Bảo hiểm nhân thọ: Tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai con số
(Tài chính) 6 tháng đầu năm, bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn tăng trưởng tích cực, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 11.052 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng hai con số
6 tháng đầu năm trong bối cảnh tình hình vĩ mô chưa ổn định, thu nhập của người dân chưa được cải thiện nhiều, tuy nhiên thị trường bảo hiểm vẫn đạt được kết quả tích cực. Theo số liệu của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 24.129 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 11.052 tỷ đồng, tăng 19,5%.
Báo cáo kết quả kinh doanh từ các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm nhân thọ cho thấy, nhiều DN có mức tăng trưởng doanh thu khá cao.
Điển hình như Công ty TNHH Bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam (Hanwha Life Việt Nam), 6 tháng đầu năm, Hanwha Life Việt Nam đạt doanh thu phí bảo hiểm gần 90 tỷ đồng, tăng trưởng 173% so với cùng kỳ năm trước. Điểm nổi bật là Hanwha Life Việt Nam là công ty liên tục đạt mức tăng trưởng cao, đều đặn từ tháng 2 đến tháng 6, cao hơn thời điểm cùng kỳ của năm.
Báo cáo kết quả kinh doanh của Dai-ichi Life Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm Dai-ichi Life Việt Nam đạt kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đạt 380 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2013, tăng gấp đôi mức tăng trưởng bình quân của thị trường.
Hiện Dai-ichi Life Viêt Nam đã phát triển mạng lưới rộng khắp với 127 văn phòng và tổng đại lý tại các tỉnh thành, phục vụ hơn 997.000 khách hàng trên toàn quốc.
Lãnh đạo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ, con số này cho thấy nỗ lực của khối nhân thọ. Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, DN đã tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ; Tăng cường năng lực tài chính; Đẩy mạnh hợp tác với đối tác chiến lược; Đảm bảo đầu tư an toàn, hiệu quả; Tăng cường quản lý rủi ro…để đạt được mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn tồn tại tình trạng một số DN bảo hiểm thực hiện chính sách “tăng trưởng nóng”, dẫn đến duy trì tỷ lệ hợp đồng thấp hơn mức bình quân của thị trường (60%, 70%, 85%) đối với các hợp đồng năm thứ 1,2,3.
Tăng tốc
Các chuyên gia bảo hiểm nhận định, hiện sản phẩm bảo hiểm vẫn chưa đa dạng, chủ yếu tập trung 3/7 nghiệp vụ bảo hiểm ( tử kỳ, hỗn hợp và liên kết chung), quy mô phát triển bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm trọn đời... còn thấp. Đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ, những tháng cuối năm thường được coi là "thời điểm vàng" trong khai thác những hợp đồng mới. Chính vì vậy, DN bảo hiểm cần dồn sức phát triển những sản phẩm mới phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, đa dạng hóa kênh phân phối; hỗ trợ đại lý tiếp tục mang về những hợp đồng bảo hiểm mới.
Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ, tình trạng trục lợi bảo hiểm vẫn diễn ra khá phổ biến, phát sinh từ đại lý bảo hiểm, khách hàng và bệnh viện. Giai đoạn 2007-2013 có 52.860 vụ trục lợi với tổng số tiền khoảng 530 tỷ đồng. DN bảo hiểm cần rà soát lại hệ thống đại lý, đẩy mạnh liên kết với các bệnh viện uy tín, nếu phát hiện tình trạng trục lợi cần chấm dứt hợp đồng để đảm bảo tăng trưởng tốt, giảm tình trạng trục lợi bảo hiểm.
Mới đây, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho DN bảo hiểm nhân thọ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để DN bảo hiểm dần hiện thực hóa tiềm năng từ kênh phân phối này.
Theo đó, việc hợp tác kinh doanh giữa DN bảo hiểm và các tổ chức tín dụng sẽ tạo nền tảng vững chắc và xuyên suốt để cung cấp những sản phẩm, dịch vụ cao cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính và bảo hiểm lâu dài của khách hàng, giúp DN tăng trưởng doanh thu nhanh chóng.
Dự kiến, năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 53.487 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 26.292 tỷ đồng.