ giá ít biến động; huy động VND tăng 3,73%.

- Dự báo tăng trưởng tín dụng của thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng 18% trong năm 2016.

Lãi suất

Trong 4 tháng đầu năm, lãi suất huy động tăng nhẹ 0,2 - 0,3%/năm, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ổn định, dao động khoảng 6 - 9%/năm với kỳ hạn ngắn và 9 - 11%/năm với trung - dài hạn. Tín dụng đã lưu thông trở lại, góp phần cung ứng vốn cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (tính đến cuối tháng 4, tín dụng tăng 2,99% so với cuối năm 2015). Tính đến cuối tháng 4, tín dụng trung - dài hạn tăng 5,55% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng 55%; tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 3,92% so với cuối năm 2015 và chiếm tỷ trọng 8,51%. (Theo Ngân hàng Nhà nước)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 4 ngày giảm giá và 2 ngày tăng giá, vàng SJC đã giảm từ 130 - 150 nghìn đồng mỗi lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (21/5/2016), so với sáng ngày 20/5, giá vàng giao dịch ở mức:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 33,74 - 33,97 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 33,74 - 33,99 triệu đồng/lượng, giảm 20 nghìn đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra.

- Tập đoàn DOJI: 33,84 - 33,91 triệu đồng/lượng, giảm 20 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 30 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

- Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu: 3,85 - 33,9 triệu đồng/lượng, giảm 10 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 30 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung cả tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 41 đồng với 4 ngày tăng giá, 1 ngày giảm giá và 1 ngày giá không thay đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (21/5/2016), tỷ giá mua - bán tại các ngân hàng tăng nhẹ so với sáng ngày 20/5:

- Vietcombank: 22.275 - 22.345 đồng, tăng 5 đồng ở cả hai chiều.

- DongABank: 22.290 - 22.350 đồng, tăng 5 đồng ở cả hai chiều.

- Vietinbank: 22.280 - 22.350 đồng, tăng 10 đồng mỗi chiều.

- ACB tăng: 22.290 - 22.360 đồng, tăng 5 đồng chiều mua vào và tăng 15 đồng chiều bán ra.

- BIDV: 22.275 - 22.345 đồng, không thay đổi.

- Eximbank: 22.280 - 22.340 đồng, không thay đổi.

- Techcombank: 22.260 - 22.380 đồng, không thay đổi.

Thị trường tài sản

Trái phiếu

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức 1 đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành ngày 18/5, với tổng khối lượng gọi thầu 12.400 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 3 năm (1.000 tỷ đồng); 5 năm (10.400 tỷ đồng) và 20 năm (1.000 tỷ đồng).

- Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 5,3%/năm.

- Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 10.400 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,14%/năm.

- Kỳ hạn 20 năm: Huy động được 80 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,75%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 20/5/2016, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công 129.531,491 tỷ đồng trái phiếu chính phủ.

Cổ phiếu

Trong tuần qua, thị trường chứng khoán trên cả 2 sàn HNX và HOSE đều giảm điểm, do nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí giảm giá đã không tiếp tục hỗ trợ thị trường. Kết thúc tuần giao dịch:

- VN-Index giảm 4,39 điểm (0,71%) xuống 614,81 điểm.

- HNX-Index giảm 0,06 điểm (0,07%) xuống 81,75 điểm.

Trong tuần qua, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài khá sôi động, lượng mua - bán đều tăng mạnh trên cả hai sàn, trong đó tập trung mua ròng mạnh các cổ phiếu dầu khí. Tính chung trên 2 sàn,khối ngoại đã mua ròng 11,8 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 157,86 tỷ đồng.

- HOSE:Với 2 phiên bán ròng và 3 phiên mua ròng, khối ngoại đã mua ròng 10,96 triệu đơn vị, đạt tổng giá trị 121,34 tỷ đồng.

- HNX:Khối ngoại thực hiện 3 phiên mua ròng và 2 phiên bán ròng, với khối lượng 841.597 đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng 36,52 tỷ đồng.

