Bảo đảm nguồn lương thưởng, chăm lo Tết cho người lao động


Sau một năm làm việc vất vả, thưởng Tết luôn là khoản tiền người lao động nào cũng mong chờ và cũng là động lực để họ quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Chính vì vậy, dù hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm, nhưng các doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì đủ mức lương thưởng Tết cho người lao động, đồng thời triển khai nhiều chương trình ý nghĩa hỗ trợ người lao động có một cái Tết yên ấm.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội chúc Tết, trao quà tặng công nhân Công ty TNHH may mặc T-Concepts. Ảnh: Ngọc Ánh
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội chúc Tết, trao quà tặng công nhân Công ty TNHH may mặc T-Concepts. Ảnh: Ngọc Ánh

Dù pháp luật chưa có quy định cụ thể nào về tiền thưởng Tết, nhưng thưởng Tết cũng đã trở thành tập quán, một nét văn hóa trong đời sống của người lao động và doanh nghiệp Việt Nam. Lẽ thường, doanh nghiệp nào có chế độ thưởng và phúc lợi tốt luôn thu hút người lao động hơn so với các doanh nghiệp khác.

Giúp người lao động đón Tết đủ đầy

Với số lượng công nhân, người lao động làm việc trong ngành than rất lớn, việc thực hiện chế độ lương, thưởng, chăm lo dịp Tết đầy đủ cho công nhân không chỉ bảo đảm an sinh xã hội mà còn nhằm giữ chân người lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau Tết.

Công ty Than Thống Nhất, thuộc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động. Với chủ đề "Tết thợ mỏ-Xuân gắn kết", công ty tiếp tục tăng các chế độ phúc lợi, lương, thưởng, góp phần giúp người lao động đón Tết đủ đầy.

Theo Giám đốc Nguyễn Mạnh Toán, Tết Nguyên đán 2023, công ty chi thưởng Tết với mức cao nhất đối với công nhân khai thác, đào lò là 18 triệu đồng; mức cao nhất đối với công nhân, cán bộ còn lại là 16,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, Công đoàn Công ty cũng tặng quà Tết cho toàn thể người lao động 300 nghìn đồng/người; mừng tuổi đầu năm 100 nghìn đồng/người. Với đặc thù nhiều công nhân lao động ở xa, công ty tổ chức thuê xe đưa về quê ăn Tết và đón ra sau Tết theo nguyện vọng đăng ký, hoặc hỗ trợ 500 nghìn đồng/người nếu chủ động đặt xe.

Năm 2022, Công ty Than Mạo Khê là đơn vị đại diện duy nhất khối sản xuất than hầm lò của TKV được vinh danh là "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động". Ðây là kết quả của cả một quá trình dài hơi của công ty trong việc chăm lo thiết thực đời sống người lao động, thực hiện chế độ lương, thưởng Tết kịp thời cho người lao động.

Năm 2022, tiền lương bình quân của người lao động công ty đạt hơn 18 triệu đồng/người/tháng. Giám đốc Công ty Than Mạo Khê Nguyễn Văn Tuân chia sẻ, ngay từ trước Tết Dương lịch, công ty đã thông báo bổ sung tiền lương tháng 12 làm quà Tết cho công nhân.

Tiền thưởng Tết Nguyên đán 2023 của Mạo Khê cao hơn năm trước với mức cao nhất là 7,2 triệu đồng/người và thấp nhất là 3 triệu đồng/người. Công ty cũng tặng thêm cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên mỗi người 2 triệu đồng và tổ chức các chuyến xe miễn phí đưa công nhân về quê ăn Tết. Người lao động làm việc ngày khai xuân được mừng tuổi 1 triệu đồng và rằm tháng Giêng tiếp tục thưởng mỗi lao động 1 triệu đồng.

Với ngành Dệt may, theo Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm, 100% doanh nghiệp trong hệ thống của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đều bảo đảm tháng lương thứ 13 cho người lao động. Một số đơn vị lớn như: Hòa Thọ, Dệt may Huế, Hanosimex, Phong Phú,… chi thêm ít nhất từ 0,5 đến 2 tháng lương cho người lao động ngoài tháng lương thứ 13. Ðây là nỗ lực rất lớn từ phía các doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Bên cạnh đó, từ ngày 10/12/2022 đến 10/1/2023, Vinatex và Công đoàn Dệt may Việt Nam đã tổ chức sáu hội chợ tại ba miền bắc, trung, nam trong chương trình "Tết sum vầy, Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình xuân Quý Mão 2023" để bán các nhu yếu phẩm Tết cho người lao động của các doanh nghiệp trực thuộc với giá ưu đãi, bao gồm các gian hàng đồng giá, gian hàng 0 đồng và các gian hàng giảm giá lên tới 40%.

