Bảo đảm điều hành thu, chi và giữ vững cân đối ngân sách năm 2016

N. Ánh

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được đưa ra tại Chỉ thị số số 22/CT-TTg ngày 3/6/2016 về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2016.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2016.

Theo đó, nhằm chủ động ứng phó với việc giảm thu và nhu cầu chi NSNN phát sinh, nhất là do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, đảm bảo điều hành nhiệm vụ thu, chi và giữ vững cân đối NSNN năm 2016 theo dự toán đã được Quốc hội phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (các bộ, cơ quan), Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/01/2016, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tập trung chỉ đao thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về tài chính - NSNN.

Đảm bảo nguồn thu ngân sách

Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng các cấp tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, góp phần phát triển nguồn thu NSNN ổn định, vững chắc. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan. Phấn đấu đạt mức ASEAN-4 về cải cách hành chính đối với 3 nhóm chỉ tiêu mới là: Kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại, hỗ trợ và tư vấn pháp luật về thuế cho doanh nghiệp và người dân; thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (điện, khí, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu, sữa, dịch vụ công...) phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2016. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình kinh tế và giá dầu thô; phân tích đánh giá tác động và xây dựng các phương án, giải pháp đảm bảo cân đối NSNN; không điều chỉnh chính sách làm giảm thu NSNN. Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đến thu NSNN để có giải pháp chủ động trong điều hành. Đồng thời chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31/12/2016 không quá 5% so với số thực thu NSNN năm 2016; đôn đốc thu kịp thời các khoản phải thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, thanh tra chuyên đề về chuyển giá, hoạt động giao dịch liên kết, thương mại điện tử và các lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh dược phẩm; kiểm tra chặt chẽ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của những hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng được hưởng thuế suất ưu đãi theo các FTAs; tăng cường kiểm tra sau thông quan; giám sát đối với hàng tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, hàng hoá ra, vào các khu chế xuất, kho ngoại quan.

Bên cạnh đó, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và huy động nguồn lực từ tài sản công cho mục tiêu phát triển; đề xuất các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, đấu giá công khai tài sản nhà nước; quản lý thu đầy đủ, kịp thời vào NSNN cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước do bộ, cơ quan, địa phương đại diện chủ sở hữu; quản lý chặt chẽ việc hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế của Nhà nước.

Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan tài chính và cơ quan Kho bạc Nhà nước các cấp tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chi; kiên quyết từ chối không thanh toán, thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với kinh phí thường xuyên đã giao trong dự toán đầu năm của các bộ, cơ quan và địa phương nhưng đến ngày 30/6/2016 chưa phân bổ, hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu, trừ các khoản được phép thực hiện theo quy định của pháp luật và trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện.

Đồng thời, cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương. Đối với các địa phương nghèo, ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện cơ chế tạo nguồn tiền lương theo quy định mà vẫn thiếu nguồn, ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện tiền lương tăng thêm năm 2016; quản lý chặt chẽ việc ứng trước và chuyển nguồn chi thường xuyên. Chỉ cho phép chuyển nguồn chi thường xuyên đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thật sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ thị cũng nêu rõ, thực hiện điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định. Tổ chức điều hành chi NSNN theo nguyên tắc điều hành ngân sách chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện công khai minh bạch hơn tình hình sử dụng ngân sách ở các cấp ngân sách, các đơn vị thụ hưởng ngân sách; triển khai cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và toàn xã hội. Quản lý chặt chẽ, trước mắt điều hành sử dụng trong phạm vi 50% nguồn dự phòng ngân sách trung ương đã bố trí trong dự toán để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh như: phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh...; tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng ngân sách trung ương để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách trung ương giảm lớn.

Theo đó, các địa phương chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh... và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định. Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm so với dự toán, các địa phương trước mắt tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng ngân sách để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách địa phương giảm lớn.

Chỉ thị cũng hướng dẫn, trong quá trình thực hiện, nếu xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải chủ động giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện một số khoản chi chưa thực sự cấp thiết trong dự toán được giao như: mua sắm ô tô công, tài sản có giá trị lớn chưa thực sự cần thiết...; đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, đặc biệt là chế độ, chính sách cho con người; trường hợp khó khăn phải kịp thời báo cáo cấp trên để xem xét xử lý. Ngân sách trung ương chỉ xem xét hỗ trợ hoặc tạm ứng kinh phí cho địa phương trongtrường hợpthực sự cấp bách, vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương và địa phương đã sử dụng hết 50% dự phòng ngân sách của mình cho bù giảm thu…