Báo động tình trạng buôn lậu thuốc lá

Trang Trần

(Tài chính) Buôn lậu thuốc lá đang là vấn đề nổi cộm được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm và triển khai nhiều kế hoạch ngăn chặn quyết liệt. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn đang diễn ra với thủ đoạn tinh vi, phương thức thường xuyên thay đổi và sự chống trả ngày càng quyết liệt hơn khi bị phát hiện.

Tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Nguồn: internet
Tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Nguồn: internet
Diễn biến khó lường

Ông Trịnh Hoàng Long - đại diện Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cho biết: Tình hình nhập lậu thuốc lá ngoại liên tục tăng qua các năm, số lượng thuốc lá lậu chiếm khoảng từ 18% đến 22% lượng thuốc lá tiêu thụ tại thị trường trong nước. Theo thống kê, lượng thuốc lá nhập lậu năm 2011 là 750 triệu bao, chiếm 18,2%; năm 2012 là 900 triệu bao, chiếm 21,6% và nếu tiếp tục đà này, thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam có thể lên tới 1 tỷ bao trong năm 2013. Cá biệt có một số địa phương thuốc lá lậu đã chiếm thị phấn tiêu thụ lớn như TP. Hồ Chí Minh (53%), các tỉnh Nam Bộ (37%).

Đánh giá về tình hình buôn lậu thuốc lá thời gian gần đây, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho rằng: “Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện nhiều vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá trái phép nhưng thực trạng này vẫn diễn ra công khai trên cả 3 tuyến biên giới phía Bắc, miền Trung và Tây Nam”.

Cũng về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho rằng thuốc lá lậu là mặt hàng có lợi nhuận cao vì thế số vụ buôn lậu ngày càng tăng, hoạt động mạnh và tập trung chủ yếu tại địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Trị, Long An, Đồng Tháp, An Giang, TP. Hồ Chí Minh...

Riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, sức tiêu thụ lớn đã thu hút một lượng thuốc lá lậu khổng lồ về đây. “Nước chảy chỗ trũng” nên từ các vùng biên giới giáp ranh như Long An, Tây Ninh thuốc lá lậu vẫn ngày đêm đổ về TP. Hồ Chí Minh, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Trong khi đó, tại biên giới Tây Nam, thuốc lá lậu vẫn được vận chuyển theo tuyến quốc lộ nối biên giới như quốc lộ 91-An Giang, quốc lộ 80-Kiên Giang và quốc lộ 30-Đồng Tháp “chạy” vào nội địa.

Tính riêng trong quý III/2013, các đơn vị hải quan đã phát hiện, thu giữ 294.821 bao thuốc lá, 6.784 kg thuốc lá lá sấy khô.

Điển hình, vào ngày 9/10, đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1) - Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) bắt giữ tại Quốc lộ 3 (khu vực Đèo Gió), huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn 2 chiếc xe ô tô vận chuyển 737 kiện lá thuốc lá lậu, có trọng lượng 36 tấn, ước tính trị giá hơn 1 tỷ đồng. Đây là vụ việc điển hình của việc buôn lậu thuốc lá qua các đường mòn, lối mở biên giới với số lượng lớn. Cơ quan C46 cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu này.

Ngoài ra, còn rất nhiều vụ buôn lậu thuốc lá lớn khác trên cả nước được lực lượng hải quan và lực lượng chức năng các tỉnh phát hiện và bắt giữ như: ngày 14/5, đội chống buôn lậu TP. Hà Nội đã bắt quả tang đối tượng buôn lậu 287 thùng các tông với hơn 10.000 cây thuốc lá lậu. Đây là số lượng thuốc lá lớn nhất từ trước đến nay bị Cơ quan công an bắt giữ trên địa bàn TP. Hà Nội. Hay, ngày 12/6, Hải quan Quảng Ninh thu giữ được 129 thùng thuốc lá ESSE (500 bao/thùng tương đương 65.710 bao)… Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ngày 3/9 vừa qua, cảnh sát huyện Hóc Môn cũng đã phá đường dây buôn lậu thuốc lá có quy mô lớn do một cặp vợ chồng cầm đầu với 16.000 gói thuốc lá ngoại.

