Điều chỉnh dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025:
Bảo đảm phân bổ vốn tập trung, không dàn trải
Sáng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 từ số vốn chưa phân bổ và điều chỉnh dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 2). Ghi nhận các dự án được đề xuất bổ sung đều đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định, song, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm phân bổ vốn đầu tư công tập trung, không dàn trải.
Không để mãi tình trạng phân bổ, giải ngân chậm
Để bảo đảm đúng mục tiêu, định hướng của kế hoạch đầu tư trung hạn, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện định kỳ rà soát tổng thể Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, điều hành chặt chẽ thông qua Kế hoạch đầu tư công hằng năm và có sự điều chỉnh cần thiết trong khuôn khổ nguồn vốn được giao. Qua quá trình này, Chính phủ đã xây dựng báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch về việc phân bổ số vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách Trung ương còn lại đã được Quốc hội giao.
Cụ thể, lần này, Chính phủ đã rà soát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về danh mục 340 dự án của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công để được sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương của kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện chưa được phân bổ. Chính phủ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước với việc điều chỉnh tăng/giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 giữa các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương bảo đảm tổng số dự án triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
Việc Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn sử dụng vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lần này thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, khi thực hiện thủ tục này trong quy trình phân giao vốn đầu tư công trung hạn, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ về tình trạng chậm phân bổ vốn đầu tư công. Số vốn đầu tư công trung hạn hiện chưa được phân bổ, như lưu ý của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, mới chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Giải ngân đầu tư công chậm không phải là vấn đề mới. Nguyên nhân của câu chuyện này nằm ở đâu? Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, về nguyên tắc muốn giải ngân được thì phải phân bổ vốn và muốn phân bổ vốn được thì phải hoàn tất chuẩn bị đầu tư. Giải ngân không được hoặc chậm là do công tác chuẩn bị đầu tư tiến hành chậm. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ phải nói rõ thêm về vấn đề này, không để lặp đi lặp lại mãi tình trạng phân bổ chậm, giải ngân chậm. Thậm chí, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có lẽ phải có báo cáo đánh giá công tác chuẩn bị đầu tư cho đến nay, vì chưa phân bổ lấy đâu ra giải ngân, chưa chuẩn bị thì lấy đâu mà phân bổ.
Qua kiểm toán về vốn đầu tư công cũng như việc phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn trước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Chính phủ còn có một số đợt phân bổ chậm. Do vậy, Kiểm toán Nhà nước đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn để chỉ đạo bộ, ngành và các địa phương trong quy trình thực hiện phân bổ phải thật cụ thể và khẩn trương. Đặc biệt, Chính phủ phải quy định cho các bộ, ngành, địa phương thời hạn hoàn thiện hồ sơ thì mới giúp cải thiện câu chuyện này. “Nếu chúng ta chỉ đạo chỉ ở mức nhắc nhở, đôn đốc thì rất khó khắc phục câu chuyện giải ngân chậm”, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhận định.
Ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng Báo cáo về việc bổ sung, điều chỉnh dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn sử dụng vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung các dự án đã thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định; điều chuyển giữa các dự án để tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, nguyên tắc tối thượng được nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh là chỉ thực hiện phân bổ cho danh mục dự án, mức vốn phân bổ cụ thể đã tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, cũng như các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công trung hạn. Đồng thời, việc bố trí vốn phải bảo đảm tập trung, không dàn trải; việc thay thế dự án không được làm thay đổi tổng mức vốn theo ngành, lĩnh vực đã được Quốc hội quyết định.
Yêu cầu này được nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh bởi trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ rõ, nhiều dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, nhưng bố trí thiếu vốn, trong đó, có một số dự án có tổng mức không lớn, dự kiến hoàn thành năm 2024, song bố trí vốn dưới 50% tổng mức đầu tư dẫn đến việc hoàn thành theo dự kiến là không khả thi.
Ngoài ra, một số dự án khởi công mới có mức vốn ngân sách Trung ương bố trí trong giai đoạn 2021-2025 quá thấp, chưa bảo đảm bố trí vốn tập trung để hoàn thành theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công. Với những dự án có mức phân bổ vốn quá thấp này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc bố trí vốn không có ý nghĩa, mà còn càng làm trầm trọng thêm tình trạng phân tán, dàn trải, manh mún.
Bên cạnh yêu cầu bảo đảm phân bổ vốn tập trung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng gợi mở, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã xác định nguyên tắc điều hòa linh hoạt giữa gói chính sách này với vốn đầu tư công trung hạn. Hai mục tiêu khác nhau nhưng có thể coi như tổng hạn mức mà Chính phủ có thể dùng hiện nay. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nguyên tắc điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn và gói liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, nhất là đầu tư công nên chăng phải áp dụng ngay trong lần này.
Nói cách khác, dù thông qua việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 từ số vốn chưa phân bổ và điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh nhiều yêu cầu với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, như đề nghị của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cần rút kinh nghiệm, chú trọng công tác xây dựng kế hoạch để bảo đảm kế hoạch chắc chắn, sát với yêu cầu thực tế bố trí vốn, vì có như vậy mới bảo đảm tiến độ giải ngân. Điều hòa nguồn vốn tập trung đầu tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn đầu tư công của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để có thể ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn, góp phần phát huy hiệu quả của gói chính sách này (như xây dựng đường, cầu, các công trình phúc lợi công cộng cho xã hội).