Bất động sản

Trong quý 1/2016, chỉ số giá nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội biến động trái chiều, nhưng có điểm chung ở hai thị trường là lượng giao dịch đều sụt giảm khá mạnh so với quý 4/2015.

- Chỉ số giá nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh là 91,3 - tăng 1 điểm theo quý và 2 điểm theo năm. Lượng giao dịch là 6.400 căn, giảm 18% theo quý, nhưng tăng 49% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường là 17%, giảm 4 điểm phần trăm theo quý và theo năm.

- Chỉ số giá nhà ở tại Hà Nội đạt 107,5, giảm gần 1 điểm theo quý nhưng tăng 0,2 điểm theo năm. Lượng giao dịch là 5.600 căn, giảm 13% theo quý, nhưng ổn định theo năm. Tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường là 34%, giảm 6 điểm phần trăm theo quý và 9 điểm phần trăm theo năm.

(Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam)

Đàm phán - Ký kết

Việt Nam và Nga

Ngày 16/5/2016, đại diện Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RFPI) và Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước Việt Nam (SCIC) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Quỹ đầu tư Nga - Việt, dành 500 triệu USD đầu tư vào các dự án thương mại song phương, nhằm thúc đẩy thương mại quốc tế, tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa Việt Nam và Nga, cũng như phát triển kinh doanh của các công ty vừa và lớn của Việt Nam trên lãnh thổ Nga.

Chính sách

Thông tư số 65/2016/TT-BTC

Ngày 26/4/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 65/2016/TT-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hoạt động chứng khoán áp dụng tại các sở giao dịch chứng khoán (GDCK) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

- Tổ chức đăng ký niêm yết lần đầu phải nộp 10 triệu đồng tiền phí cho sở GDCK; trường hợp thay đổi đăng ký niêm yết niêm yết, tiền phí phải nộp 5 triệu đồng; thời gian nộp trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày sở GDCK ra quyết định chấp thuận niêm yết/thay đổi niêm yết.

- Về giao dịch chứng khoán tại sở GDCK, phí giao dịch thông thường đối với cổ phiếu, chứng chỉ Quỹ đầu tư niêm yết (không bao gồm ETF); ETF niêm yết, cổ phiếu, chứng chỉ Quỹ đăng ký giao dịch (UPCOM) và trái phiếu lần lượt là 0,03%; 0,02% và 0,0075% giá trị giao dịch.

- Từ ngày 10/6/2016, phí quản lý thành viên lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán sẽ giảm từ 40 triệu đồng/năm xuống còn 20 triệu đồng/năm. Phí đăng ký chứng khoán lần đầu vẫn giữ nguyên theo quy định hiện hành, cụ thể: 10 triệu đồng nếu giá trị đăng ký chứng khoán dưới 80 tỷ đồng; 15 triệu đồng nếu giá trị đăng ký chứng khoán từ 80 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng và 20 triệu đồng nếu giá trị đăng ký chứng khoán từ 200 tỷ đồng trở lên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/6/2016.

Quyết định số 1797/QĐ-BCT

Ngày 12/5/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1797/QĐ-BCT quy định về khung giá bán buôn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho các công ty điện lực năm 2016.

- Giá trần tăng từ 1.135 đồng/kWh lên 1.200 đồng/kWh, giá tối thiểu tăng từ 1.066 đồng/kWh lên 1.119 đồng/kWh.

- Tổng công ty Điện lực miền Trung sẽ phải chịu mức tăng 5% - cao nhất so với mức tăng 2 - 4% được áp dụng cho các tổng công ty điện lực khác nhằm yêu cầu doanh nghiệp này phải cắt giảm chi phí nhiều hơn.

Thời gian thi hành của Quyết định trên từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2016.

