Bảo đảm an ninh năng lượng ở châu Á và Việt Nam
(Tài chính) Sự phát triển kinh tế nhanh của một số quốc gia châu Á làm cho nhu cầu về năng lượng tăng cao (nhu cầu năng lượng của châu Á tăng khoảng 40%, so với mức tăng chưa đến 5% của Bắc Mỹ) cùng với việc sử dụng năng lượng chưa hiệu quả dẫn đến nguy cơ khan hiếm nguồn năng lượng. Đây là một trong những thách thức trong phát triển của các nước này.
Mức tiêu hao năng lượng ngày càng tăng
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (International Energy Agency - IEA), châu Á cần khoản đầu tư hơn 10.000 tỷ USD vào ngành năng lượng trong giai đoạn (2012 - 2022). Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới (sau Mỹ) xét về tiêu thụ năng lượng. Cơn khát năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc là hậu quả của sự bùng nổ kinh tế, sự mở rộng ngoại thương, gia tăng thu nhập, gia tăng dân số, mức tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người đang gia tăng. Theo IEA, lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng gấp 5 lần (từ 2 triệu thùng dầu mỗi ngày lên gần 11 triệu thùng dầu mỗi ngày) vào năm 2030, đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ buộc phải nhập khẩu 80% lượng dầu mỏ tiêu dùng trong nước.
Quá trình công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng ở Hàn Quốc đã làm tăng mức tiêu thụ năng lượng cho các ngành công nghiệp. Theo số liệu thống kê, ngành công nghiệp Hàn Quốc tiêu thụ khoảng 56% tổng mức tiêu thụ năng lượng, giao thông 20%, truyền thông và quảng cáo 15%, và hộ gia đình 9%.
Ở Việt Nam, tăng trưởng kinh tế liên tục với tốc độ cao giúp cải thiện mức sống của người dân và làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng. Dự báo, tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Việt Nam là 8,1-8,7% giai đoạn (2001 - 2020). Trong đó, nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp tăng nhanh: từ 4,36 triệu tấn quy dầu TOE (3) (năm 2000) lên đến 16,29 triệu tấn TOE (năm 2010); 23,74 triệu tấn TOE (năm 2015) và 33,12 triệu tấn TOE (năm 2020). Mức độ sử dụng năng lượng của Việt Nam cao gấp 2 lần so với các nước trong khu vực. Để tạo ra 1.000 USD GDP, Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 600 kg dầu quy đổi, cao gấp 1,5 lần so với Thái Lan và gấp 2 lần mức bình quân của thế giới. Trong giai đoạn (2010 - 2020) nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.
Năm 2005, Cơ quan năng lượng quốc tế đã công bố 2 kịch bản mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu trong giai đoạn 2010 - 2030: Kịch bản thứ nhất được gọi là kịch bản rất xấu, theo đó, tình trạng tiêu thụ năng lượng sẽ tiếp nối các xu hướng tiêu thụ hiện tại. Dự báo, tổng mức tiêu thụ năng lượng sẽ tăng lên 16 tỷ tấn quy dầu TOE (năm 2030), trong đó năng lượng hóa thạch vẫn chiếm tỷ trọng lớn; Kịch bản thứ hai là kịch bản khá tốt, với tình trạng tiêu thụ năng lượng duy trì ở mức của các nước OECD những năm 1980, mức tiêu thụ năng lượng sẽ vào khoảng 6 tỷ tấn quy dầu TOE (năm 2030). Mức năng lượng tiết kiệm được gần như tương đương với tỷ trọng dầu lửa trong tiêu thụ hiện nay. Điều này cho thấy tiềm năng tiết kiệm thông qua sử dụng năng lượng hiệu quả là rất lớn.
Dự báo khoảng 41,4 năm nữa thế giới sẽ cạn kiệt nguồn dầu mỏ, 60,3 năm nữa sẽ cạn kiệt nguồn khí tự nhiên và 117 năm nữa sẽ cạn kiệt nguồn than đá (4). Năm 2015, thế giới sẽ có khoảng 550 thành phố có quy mô hơn 1 triệu người. Năm 2030, sẽ có thêm khoảng 2 tỷ người (chiếm 60% dân số thế giới) sinh sống tại các thành phố lớn. Cùng với việc tăng dân số, các thành phố lớn sẽ tiêu tốn 75% nguồn năng lượng, đồng thời sản sinh 70% lượng phát thải nhà kính, chủ yếu là khí CO2 (5). Một trong những yêu cầu cơ bản cho một thành phố phát triển bền vững là có nguồn cung cấp năng lượng hiệu quả, phát thải thấp. Thế giới sẽ phải cần 10,5 nghìn tỷ euro đầu tư cho ngành năng lượng. Nhiều quốc gia trên thế giới đang hành động để tăng cường an ninh năng lượng.
