Đối thoại Hải quan-doanh nghiệp trong khuôn khổ SOM3-APEC 2017
Trong khuôn khổ cuộc họp Quan chức cấp cao APEC lần thứ 3 năm 2017 (SOM3), Hải quan Việt Nam- với tư cách là chủ nhà của năm APEC 2017-đã chủ trì tổ chức Đối thoại Hải quan-doanh nghiệp APEC (APEC Customs-Business Dialogue) với chủ đề “Tìm kiếm sự cân bằng giữa tạo thuận lợi thương mại và an ninh thương mại: Mục tiêu chung vì một cơ chế thương mại an toàn hơn” (TP. Hồ Chí Minh, ngày 22/8/2017).
Đối thoại có sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Ngân hàng Thế giới (WB), Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc tế (ICC), Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC), Đơn vị Tư vấn chính sách APEC (PSU) cùng các hiệp hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thúc đẩy kết nối thuận lợi hóa thương mại
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế trở thành một xu thế ngày càng sâu rộng, giao lưu thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các quốc gia tăng lên nhanh chóng; những nguy cơ đe dọa an ninh thương mại, an toàn kinh tế xã hội cũng có xu hướng gia tăng và phức tạp, câu hỏi được đặt ra là làm sao để vừa tạo thuận lợi thương mại, du lịch, đầu tư quốc tế vừa đảm bảo an ninh, an toàn.
Là cơ quan có vai trò “gác cổng” biên giới của mỗi nền kinh tế, cơ quan Hải quan các nền kinh tế APEC không ngừng phối hợp với các cơ quan liên quan và cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu, tìm giải pháp cho câu hỏi trên.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.HCM, cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu từ APEC chiếm 83,91% và xuất khẩu chiếm 16,09%. Phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các thành viên APEC những năm qua cũng cho thấy hiệu quả tích cực, “trong đó thành công hàng đầu là việc ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc”.
Về quan điểm của tự do thương mại và trong khu vực cũng như hội nhập toàn cầu, vai trò của Hải quan được coi là người thúc đẩy thương mại, thi hành và hỗ trợ. Hải quan các nền kinh tế thành viên APEC sẽ phải nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp, thúc đẩy thương mại điện tử qua biên giới trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua nâng cao nhận thức và tuân thủ của công chúng nhằm đạt được kết nối chuỗi cung ứng và thúc đẩy thương mại một cách toàn diện.
Hải quan Việt Nam đóng góp nội dung về hoạt động quản lý rủi ro đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua bài trình bày của ông Bùi Thái Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro. Ông Quang cho biết, Hải quan Việt Nam tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ưu tiên (AEO), để đáp ứng nhu cầu cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường cạnh tranh quốc gia; nâng cao hiệu quả hợp tác Hải quan-doanh nghiệp và thúc đẩy sự tự giác tuân thủ trong cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Raymond Yee, đại diện của Hội nghị các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh Châu Á-Thái Bình Dương (CAPEC) cũng đưa ra kiến nghị về tạo thuận lợi cho thủ tục hải quan thuận tiện hơn bằng cách: Đơn giản hóa các thủ tục đăng ký nhà nhập khẩu và xuất khẩu; Áp dụng phương thức mức tối thiểu cho lô hàng có giá trị thấp; Quản lý rủi ro, tính minh bạch và sự chắc chắn; Hài hòa hoá trong việc giảm chi phí thương mại, thực hiện hài hòa các mục trong Công ước Kyoto sửa đổi và hướng dẫn của WCO; Tự động hóa để tăng cường quản lý tốt và hiệu quả. Đó là điều quan trọng với thương mại đang phát triển.
Bên cạnh đó, đối thoại đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ thông tin ứng dụng, quản lý rủi ro, kiểm soát Hải quan..., là các giải pháp để thực hiện thuận lợi hóa thương mại số và nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng APEC. Việc sử dụng công nghệ thông tin hiện đại, hải quan điện tử, đơn giản hóa thủ tục hải quan sẽ giúp đạt được mục tiêu bao trùm bao gồm: giảm chi phí buôn bán trong chuỗi cung ứng và nâng cao độ tin cậy của chuỗi cung ứng nhằm hỗ trợ khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Bà Lee Ju Song, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại quốc tế, văn phòng khu vực châu Á khẳng định, APEC có thể đẩy nhanh tiến độ hội nhập thông qua hệ thống sổ tự quản (ATA Carnet). Đây là một chứng từ hải quan quốc tế dùng cho việc tạm nhập và tạm xuất hàng hóa (không bao gồm các phương tiện vận tải) được quy định theo các điều khoản Công ước quốc tế về tạm quản hàng hóa như Công ước ATA hoặc Công ước Instabul.
Bà Lee Ju Song cũng đưa ra giải pháp để thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại lớn hơn thông qua mối quan hệ mật thiết giữa Hải quan và doanh nghiệp. Theo đó, Hải quan sẽ tạo thuận lợi thương mại thông qua hệ thống ATA Carnet, cùng với Liên đoàn Thương mại thế giới (WCF) một bộ phận chuyên môn của Phòng Thương mại quốc tế (ICC), cùng hợp tác với WCO để quản lý hệ thống ATA Carnet.
Như vậy, Việt Nam nên thành lập Uỷ ban thực hiện giữa Hải quan và phòng thương mại để tiến hành các bước mà Hải quan và khu vực tư nhân phải thực hiện để đưa hệ thống ATA Carnet vào hoạt động. Trước đó, ICC đã làm việc với Hải quan trong việc vận hành thành công Hệ thống này. Bà Le Ju Song nhấn mạnh, ICC sẽ vui lòng cung cấp chuyên môn kỹ thuật để giúp Hải quan và Phòng thương mại làm việc cùng nhau thực hiện Hệ thống.
Ông Marcus Bartley Johns, Chuyên gia thương mại cao cấp, Thương mại và cạnh tranh toàn cầu - Ngân hàng thế giới, nhấn mạnh sự hợp tác của Hải quan với doanh nghiệp giúp cho việc quản lý rủi ro trong thương mại điện tử tốt hơn. Theo đó, với thương mại điện tử, các dữ liệu giao dịch đều có sẵn và đều giúp cho sự giao dịch thương mại được nâng cao trong quá trình thương mại. Và đó là điều cần thiết để quản lý rủi ro hiệu quả. Nó cũng cho phép đánh giá trước các rủi ro tiềm ẩn cũng như xác định thời gian và địa điểm để kiểm soát hải quan và các biện pháp giảm thiểu rủi ro thông qua các loại hình can thiệp.
Trong khuôn khổ APEC, cần tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Hải quan giữa các thành viên APEC về thông tin và chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và các hoạt động nâng cao năng lực. Vai trò của các tổ chức quốc tế trong hỗ trợ kỹ thuật cũng được nhấn mạnh. Quan trọng hơn là thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và khu vực tư nhân, phát triển kênh hợp tác giữa Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý biên giới và thu hút sự tham gia của tất cả các bên liên quan đến thực tiễn đa bên để cung cấp các giải pháp hoạt động, tháo gỡ nút thắc trong kết nối chuỗi cung ứng và thúc đẩy thương mại thuận lợi của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ APEC SCCP 2017. Việc Hải quan Việt Nam chủ trì tổ chức Đối thoại thành công sẽ góp phần tích cực vào việc thể hiện vai trò và sự nỗ lực của SCCP Việt Nam trong thành công chung của năm APEC 2017.