Nhận định

chuyên gia

Tại hội nghị “Thị trường BĐS 2016: Kịch bản và hành động” được tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội, ông Marc Townsend, Giám đốc Công ty CBRE Việt Nam cho rằng:

Hiện bất động sản Việt Nam là 1 trong 5 thị trường có triển vọng tốt nhất ở khu vực châu Á. Nhiều nhóm đầu tư từ các quốc gia như Singapore, Thái Lan… đã sang Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Bất động sản công nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi các tập đoàn đa quốc gia mở rộng các cơ sở sản xuất ở Việt Nam để tận dụng lợi thế của Hiệp định TPP và những ưu thế về giao thương khác.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam:

Không phải lo ngạibong bóng bất động sản trong vài năm tới. Dự báo năm 2018, khi hàng tồn kho hết, cầu tăng thì giá có thể tăng. Tuy nhiên, bong bóng bất động sản hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố: Thứ nhất, Chính phủ phải có chính sách ổn định, phù hợp đặc biệt là chính sách tiền tệ, dòng tiền, dòng vốn; Thứ hai, doanh nghiệp rút ra được bài học kinh nghiệm để đưa ra các chiến lược kinh doanh và cơ cấu hàng hóa, giá cả phù hợp.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia:

Thị trường bất động sản hiện đang phục hồi trong bối cảnh hoàn toàn khác trước, ổn định hơn, bền vững hơn, không có dấu hiệu bong bóng ít nhất trong vòng 5 năm tới. Do tác động của TPP, năm 2018, thị trường bất động sản sẽ cân bằng cung cầu. Nhưng từ năm 2019 trở đi, cầu bất động sản sẽ nhiều hơn cung. Trong khi đó, số lượng dự án cũ không còn nhiều hoặc có dự án nhưng không được ngân hàng bảo lãnh trong khi số dự án mới cũng sẽ ít đi do đất đai đã bị thu hẹp và tiềm lực tài chính của nhà đầu tư cũng hạn hẹp. Do vậy, số lượng nguồn cung bất động sản từ năm 2019 trở đi sẽ giảm dần trong khi cầu tăng lên. Dự báo năm 2023, thị trường bất động sản sẽ tăng nóng. Tuy nhiên, tính toán gần đây cho thấy, thị trường có thể nóng sớm hơn, bắt đầu từ năm 2021.

Trong thông báo ngày 18/5, FitchRatings công bố:

Xếp hạng phát hành nội và ngoại tệ dài hạn (IDR) của Việt Nam ở mức BB- với triển vọng ổn định; giữ nguyên xếp hạng đối với trái phiếu không đảm bảo có độ ưu tiên cao bằng nội và ngoại tệ của Việt Nam ở mức BB-; trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì ở mức BB-, trong khi xếp hạng IDR ngoại tệ ngắn hạn không thay đổi ở mức B. Việc Fitch giữ nguyên xếp hạng và triển vọng tín nhiệm của Việt Nam phản ánh bức tranh kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng khả quan trong trung hạn cho dù nợ công cao, dự trữ ngoại hối thấp và các chỉ báo cơ cấu tương đối yếu.

Tại Hội thảo Banking Việt Nam 2016, ngày 19/5, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết:

Trong vòng 5 năm tới, hơn một nửa dân số Việt Nam sẽ sử dụng các dịch vụ như internet banking, mobile banking (tăng 20 - 30% mỗi năm) khiến các ngân hàng phải có giải pháp kiện toàn hệ thống công nghệ lõi, gia tăng giá trị dịch vụ, tính bảo mật và kiểm soát rủi ro. Hiện tại, tỷ lệ đầu tư vào công nghệ của các ngân hàng Việt Nam rất khiêm tốn, chỉ chiếm 5% trong danh mục đầu tư. Mặc dù chi phí để thay đổi hạ tầng công nghệ khá tốn kém, nhưng cần thiết và sẽ đem lại lợi ích lớn cho các ngân hàng (đầu tư vào công nghệ sẽ giúp lợi nhuận ròng tăng 15 - 17%). Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào các sân chơi quốc tế, thì việc áp dụng các chuẩn mực mới (Basel II, Basel III) sẽ tác động đến lãi suất ngân hàng.