Ngành Bảo hiểm xã hội đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm năm 2018
Năm 2017, toàn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt công tác thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT)... Đây là cơ sở quan trọng để ngành BHXH hướng tới các mục tiêu phát triển mới trong năm 2018 với 11 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; thực hiện sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị (giai đoạn 2013- 2017) và phương hướng nhiệm vụ đến năm 2020.
Thứ hai, tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, đặc biệt là tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc phát triển đối tượng và thu nợ BHXH, BHYT, BHTN tại các địa phương.
Thứ tư, tăng cường công tác giám định trên Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử; chủ động và phối hợp với ngành Y tế kiểm soát các chi phí bất hợp lý tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT theo cảnh bảo từ hệ thống giám định điện tử.
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đồng thời, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố triển khai kịp thời các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Thứ sáu, đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp; tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia BHYT theo hộ gia đình và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí… giúp doanh nghiệp và người dân, hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT.
Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện, cập nhật bổ sung dữ liệu hộ gia đình, bổ sung kịp thời dữ liệu phát sinh mới, dữ liệu tập trung của ngành BHXH; hoàn thành việc trả sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH; nghiên cứu, thí điểm việc thay thể sổ BHXH, thẻ BHYT bằng thẻ điện tử.
Thứ tám, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ; hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ; hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành BHXH; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Thứ chín, tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ; phương thức thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; chi trả các chế độ BHXH, BHTN qua tổ chức dịch vụ công ích của Nhà nước nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và thuận lợi cho người dân; giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia.
Thứ mười, tiếp tục rà soát các quy trình nghiệp vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Mười một, nâng cao năng lực, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, thái độ, ý thức phục vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc với tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và nhân dân; đoàn kết xây dựng ngành BHXH vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao.