Tiếp sức cho người lao động, doanh nghiệp bằng chính sách bảo hiểm xã hội

PV.

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch, Nghị quyết số 68/NQ-CP về việc hỗ trợ người lao động, sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Chính phủ đã đưa ra 12 chính sách hỗ trợ; trong đó có 3 chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Trong tháng 7/2021, BHXH các địa phương đã phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết cho 80.021 người hưởng BHTN
Trong tháng 7/2021, BHXH các địa phương đã phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết cho 80.021 người hưởng BHTN

Ba nhóm chính sách hỗ trợ liên quan đến BHXH, BHTN

Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Với chính sách này, người sử dụng lao động (NSDLĐ) được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) trong 12 tháng; Thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022 cho người lao động (NLĐ) thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN. Cùng với đó, NSDLĐ được hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN cho người lao động phòng chống đại dịch Covid-19.

Chính sách này không áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

Theo Nghị quyết, NSDLĐ đã đóng đủ BHXH hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 4/2021. Điều này áp dụng cả với lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.

Chính phủ cũng nêu rõ, đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.

Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động

Nhóm chính sáy này quy định, NSDLĐ được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ BHTN khi đóng đủ BHTN cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo quy định.

Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Quyết liệt đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Ngay sau khi Nghị quyết số 68/NQ-CP được ban hành, BHXH Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc triển khai quyết liệt các nhóm chính sách liên quan đến BHXH và BHTN.

Theo đó, BHXH Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực Nghị quyết số 68/NQ-CP; Cùng với đó, ngày 08/7/2021, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 1988/BHXH-TST hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; Ngày 09/7/2021, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến trong toàn Ngành quán triệt, triển khai chính sách hỗ trợ đến các NSDLĐ, NLĐ nhanh nhất, hiệu quả nhất. Ngoài ra, còn thành lập Đoàn công tác do Lãnh đạo BHXH Việt Nam làm Trưởng đoàn để kiểm tra, đôn đốc, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do đại dịch COVID-19 tại Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội…

BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện phân công lãnh đạo, cán bộ nhân viên chủ động liên hệ với các DN gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để đôn đốc, hướng dẫn đơn vị lập hồ sơ; tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định, không để hồ sơ quá hạn; đảm bảo khi nhận được hồ sơ đầy đủ thì thực hiện giải quyết trong thời gian không quá một ngày làm việc.

Song hành cùng việc triển khai các nhiệm vụ trên, ngành BHXH đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn hệ thống, nhằm giải quyết nhanh nhất các thủ tục, tạo thuận lợi và bảo vệ tối đa quyền lợi cho NLĐ, NSDLĐ và người dân. Mặt khác, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, giải đáp, hỗ trợ, tư vấn để NLĐ, NSDLĐ về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tiếp đó, ngày 30/7/2021, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 2268/BHXH-CNTT yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm qua Trục tích hợp quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông phục vụ nhu cầu cấp bách của việc phòng chống dịch, báo cáo UBND tỉnh, thành phố, ban chỉ đạo chống dịch của tỉnh, thành phố…

Bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực

Tính đến hết tháng 7/2021, toàn ngành BHXH đã thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh mức đóng vào Quỹ BHTNLĐ-BNN cho trên 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu NLĐ, với số tiền điều chỉnh giảm khoảng 4.322 tỷ đồng; Bộ phận "một cửa" BHXH các địa phương đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 120 đơn vị, với 9.533 NLĐ tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, với số tiền 61,53 tỷ đồng tại 25 tỉnh, thành phố; Xác nhận danh sách cho 175.804 NLĐ của 10.858 đơn vị để hưởng các chính sách tại 55 tỉnh, thành phố.

Trong đó, 116.160 NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 7.959 NLĐ ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người; 16.764 NLĐ ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để vay vốn trả lương ngừng việc; 25.877 NLĐ được người SDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người SDLĐ phải tạm dừng hoạt động); 9.044 NLĐ được người SDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người SDLĐ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú)...

Riêng trong tháng 7/2021, BHXH các địa phương đã phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết cho 80.021 người hưởng BHTN, trong đó, có 79.087 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, 934 người hưởng chế độ học nghề. Ngoài ra, còn có hơn 8,3 triệu lượt người đi khám chữa bệnh BHYT và được quỹ BHYT chi phí lên tới 6.423 tỷ đồng.

Mặt khác, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH gộp 2 tháng (tháng 7, 8) vào cùng một kỳ chi trả; hướng dẫn BHXH các tỉnh thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo chế độ BHXH; Hướng dẫn người dân tham gia và đóng BHYT hộ gia đình trong thời gian phòng chống dịch; tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT trong bối cảnh dịch bệnh, không để người bệnh tự chi trả chi phí trong phạm vi quyền lợi được hưởng…