Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, công tác an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong đó, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách lớn, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
Mới đây, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp điểm cầu Trung ương kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tỉnh ủy, thành ủy.
Hiệu quả tích cực từ thực hiện chính sách BHXH, BHYT
Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, sau 8 năm triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW, đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Nội dung tuyên truyền đảm bảo đúng định hướng, bám sát tinh thần nêu trong Nghị quyết.
Công tác phối hợp tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương được tiến hành hiệu quả; công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết được chú trọng và thực hiện nghiêm túc. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đã nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT; phối hợp thực hiện hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết.
Cụ thể, hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục hoàn thiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định.
Số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục tăng qua các năm. Số người tham gia BHYT vượt mục tiêu đề ra. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng mở rộng, nguồn kinh phí cho công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được đảm bảo.
Theo thống kê, đến ngày 31/12/2020, số người tham gia BHXH là 16,188.8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ là 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,064 triệu người. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,124 triệu người, tăng 10 lần so với năm 2012, đạt tỷ lệ bao phủ là 2,2% (vượt 1,2% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XII) về cải cách chính sách BHXH).
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 13,324 triệu người, tăng 5,05 triệu người so với năm 2012 (tăng 61,7%), đạt 27% lực lượng lao động. Đến hết năm 2020 có khoảng 88 triệu người tham gia BHYT, chiếm 90,97% dân số, bình quân mỗi năm tăng 48%, trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế. Như vậy, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và “về đích” trước thời hạn đối với công tác BHYT giai đoạn 2012 - 2020 theo Nghị quyết số 21-NQ/TW.
Bên cạnh đó, cơ cấu đầu tư Quỹ chuyển dịch theo hướng an toàn; quy mô đầu tư quỹ ngày càng lớn, số dư đầu tư quỹ và lợi nhuận thu từ đầu tư tăng hàng năm. Quỹ BHYT đang dần trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh, góp phần giảm mức chi trả của người dân trong chăm sóc sức khỏe.
Một trong những kết quả nổi bật khác là chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT từng bước được cải thiện. Mức độ hài lòng của người dân về chất lượng BHYT ngày càng nâng cao. Thủ tục hành chính được cải cách, giảm phiền hà và bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm. Công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT được chú trọng và tăng cường.
Nhìn chung, chính sách BHXH, BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Theo đó, chính sách BHXH đã thay thế, bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp rủi ro, khó khăn trong cuộc sống, góp phần ổn định cuộc sống cho hàng triệu người lao động khi hết tuổi lao động.
Chính sách BHYT đảm bảo cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng đến cải thiện chất lượng sức khỏe người dân và cộng đồng; giảm bớt gánh nặng tài chính khi sử dụng các dịch vụ y tế và làm giảm nguy cơ đói nghèo đặc biệt đối với người nghèo, cận nghèo, người dân sống ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi.
Một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính sách BHXH, BHYT
Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết như: Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết; Tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT còn xảy ra ở nhiều địa phương; Số doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT còn nhiều, số tiền nợ đọng còn ở mức cao.
Cùng với đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT vẫn xảy ra khá phổ biến; công tác thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT còn chậm; chất lượng phục vụ của dịch vụ khám chữa bệnh BHYT còn nhiều bất cập; tỷ lệ người dân được ngân sách nhà nước (NSNN) đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT vẫn ở mức cao, với trên 51 triệu người, chiếm 58% tổng số đối tượng…
Nguyên nhân của những hạn chế trên, các đại biểu cho rằng, một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và coi việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH.
Hầu hết chưa có địa phương nào bố trí nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện…
04 nhóm giải pháp thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới
Nhấn mạnh và định hướng triển khai công tác BHXH, BHYT trong thời gian tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh lưu ý, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, công tác an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, trong đó BHXH, BHYT là hai chính sách lớn, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Trên cơ sở đó, đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác BHXH, BHYT theo các nội dung sau:
Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển BHXH, BHYT với phương hướng, nhiệm vụ đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030): Thực hiện BHYT toàn dân, phấn đấu tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số, đa dạng mức đóng và mức hưởng; Hoàn thiện hệ thống luật pháp về BHXH, tiến tới BHXH toàn dân, phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế; Kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Hai là, thực hiện các định hướng, giải pháp và nhiệm vụ tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; đổi mới tổ chức bộ máy, mô hình quản lý BHXH, BHYT, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lĩnh vực BHXH, BHYT...
Ba là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT trong điều kiện nước ta đặt mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Nhu cầu được đáp ứng các dịch vụ nhất là dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng; yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội và công bằng xã hội cũng ngày càng cao, trong khi các nguồn lực của Nhà nước hạn chế cần có sự tham gia, chia sẻ của các thành phần kinh tế trong xã hội, sự chung tay của mọi người dân.
Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT trong điều kiện nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực BHXH, BHYT; tiếp tục cải cách chính sách BHXH, cũng như đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH, BHYT...