Bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững trong khu vực APEC

PV.

Ngày 25/8, Đối thoại chính sách cấp cao về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đã diễn ra tại TP Cần Thơ. Đây là sự kiện quan trọng trong Tuần lễ an ninh lương thực APEC năm 2017 diễn ra từ 18/8 – 25/8.

Là một trong bốn ưu tiên của năm APEC 2017

Đánh giá cao ý nghĩa của cuộc Đối thoại chính sách cao cấp này, phát biểu khai mạc phiên đối thoại, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trịnh Đình Dũng cho hay: Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, biến đổi khí hậu và thiên tai tác động rất mạnh đến các nền kinh tế, gây thiệt hại lớn đối với sản xuất  nói chung, trong đó có sản xuất nông nghiệp, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng lương thực, phá hủy các nguồn tài nguyên. Bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với không chỉ Việt Nam mà còn cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới, có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm sự phát triển bao trùm, quan tâm đến phúc lợi của mọi người dân.

"Cuộc đối thoại này chính là sự triển khai một trong bốn ưu tiên của năm APEC 2017 về tăng cường an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”, nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đại diện các nền kinh tế thành viên APEC tham gia đối thoại quan tâm đến những nội dung trọng tâm sau:

Một là, đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững, thủy sản bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực và an ninh  dinh dưỡng...

Hai là, tăng cường nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nông nghiệp; Tăng cường hợp tác nghiên cứu về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm thiểu thất thoát, lãng phí lương thực, thực phẩm.

Ba là, đẩy mạnh phối hợp, chia sẻ thông tin trong quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước, bao gồm cả quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển nông thôn – đô thị, nỗ lực kết nối với vùng sâu, vùng xa, phát huy vai trò của cộng đồng và doanh nghiệp thông qua mối quan hệ đối tác công – tư trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, viễn thông, internet, nhất là ở những vùng kém phát triển. Gắn kết chương trình kết nối khu vực, trong đó có kết nối của ASEAN và các chương trình kết nối Tiểu vùng Mê Công.

Năm là, tích cực triển khai Khuôn khổ giảm nhẹ rủi ro thiên tai APEC, hợp tác xây dựng hệ thống phòng ngừa thiên tai, nâng cao tính bền vững và khả năng phục hồi sau thiên tai; Chú trọng quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, phát triển nông thôn bền vững và bảo đảm quyền lợi của cộng đồng dân cư ven biển…

“Đối thoại sẽ tiếp tục tìm ra những giải pháp hữu hiệu và mạnh mẽ hơn để  giải quyết vấn đề an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế và bảo đảm phát triển bao trùm trong khu vực APEC”, Phó Thủ  tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết.

Bảo đảm phát triển bao trùm trong khu vực APEC

Phát biểu tại phiên đối thoại, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà cũng khẳng định: Đối thoại Chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu là cơ hội để các lãnh đạo cấp cao phụ trách sản xuất lương thực và nông nghiệp của các nền kinh tế APEC tăng cường cam kết hợp tác sâu rộng và toàn diện, hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý thất thoát thực phẩm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Thông qua thảo luận, chia sẻ, các đại biểu xem xét và thông qua các tài liệu quan trọng như: Kế hoạch hành động để thực hiện khung nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí  hậu; Kế hoạch hành động để thực hiện kế hoạch nhiều năm của APEC về phát triển nông thôn – thành thị bền vững nhằm tăng cường an ninh lương thực và đảm bảo chất lượng tăng trưởng; và Tuyên bố Cần Thơ  về tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà thông tin.

Trong các phiên thảo luận, đoàn Việt Nam đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm trong bảo đảm an ninh lương thực; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng nông thôn mới trên cơ sở tăng trưởng bền vững; xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ…

Với chủ đề “An ninh lương thực trong bối cảnh môi  trường biến đổi”, phiên thứ nhất của Đối thoại chính sách diễn ra dưới sự chủ trì của ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng, Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Tại đây, các nền kinh tế thành viên APEC tập trung thảo luận và đề cập đến mối quan hệ giữa an ninh lương thực và biến đổi khí hậu; Huy động những nỗ lực cần thiết, phát huy năng lực cá nhân và tập thể nhằm thích nghi và giảm nhẹ thiệt hại của biến đổi khí hậu, kiên định với các cam kết quốc tế, đặc biệt là Thỏa thuận Paris năm 2015. Tuy nhiên, để quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững, yêu cầu các nền kinh tế APEC tăng cường chính sách và hợp tác kỹ thuật để nâng cao quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong khi cung cấp lương thực dài hạn; Đề xuất các hoạt động hợp tác nhằm cải thiện sản xuất lương thực và dinh dưỡng trong khu vực để ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại phiên đối thoại về "Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, sáng tạo", các đại biểu đã trao đổi về phương thức biên soạn, phát triển, thích ứng và tạo dựng giá trị; Tiếp cận, thực hiện và sáng tạo sẽ cho phép các nhà sản xuất (đặc biệt là sản xuất nhỏ) tăng cường sản xuất bền vững, giảm thiểu nhập khẩu, sử dụng và bảo vệ các hệ thống dịch vụ sinh thái và xây dựng khả năng phục hồi với những tác động của biến đổi khí hậu; Làm thế nào APEC có thể làm việc cùng nhau để nâng cao khả năng ứng dụng các công nghệ tiên tiến và công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm  an ninh lương thực trong khu vực…

Về vấn đề "Đối tác công tư trong đầu tư nông nghiệp bền vững", đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đề xuất: Để giải quyết tốt vấn đề an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thì vai trò của mối quan hệ giữa công và tư là gì? Làm thế nào để chính thức hóa mối quan hệ giữa các viện nghiên cứu công và các đối tác tư nhân khi đề cập đến phát triển nông nghiệp bền vững? Những hành động nào có thể được thực hiện nhằm xúc tiến việc mở rộng hợp tác APEC và năng lực xây dựng ý tưởng nhằm nâng cao hiệu quả của quan hệ đối tác công - tư và thu hút thêm đầu tư vào nông nghiệp vì mục tiêu an ninh lương thực và dinh dưỡng trong khu vực…

Bế mạc phiên đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu xem xét và thông qua các tài liệu quan trọng, bao gồm: Kế hoạch hành động để thực hiện khung nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí  hậu; Kế hoạch hành động để thực hiện kế hoạch nhiều năm của APEC về phát triển nông thôn - thành thị bền vững nhằm tăng cường an ninh lương thực và đảm bảo chất lượng tăng trưởng; Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.