Ðồng thời, hệ thống Công đoàn Dệt may Việt Nam dự kiến sẽ trao 5.000-7.000 phần quà Tết cho người lao động khó khăn, gia đình chính sách,… Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương thông tin, những tháng cuối năm 2022, ngành Dệt may phải đối diện với rất nhiều khó khăn khi thị trường đảo chiều, lượng hàng và giá đơn hàng sụt giảm.

Tuy nhiên, với việc chủ động triển khai các giải pháp linh hoạt, thích ứng nhanh với thị trường đã giúp đơn vị vượt khó, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Qua đó bảo đảm thưởng Tết Nguyên đán 2023 bình quân 2 tháng lương cho 16 nghìn người lao động trong toàn hệ thống, tương đương 15-25 triệu đồng/người.

Lo cả công việc sau Tết

Báo cáo tổng hợp từ dữ liệu của hơn 54 nghìn doanh nghiệp và khoảng 4,38 triệu lao động (chiếm 16,2% tổng lao động) trên cả nước của Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho thấy, do Tết Dương lịch và Âm lịch 2023 khá gần nhau nên các doanh nghiệp chủ yếu dồn lực vào thưởng Tết Nguyên đán. Theo đó, mức thưởng Tết Dương lịch 2023 bình quân chỉ bằng 91% so thường kỳ, nhưng mức chi thưởng Tết Âm lịch năm nay lại tăng hơn 11%.

Ngoài tiền lương, thưởng Tết, tùy theo điều kiện, các doanh nghiệp còn có nhiều hình thức khác hỗ trợ, chăm lo cho người lao động nhân dịp Tết như tặng giỏ quà, tặng tiền vé tàu xe hoặc bố trí xe đưa người lao động về quê đón Tết. Hầu hết doanh nghiệp cũng bố trí hợp lý thời gian nghỉ Tết để người lao động sắp xếp lịch trình thích hợp, nhất là đối với lao động làm việc xa quê.

Kế hoạch bảo đảm việc làm cho người lao động sau kỳ nghỉ Tết cũng được các doanh nghiệp tính toán kỹ lưỡng. Theo Giám đốc Công ty Than Thống Nhất Nguyễn Mạnh Toán, việc triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh được giao của công ty trong năm 2023 này dự báo tiếp tục gặp khó khăn do giá cả đầu vào vẫn có xu hướng tăng cao, thị trường tiêu thụ than thế giới khó lường, điều kiện khai thác ngày càng khắc nghiệt, thiếu nhiều công nhân kỹ thuật, đặc biệt là lao động thợ lò và thợ cơ điện lò,...

Trước thách thức đó, ban lãnh đạo Than Thống Nhất kiên định chủ trương đổi mới công nghệ, phương thức quản lý; áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa để nâng cao năng suất lao động; cải thiện điều kiện lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là công nhân hầm lò. Công ty phấn đấu sản xuất 2 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 1,995 triệu tấn, đào 9.500m lò, doanh thu hơn 2.300 tỷ đồng (riêng doanh thu than 2.293 tỷ đồng), lợi nhuận phấn đấu đạt hơn 35 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, trước thực tế nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành phải cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng thì các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex chưa phải thực hiện việc giảm lao động trực tiếp bằng việc hoãn hay cắt giảm hợp đồng lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, người lao động sẽ không có tăng ca, làm thêm giờ, đồng thời bị giảm khoảng 20% giờ làm so với bình quân những tháng cao điểm của những năm trước. Vinatex sẽ vẫn lo đủ đơn hàng sản xuất để người lao động có việc làm từ 40-48 giờ/tuần.

Từ câu chuyện lương, thưởng Tết năm nay có thể thấy sự nỗ lực vượt khó của nhiều doanh nghiệp, cố gắng tiết giảm các chi phí để có nguồn lương, thưởng chăm lo Tết cho người lao động. Ðặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp đang phải thu hẹp quy mô sản xuất, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động, cộng thêm yếu tố thị trường lao động cũng chưa thực sự phát triển ổn định, bền vững trước những biến động cả bên trong và bên ngoài, việc duy trì chế độ lương, thưởng Tết là cách để người lao động càng thêm gắn bó, sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp vượt qua các khó khăn trước mắt, chung tay phát triển sản xuất, kinh doanh trong những năm tiếp theo.

Theo Minh Trang, Hoàng Việt/nhandan.vn