Bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân
Hội nhập quốc tế về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ quan trọng của BHXH Việt Nam. Hoạt động này vừa thực hiện chủ trương phát triển, vừa mở rộng các điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và thực hiện chính sách BHXH, BHYT phù hợp, vừa bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân.
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, trong năm 2017, các hoạt động hội nhập quốc tế tiếp tục triển khai linh hoạt, sáng tạo theo những nhóm nhiệm vụ đã định hình từ năm 2016 và những năm trước.
Đó là thu hút, vận động tài trợ quốc tế cho sự phát triển ngành; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đối ngoại; tăng cường đào tạo quốc tế về ngoại ngữ, kỹ năng làm việc, văn hóa ứng xử và đạo đức công vụ theo chuẩn mực quốc tế cho cán bộ ngành BHXH; tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ, các hội thảo chuyên đề giúp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế trong nhiều lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ của ngành. Trong hoạt động vận động các nguồn tài trợ quốc tế, đóng góp cho sự phát triển ngành, BHXH Việt Nam cũng đang tiến hành một số dự án hội nhập quốc tế với nhiều đối tác.
Đặc biệt, trong thực hiện các hoạt động hợp tác, hội nhập chuyên ngành với các đối tác nước ngoài theo cơ chế đa phương, BHXH Việt Nam đã phát huy vai trò là một thành viên tích cực, sáng tạo và đóng góp có trách nhiệm tại các hiệp hội an sinh xã hội khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT của Việt Nam, quảng bá hình ảnh BHXH Việt Nam ra nước ngoài và nâng cao vị thế quốc tế của ngành.
Đặc biệt, trong tháng 8/2017, BHXH Việt Nam đã đưa vào vận hành thử nghiệm Cổng thông tin điện tử phiên bản tiếng Anh cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài... Có thể thấy, công tác hội nhập và hội nhập quốc tế luôn được ngành BHXH coi trọng và tích cực thực hiện, bám sát vào những trọng tâm trong chiến lược phát triển và chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, để đạt được các mục tiêu chiến lược phát triển ngành đến năm 2020 và yêu cầu của tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực đang đặt ra một số khó khăn, thách thức đối với ngành BHXH.
Theo các chuyên gia, trước hết là khó khăn trong việc phát triển đối tượng; tiếp theo là các nguồn lực để triển khai và đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính và hiện đại hóa ngành; các biện pháp, công cụ kiểm tra, kiểm soát tuân thủ việc thực hiện chính sách. Chưa kể, số lượng và chất lượng cán bộ trực tiếp làm công tác đối ngoại của ngành BHXH cũng chưa đáp ứng được các đòi hỏi hợp tác và hội nhập quốc tế sâu của BHXH Việt Nam.
Năng lực quản lý điều hành, điều phối các dự án, chương trình hợp tác còn hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận các dự án, chương trình hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo quốc tế và hạn chế cơ hội vận động tài trợ quốc tế cho việc nâng cao năng lực và hiện đại hóa ngành. Công tác thông tin đối ngoại đã có chuyển biến nhưng còn chưa hoàn toàn thống nhất, đồng bộ trong toàn cơ quan, toàn ngành
Để đẩy mạnh việc hội nhập quốc tế, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, trọng tâm năm 2018 là triển khai các hoạt động hợp tác song phương và đa phương với các tổ chức an sinh xã hội trong khu vực và trên thế giới; thực hiện công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại theo Kế hoạch trung hạn 2018 - 2020.
Đồng thời xây dựng, thực hiện Kế hoạch đào tạo các kỹ năng hội nhập quốc tế cho cán bộ của ngành và hội thảo nghiệp vụ; xây dựng và thực hiện kế hoạch các đoàn BHXH Việt Nam đi công tác nước ngoài, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế, nghiên cứu khảo sát, học tập kinh nghiệm trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đã đề ra các giải pháp thực hiện để đạt được các mục tiêu đề ra như đẩy mạnh thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế của BHXH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động tham gia và có những đóng góp tích cực trong các hoạt động hợp tác đa phương.
Tiếp tục tăng cường và phát triển các mối quan hệ, hợp tác song phương với các tổ chức an sinh xã hội thuộc các quốc gia thành viên ASEAN và các quốc gia có hệ thống an sinh xã hội phát triển trên thế giới; rà soát và thực hiện có hiệu quả các Biên bản ghi nhớ đã ký với các tổ chức quốc tế.