Bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Việc thực hiện tốt chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, trật tự an toàn xã hội. Các cơ quan, lực lượng chức năng cần tăng cường tuyên truyền để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách này.
Chính sách an sinh xã hội thiết thực
Tại Nhật Bản, khi tham gia giao thông, chủ xe cơ giới phải mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới bắt buộc, nếu điều khiển xe cơ giới mà không có bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới bắt buộc sẽ bị phạt nặng.
Việc quy định mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cũng được áp dụng ở các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Australia, Hoa Kỳ... Quyền lợi của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự là đưa ra sự bảo vệ chủ xe hoặc lái xe trong một vụ tai nạn khi có các yêu cầu bồi thường từ phía nạn nhân.
Đây là chính sách an sinh xã hội của các Chính phủ, không phải là loại hình thương mại với mục đích để bảo vệ các nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông thông qua cơ chế bắt buộc bên có lỗi phải đền bù tài chính cho bên bị thiệt hại, bảo đảm nguồn hỗ trợ đủ lớn và kịp thời cho các nạn nhân tai nạn giao thông mà không phụ thuộc và việc người gây tai nạn có khả năng chi trả hay không.
Chính sách này cũng giúp không đẩy gánh nặng cho Nhà nước và gia đình người bị tai nạn do người gây tai nạn không có khả năng chi trả. Tại Việt Nam, chính sách này cũng đã được thực hiện. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo Thượng tá, PGS.TS. Lê Huy Trí - Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân, thực tế công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho thấy, việc thực hiện tốt chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự còn giúp giảm thiểu các mâu thuẫn, xung đột giữa bên gây tai nạn và bên bị tai nạn, ùn tắc giao thông do các bên tranh cãi, đổ lỗi cho nhau, đặc biệt tăng tỉ lệ cứu sống và giảm mức độ nghiêm trọng của chấn thương của người bị tai nạn nhờ được cứu chữa kịp thời với sự bảo đảm kinh phí bảo hiểm chi trả.
Phát huy hiệu quả chính sách
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, trật tự an toàn xã hội, Thượng tá, PGS.TS. Lê Huy Trí cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ của chủ phương tiện, người điều khiển xe cơ giới khi tham gia giao thông. Trong đó, cần chú ý quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ cần tăng cường tuyên truyền để người điều khiển xe cơ giới nắm được trách nhiệm, quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự.
Đặc biệt, cần nhắc nhở người điều khiển phương tiện về thời gian sắp hết hạn ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm; hướng dẫn người gây tai nạn và người bị tai nạn liên lạc với doanh nghiệp bảo hiểm để được bảo vệ quyền lợi; cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn giao thông của cơ quan công an do bảo hiểm thu thập trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách.
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng cảnh sát khác liên quan cần đấu tranh phòng, chống hiệu quả tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe cơ giới; phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính trong việc kiểm tra, giám sát doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, cần kịp thời phát hiện, đóng góp ý kiến cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trong việc tiếp tục hoàn thiện các quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm trong quá trình thực hiện; đưa chính sách đi vào cuộc sống và phát huy vai trò trong công tác bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xã hội.