Bảo hiểm có ý nghĩa nhân văn, chia sẻ rủi ro, không phải kinh doanh đa cấp

Hoàng Minh

Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, Luật sư Nguyễn Văn Phi - Phó Giám đốc Công ty luật TNHH LawKey cho biết, bảo hiểm có ý nghĩa nhân văn, chia sẻ rủi ro, mang tính phòng vệ dưới sự quản lý và giám sát của Nhà nước.

Luật sư Nguyễn Văn Phi - Phó giám đốc công ty luật TNHH LawKey.  
Luật sư Nguyễn Văn Phi - Phó giám đốc công ty luật TNHH LawKey.  

Phóng viên: Một vài vụ việc tiêu cực liên quan đến mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) thời gian vừa qua khiến nhiều người dân có tâm lý sợ BHNT, cho rằng giống đa cấp lừa đảo. Quan điểm của luật sư về điều này là như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Phi: Trước hết, tôi khẳng định, BHNT không phải kinh doanh đa cấp vì BHNT là hình thức kinh doanh rõ ràng, hợp pháp được quản lý bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm và theo quy định chặt chẽ của Bộ Tài chính.

Cần hiểu rằng, sản phẩm BHNT có ý nghĩa nhân văn giúp đảm bảo tài chính của gia đình trong các rủi ro khó khăn trong cuộc sống và giúp người tham gia bảo hiểm tích lũy hiệu quả cho các kế hoạch tương lai. Trong khi đó, đa cấp thường lôi kéo mọi người bằng hình thức quảng cáo với mức hoa hồng “trên trời” để dụ người mua. Còn với BHNT thì lan tỏa ý nghĩa nhân văn thực sự và mức hoa hồng không được tự đặt ra mà phải tuân thủ quy định rõ ràng (theo quy định tại Điều 5 Thông tư 50/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính).

BHNT chỉ được bán cho khách hàng tham gia theo đúng các quy tắc biểu phí, hợp đồng bảo hiểm, giấy yêu cầu bảo hiểm, đơn bảo hiểm, minh họa bán hàng đã được Bộ Tài chính phê chuẩn và không được có sự thêm bớt. Như vậy, các gói bảo hiểm hay các quyền lợi bảo hiểm của khách hàng đều được pháp luật quản lý chặt chẽ và nghiêm ngặt nhằm đảm bảo lợi ích của người tham gia bảo hiểm.

Người muốn làm tư vấn viên (đại lý) BHNT phải tham dự các buổi đào tạo để hiểu rõ về BHNT cũng như biết cách tư vấn khách hàng, về điều lệ, quyền lợi trong các gói sản phẩm. Sau đó, các học viên sẽ phải trải qua kỳ thi sát hạch do Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức thi mới được trở thành tư vấn viên bảo hiểm.

Tư vấn viên (đại lý) BHNT hầu hết là những người đã tham gia BHNT trải nghiệm được lợi ích của sản phẩm nên thường muốn chia sẻ, kêu gọi mọi người tham gia bảo hiểm để được bảo vệ… Tuy nhiên, họ hoàn toàn không bắt buộc phải tham gia BHNT như quy định của các hệ thống đa cấp.

Từ những đánh giá trên, có thể thấy, BHNT không xấu mà một số người tư vấn bảo hiểm hay đại lý tư vấn bảo hiểm mới khiến nó xấu đi trong mắt người dân.

Phóng viên: Cần làm gì để lấy lại niềm tin người dân đối với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nói riêng và thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Văn Phi: Để lấy lại niềm tin, khôi phục thị trường bảo hiểm, theo tôi, chất lượng đại lý tư vấn bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm nâng cao đạo đức cũng như nghiệp vụ của người tư vấn, tránh tình trạng “ép số lượng” đối với người tư vấn bảo hiểm.

Cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, kiểm tra các đại lý tư vấn bảo hiểm trong việc tư vấn bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm; nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông đa chiều, khách quan, đưa ra các khuyến cáo, tuyên truyền nâng cao hiểu biết, nhận thức của người tham gia bảo hiểm.

Việc lấy lại niềm tin của người dân, khôi phục thị trường bảo hiểm không phải chuyện dễ dàng, hoàn thành được một sớm một chiều. Tình trạng các đại lý tư vấn cũng như doanh nghiệp bảo hiểm vì lợi nhuận mà làm trái với đạo đức vẫn còn tiếp tục diễn ra thì việc lấy lại niềm tin của người dân vẫn sẽ là một vấn đề nan giải đối với thị trường bảo hiểm trong nước.

Phóng viên: Vậy, pháp luật sẽ bảo vệ người mua bảo hiểm như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Phi: Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có rất nhiều điều khoản để bảo vệ người mua bảo hiểm khi tham gia BHNT.

Người mua bảo hiểm có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài để giao kết hợp đồng bảo hiểm; Quyền yêu cầu cung cấp bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm và giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm;  Yêu cầu cung cấp bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm...

Người mua bảo hiểm được quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm khi Bên bán bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin; hủy bỏ hợp đồng trong thời gian cân nhắc bảo hiểm. Và khi hủy bỏ hợp đồng trong các trường hợp này, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định rõ người mua bảo hiểm được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Người mua bảo hiểm cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro, những yếu tố làm cơ sở tỉnh phí tại Điều 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Người mua bảo hiểm cũng được bảo vệ trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng dẫn đến có cách hiểu khác nhau thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm.

Ngoài việc quy định, trao quyền cho người mua bảo hiểm, bảo vệ người mua bảo hiểm, pháp luật cũng quy định chế tài để xử lý, trừng trị hành vi vi phạm của các doanh nghiệp bảo hiểm khi có vi phạm. Tùy vào mức độ, hành vi cụ thể mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phóng viên: Xin cảm ơn luật sư!