Bảo hiểm liên kết đầu tư giữ thế chủ đạo
Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đẩy mạnh dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư ra thị trường khiến tỷ trọng doanh thu của dòng sản phẩm này tiếp tục tăng cao, dự kiến chiếm hơn 80% doanh thu phí mới.
Những sản phẩm mới cũng được các doanh nghiệp thiết kế đơn giản, phù hợp hơn với nhu cầu của từng phân khúc khách hàng.
Chẳng hạn như sau khi ra mắt một loạt sản phẩm đình đám, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, nhu cầu bảo hiểm và đầu tư của các khách hàng, mới đây, hãng bảo hiểm đến từ nước Ý là Generali tiếp tục thông báo sẽ bán qua kênh trực tuyến sản phẩm mới là VITA - Sống An Nhiên.
Sản phẩm đáp ứng nhu cầu bảo vệ toàn diện cho khách hàng trước các rủi ro tai nạn với nhiều lựa chọn linh hoạt cho khả năng tài chính của nhiều đối tượng khách hàng. Thời hạn bảo hiểm 10 năm hoặc đến 60 tuổi, nhưng không vượt quá 30 năm.
Trong khi đó, Prudential Việt Nam đưa ra thị trường cùng lúc hai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung là Pru-Bảo vệ tối ưu và Pru - Chủ động cuộc sống với những quyền lợi nổi trội kết hợp giữa bảo vệ và tích lũy.
Cụ thể, khi tham gia Pru-Bảo vệ tối ưu, bên cạnh quyền lợi tích lũy, khách hàng được bảo vệ trước 99 bệnh lý nghiêm trọng khác nhau. Còn sản phẩm Pru-Chủ động cuộc sống sẽ mang đến cho khách hàng sự linh hoạt trong các lựa chọn bảo hiểm để đáp ứng những nhu cầu khác nhau trong từng giai đoạn cuộc sống…
Trước đó, hồi cuối tháng 7/2017, Manulife Việt Nam đã thiết kế “Manulife - Hành trình hạnh phúc” - giải pháp toàn diện kết hợp tiết kiệm, đầu tư; đồng thời giúp khách hàng bảo vệ tài chính trước các rủi ro trong cuộc sống.
Cụ thể, sản phẩm sẽ bảo vệ tài chính tối ưu trước các rủi ro tử vong và thương tật do tai nạn; gia tăng bảo vệ cho cả gia đình với danh mục các sản phẩm bổ trợ đính kèm đa dạng; hưởng lãi suất đầu tư thực tế từ Quỹ Liên kết chung, không thấp hơn mức lãi suất cam kết…
Việc các doanh nghiệp liên tục đưa các sản phẩm mới thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết ra thị trường khiến cơ cấu doanh thu phí mới có sự biến động mạnh ở hai sản phẩm chính là liên kết đầu tư và các sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp.
Nửa đầu năm 2019, theo số liệu của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 70,89% doanh thu phí khai thác mới.
Tiếp theo là bảo hiểm hỗn hợp, chiếm tỷ trọng 13,67%; bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 2,55%; doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ chiếm tỷ trọng 10,57%...
So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu khai thác mới của nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư tăng 49,53%, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp giảm 37,75%...
Sự thay đổi doanh thu của hai sản phẩm này xuất phát từ việc các công ty bảo hiểm đẩy mạnh việc bán sản phẩm liên kết đầu tư sau khi Nghị định 151/2018/NÐ-CP quy định về điều kiện đại lý được bán sản phẩm liên kết đầu tư được ban hành.
Ngoài ra, trong giai đoạn lãi suất trái phiếu chính phủ giảm thấp, các công ty bảo hiểm cũng chủ động đẩy mạnh việc bán bảo hiểm liên kết đầu tư và giảm bán sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp nhằm giảm áp lực chi phí trích lập dự phòng rủi ro cho các sản phẩm này theo Thông tư 50/2017/TT-BTC.
Ðược biết, lãi suất trái phiếu chính phủ trung bình là một tham số được sử dụng trong tính toán dự phòng toán học và lãi suất trái phiếu chính phủ trung bình càng thấp, chi phí dự phòng toán học càng cao. Nếu đẩy mạnh doanh số đối với sản phẩm này, chi phí trích lập dự phòng toán học có thể sẽ tăng mạnh.
Dù gánh nặng dự phòng toán học có thể giảm sau khi Thông tư 01/2019/TT-BTC có hiệu lực (thay đổi công thức của lãi suất kỹ thuật trong tính toán dự phòng toán học), nhưng dòng cơ cấu doanh thu do dòng bảo hiểm liên kết đầu tư mang lại chưa thể đảo chiều khi các doanh nghiệp vẫn tiếp tục các sản phẩm này ra thị trường và có kế hoạch đẩy mạnh việc bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị.
CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận, với lợi thế đang có, khả năng doanh thu phí của sản phẩm liên kết đầu tư sẽ chiếm trên 80% tổng doanh thu của thị trường.