Bảo đảm an ninh năng lượng cho tăng trưởng
Để bảo đảm an ninh năng lượng cho tăng trưởng cần có hệ thống giải pháp, trong đó việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế, đảm bảo đa dạng hoá nguồn cung năng lượng tối đa, thực hiện huy động nguồn năng lượng mới như năng lượng hạt nhân là rất quan trọng và được coi là giải pháp hàng đầu.
Huy động nguồn năng lượng mới (năng lượng hạt nhân) được coi là một trong những giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quan trọng, giúp nguồn cung điện bớt phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống.
Năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng duy nhất có thể thay thế với quy mô, đồng thời giảm được việc thải thể khí và vật chất vào môi trường. Theo Eastasiaforum, năng lượng hạt nhân tiếp tục được xem là nguồn năng lượng quan trọng của châu Á.
Nhiều nước châu Á rất có lợi thế về năng lượng mặt trời, song việc phát điện mặt trời trên quy mô lớn gặp khó khăn do thiếu cơ chế đầu tư hợp lý, thiếu quyết đoán về chính sách, thể chế và yếu kém về mặt kiến thức chuyên môn. Hiện chỉ có xấp xỉ 0,25% trên tổng số các nhà máy điện tại châu Á phát điện mặt trời. Mục tiêu của Ngân hàng phát triển châu  (ADB) là tăng tỷ lệ điện mặt trời lên 35% - 50%, giúp giải quyết vấn đề về điện năng cho khoảng 900 triệu người châu Á và điện năng sạch giá rẻ cho nhiều hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa. Từ sau năm 2013, ADB đã tăng nguồn đầu tư cho sáng kiến năng lượng mặt trời lên tới 2 tỷ USD/năm.
Đối với Việt Nam, một trong những mục tiêu quan trọng trong thời gian tới là phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. Việc đề cập khai thác điện hạt nhân trong Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình nói chung là một chiến lược định hướng có vai trò quan trọng của Việt Nam và sẽ góp phần giải quyết nhu cầu, điều hòa, cân bằng nguồn năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.
Theo kế hoạch, năm 2020 Việt Nam sẽ bắt đầu sử dụng năng lượng hạt nhân. Theo đó, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ được xây dựng và đi vào hoạt động bắt đầu từ năm 2020 với quy mô công suất từ 2.000 MW - 4.000 MW, và sẽ chiếm từ 5-9% tổng công suất phát điện toàn quốc. Dự kiến, đến năm 2050, sản lượng điện hạt nhân sẽ chiếm từ 15 đến 20% sản lượng điện toàn quốc. Tuy nhiên, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử không chỉ nhằm giải quyết nhu cầu thiếu năng lượng trong tương lai mà quan trọng hơn cả là ứng dụng bức xạ trong phát triển kinh tế xã hội, điều trị bệnh...
Đối với Việt Nam, trong những năm qua, khoa học và kỹ thuật hạt nhân đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, đóng góp của năng lượng nguyên tử đối với kinh tế-xã hội nước ta còn nhỏ bé.
Để đạt mục tiêu xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2020, các vấn đề quan trọng liên quan (như công nghệ, nhiên liệu, chất thải, địa điểm, nhân lực, tài chính, đầu tư...) đã được tổ chức nghiên cứu một cách có hệ thống trong nhiều năm. Điện hạt nhân là một giải pháp kinh tế, an toàn và là nguồn năng lượng sạch, mở ra triển vọng cung cấp điện năng bền vững cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh các nguồn tài nguyên năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, thực trạng yếu kém và thiếu thốn về hạ tầng kỹ thuật, tài chính, nguồn nhân lực và đặc biệt là cơ sở pháp lý chưa đầy đủ đã khiến cho việc nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử ở nước ta chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.