Bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân cả năm ở mức 4,5%
Dự báo năm 2023 tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm ở mức 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Năm 2023, dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức trong quản lý, điều hành giá trong bối cảnh lạm phát ở một số nước mặc dù có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng dự báo vẫn còn rủi ro; các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá...
Trong bối cảnh đó, công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm ở mức khoảng 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Cụ thể, quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt đảm bảo kiểm soát lạm phát, trong đó chú trọng tập trung vào những biện pháp sau:
Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp.
Thứ hai, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đối với chính sách tài khóa, đánh giá kĩ các công cụ về thuế để tham mưu đề xuất việc tiếp tục hoặc dừng thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ ba, đối với các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến CPI bảo đảm ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ tư, đối với các mặt hàng cụ thể: Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải,…, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.
Thứ năm, sử dụng linh hoạt, hiệu quả, đồng bộ các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.