Báo động giảm phát tại khu vực Eurozone

Theo kinhtevadubao.com.vn/nytimes.com

(Tài chính) Giá tiêu dùng của 19 quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm mạnh trong tháng thứ hai liên tiếp so với một năm trước đó, theo số liệu công bố mới đây.

Giá tiêu dùng của 19 quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm mạnh. Nguồn: internet
Giá tiêu dùng của 19 quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm mạnh. Nguồn: internet

Bên cạnh đó, các dữ liệu cũng làm tăng thêm lo ngại rằng khu vực này có thể rơi vào giai đoạn thị trường mất giá trầm trọng, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao và kinh tế trì trệ hơn.

Giảm phát cũng có nghĩa là suy giảm doanh thu kinh doanh, tiền lương bị rút đi và thất nghiệp tăng lên - đây là một dấu hiệu của thảm họa kinh tế. Một số cường quốc khác cũng không tránh khỏi tình trạng này, Hoa Kỳ đã phải chịu giảm phát trong thời kỳ Đại suy thoái, Đức đã giảm phát ngay trước khi Hitler nắm quyền, còn Nhật Bản thì vẫn đang phải cố gắng để thoát khỏi vòng giảm phát luẩn quẩn bắt đầu từ những năm 1990.

Các nhà kinh tế có những ý kiến khác nhau về vấn đề này, một số cho rằng trong thực tế 19 quốc gia Eurozone đã ở trong tình trạng giảm phát trong nhiều tháng. Những người khác thì nói rằng giảm giá đem đến lợi ích cho người tiêu dùng vì vậy không có lý do gì để hoảng loạn.

Đứng trước nguy cơ giảm phát trầm trọng, Ngân hàng Trung ương châu Âu mới đây đã quyết định bắt đầu chương trình mua trái phiếu với hy vọng kích thích nền kinh tế khu vực đồng Euro và hạn chế tối đa lạm phát ở dưới mức 2%.

Ngân hàng Trung ương châu Âu đã công bố vào ngày 22/01 sẽ chi 1,1 nghìn tỷ Euro hoặc 1,24 nghìn tỷ USD, thông qua việc mua trái phiếu chính phủ và các tài sản khác của khu vực đồng Euro vào tháng 9/2016.

Một số nhà kinh tế khác cho rằng sự suy giảm giá cả hiện nay trong khu vực châu Âu gây ra chủ yếu bởi việc giá dầu giảm mạnh, vì vậy điều này thậm chí rất có lợi. Jörg Kramer, nhà kinh tế trưởng của Commerzbank tại Frankfurt cho rằng: lương và giá cả trong nước giảm tại các quốc gia như Hy Lạp và Tây Ban Nha đã giúp họ khôi phục khả năng cạnh tranh quốc tế. Và giá giảm đã giúp tăng hiệu quả thu nhập khả dụng của người tiêu dùng khu vực đồng Euro lên 1%. "Đây là tình trạng giảm phát tích cực", ông nói.

Hôm 30/01, Cục Thống kê Liên minh châu Âu - Eurostat, cho biết giá tiêu dùng giảm 0,6% trong tháng Giêng sau khi giảm 0,2% trong tháng mười hai. Sự sụt giảm gần 9% của giá dầu và các chi phí năng lượng khác là lý do chính của sự suy giảm này.

Theo báo động của một số nhà kinh tế, mặc dù mức độ lạm phát của khu vực đồng Euro đang ở mức rất thấp, nhưng không tính những thứ có giá cả thường xuyên biến động như: năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá.

Khi chi tiêu của người tiêu dùng giảm, gây ra giảm phát, các công ty kiếm được ít hơn doanh thu và phải đối mặt với áp lực sa thải công nhân hoặc cắt giảm tiền lương, tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn của suy giảm kinh tế.

Anthony Scaramucci, người sáng lập của Skybridge Capital, cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos rằng: "Các công dân trên thế giới hầu hết đều không hiểu được hậu quả nghiêm trọng của giảm phát".

Tuy nhiên trong thực tế, tỷ lệ thất nghiệp mới công bố khá khả quan. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng Euro đã giảm xuống còn 11,4%, theo Eurostat. Trong tất cả 28 nước trong Liên minh châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 9,9% từ 10%.

Sau sáu năm tăng trưởng yếu, nhiều nhà kinh tế tỏ ra bi quan về triển vọng phục hồi của thị trường khu vực Eurozone. Mặc dù có những tiến bộ khiêm tốn, nhưng một số nước như Pháp và Italia cần phải làm nhiều hơn nữa để nâng cao hiệu quả kinh tế, chẳng hạn như sửa đổi luật lao động hoặc hợp lý hóa thủ tục phê duyệt cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các nước có thặng dư ngân sách chính phủ mạnh như Đức cũng đã chi tiêu ít hơn vào các công trình công cộng để kích thích tăng trưởng. Tỷ lệ thất nghiệp của Đức, đạt mức 4,8% trong tháng mười hai, là mức thấp nhất trong khu vực đồng Euro.