Những vụ việc phát hiện nói trên mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Trên thị trường, đặc biệt là ở các hộ kinh doanh tạp hóa cá thể, thuốc lá nhập lậu vẫn được bày bán tràn lan, thậm chí nhiều nơi bày bán một cách công khai. Không những thế, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu dữ trữ, “găm” hàng phục vụ Tết ngày càng nhiều. Vì vậy, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới sẽ tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp hơn.

Tác hại không nhỏ

Theo thống kê của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam và Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, với lượng thuốc lá nhập lậu bình quân hàng năm khoảng 800 triệu bao, Nhà nước thất thu ngân sách khoảng 4.000 - 4.200 tỉ đồng/năm (do các sản phẩm này không phải chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng).

Theo đó, lượng ngoại tệ của cả nước sẽ mất đi khoảng 400 triệu USD (0,5 USD/bao). Kéo theo đó, ngành sản xuất nguyên liệu trong nước mất thị trường cung ứng nguyên liệu khoảng 17.000 - 18.000 tấn/năm (tương đương với diện tích 10.000 ha trồng thuốc lá); lợi nhuận của doanh nghiệp thuốc lá điếu mất từ 240 - 250 tỷ đồng/năm; các ngành phụ trợ, dịch vụ thuốc lá cũng bị thiệt hại từ thuốc lá nhập lậu.

Không những thế, thuốc lá nhập lậu làm cho ngành thuốc lá mất 515.000 công lao động/năm. Đồng thời, lợi nhuận của nông dân trồng thuốc lá giảm từ 160 - 170 tỷ đồng/năm;…

Đánh giá về tác hại của thuốc lá nhập lậu, ông Phạm Tiến Hiệp - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thuốc lá Việt Nam khẳng định: “Thuốc lá nhập lậu tác động mạnh đến lợi ích quốc gia, người lao động và doanh nghiệp”.

Thêm vào đó, Ông Đỗ Thanh Lam - Cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng nhận định: đối tượng buôn lậu thuốc lá còn gây ra nhiều vấn đề xã hội như: mất trật tự trị an tại khu vực vùng biên, gây mất trật tự an ninh công cộng, đặc biệt là thường xuyên gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng người dân,…

Triệt để phòng chống

Nhận biết tính cấp bách của tình hình buôn lậu thuốc lá, Thông báo mới nhất của Ban chỉ đạo 127 Trung ương về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đã nêu rõ: Hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu sẽ bị truy cứu hình sự và mức phạt tù cao nhất dành cho các đối tượng này sẽ lên tới 15 năm.

Từ tháng 10/2013, áp phích cảnh báo thuốc lá nhập lậu đã được đồng loạt chăng lên tại các điểm nóng về buôn lậu thuốc lá ở khắp 30 tỉnh thành, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung từ Quảng Trị trở vào, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Đây là hoạt động cảnh báo đầu tiên nằm trong chiến dịch quy mô lớn nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá.

Đồng thời, trong thời gian tới, đặc biệt là thời gian gần Tết Nguyên Đán, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu qua biên giới.

Các lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Hải quan cần tích cực phối hợp hơn nữa trong việc cung cấp thông tin; làm rõ phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu, từ đó có biện pháp phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Các lực lượng chức năng ở các tỉnh biên giới cần có kế hoạch cụ thể, phối hợp với các nước bạn nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ở khu vực biên giới...

Các địa phương cũng cần có sự vận động, tuyên truyền, ký cam kết với nhân dân và các cơ sở kinh doanh không sử dụng, buôn bán thuốc lá nhập lậu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi về tác hại của thuốc lá.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu tăng mức phạt cao hơn nữa đối với hành vi buôn bán vận chuyển thuốc lá nhập lậu. Ðồng thời, giảm số lượng thuốc lá điếu nhập lậu bị tạm giữ làm căn cứ xử lý hình sự xuống mức thấp hơn để răn đe các đối tượng kinh doanh vận chuyển mặt hàng này và cần có biện pháp, chế tài mạnh hơn đối với các đối tượng có hành vi chống đối, cản trở lực lượng thi hành công vụ.