Bảo quản các mặt hàng dự trữ quốc gia đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
Thời gian qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào bảo quản các mặt hàng dự trữ quốc gia. Nhờ đó, các mặt hàng dự trữ quốc gia (DTQG) được bảo quản đảm bảo an toàn, đủ số lượng, tốt về chất lượng, sẵn sàng xuất cấp khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Thực hiện tốt công tác bảo quản hàng DTQG
Theo ông Phan Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ bảo quản, (Tổng cục DTNN), trong những năm gần đây, Tổng cục DTNN đã thực hiện tốt công tác bảo quản và quản lý chất lượng hàng DTQG do Bộ Tài chính quản lý.
Theo đó, Tổng cục yêu cầu các Cục DTNN khu vực tổ chức bảo quản các mặt hàng DTQG tuân thủ nghiêm theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy định, hướng dẫn bảo quản các mặt hàng DTQG lưu kho, nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng.
Đối với một số mặt hàng vật tư, thiết bị mới nhập kho DTQG như thiết bị khoan cắt, thiết bị tìm kiếm nạn nhân bằng hình ảnh và âm thanh bộ máy khoan phá bê tông chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tổng cục DTNN đã xây dựng, hướng dẫn để các đơn vị thực hiện nhập, xuất, bảo quản đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN thường xuyên đôn đốc các đơn vị kiểm tra chất lượng hàng DTQG trong quá trình nhập, xuất, lập ghi chép hồ sơ chất lượng hàng DTQG theo quy định. Nhờ đó, hàng DTQG luôn được theo dõi về số lượng, chất lượng và định kỳ hàng quý có báo cáo tổng hợp đánh giá chất lượng hàng DTQG của các đơn vị.
Trường hợp hàng DTQG có hiện tượng biến đổi bất thường, các Cục DTNN khu vực kịp thời báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý về cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.
Để tăng cường vai trò quản lý chất lượng hàng DTQG, ông Phan Anh Tuấn cho biết, hàng năm, Tổng cục DTNN đã tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra chất lượng lương thực, vật tư nhập kho DTQG. Khi xuất kho, chất lượng hàng DTQG được kiểm tra sát sao để đánh giá trách nhiệm của người làm công tác bảo quản. Qua kiểm tra đã đánh giá một cách toàn diện, khách quan việc chấp hành các quy định, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong bảo quản hàng DTQG tại các Cục DTNN khu vực.
Thực tế kiểm tra phát hiện ra những mặt còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục, những vấn đề còn vướng mắc. Từ đó có những điều chỉnh kịp thời trong công tác bảo quản hàng DTQG.
Kết quả kiểm tra cho thấy, 100% số lượng thóc, gạo DTQG lưu kho bảo quản tại các Cục DTNN khu vực đều thực hiện bảo quản theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đảm bảo an toàn cả về số lượng, chất lượng, vật tư hàng hóa không bị xuống cấp, mất phẩm chất.
Các mặt hàng vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn như: Máy phát điện, phao tròn cứu sinh, phao áo cứu sinh, bè cứu sinh nhẹ, nhà bạt cứu sinh, xuồng cứu hộ, thiết bị khoan cắt, máy khoan phá bê tông được các đơn vị quản lý đảm bảo đủ về số lượng, tốt về chất lượng, hồ sơ đầy đủ, hàng hoá được quản lý và giữ gìn cẩn thận, các trang thiết bị, phụ kiện đầy đủ, không bị han rỉ, bong sơn, vệ sinh bảo quản sạch sẽ.
Qua tổng hợp báo cáo của các đơn vị và qua kiểm tra chất lượng hàng DTQG lưu kho, xuất kho đảm bảo theo quy định; tỷ lệ hao hụt thóc, gạo khi xuất kho đều nhỏ hơn hoặc bằng định mức quy định.
Thực hiện kiểm tra chất lượng, quy trình lấy mẫu để kiểm tra đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tại cơ quan chuyên môn theo tiến độ nhập hàng đối với mặt hàng phao tròn cứu sinh, nhà bạt cứu sinh, thiết bị phóng dây cứu hộ. Công cụ, dụng cụ, trang thiết bị đặc thù phục vụ cho công tác nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG được bảo trì, bảo dưỡng tốt. Các ngăn lô kho có đầy đủ hồ sơ theo quy định, được cập nhật và để sắp xếp đúng vị trí.
Ứng dụng các công nghệ mới vào bảo quản hàng DTQG
Bên cạnh kiểm tra chất lượng hàng DTQG tại các điểm kho của các Cục DTNN khu vực, để nâng cao chất lượng bảo quản hàng DTQG tại các điểm kho trong giai đoạn 2020 - 2030, Tổng cục DTNN nghiên cứu, phát triển ứng dụng các công nghệ mới trong quản lý, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để tiến hành tự động hóa các khâu trong quy trình nghiệp vụ bảo quản hàng DTQG.
Điển hình như: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2019 “Các giải pháp công nghệ để duy trì nồng độ khí Nitơ ≥ 98 % trong bảo quản gạo DTQG tại Chi Cục DTNN Đông Anh (Cục DTNN khu vực Hà Nội)”, do ông Phùng Văn Ngọc - Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản làm chủ nhiệm đã để mang lại nhiều kết quả tích cực trong bảo quản hàng DTQG.
Đề tài đã được Hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá, nghiệm thu với kết quả đạt loại Giỏi. Đây là một giải pháp mới trong bảo quản của ngành DTNN và được ứng dụng rộng rãi trong bảo quản hàng DTQG tại các Cục DTNN khu vực. Đề tài đã nghiên cứu giải pháp điều chế khí Nitơ tại chỗ bằng công nghệ PSA để cấp cho các lô gạo, tăng tính chủ động trong việc sử dụng máy tạo khí Nitơ, nhất là tại các đơn vị vùng sâu, vùng xa và chủ động bổ sung khí Nitơ trong quá trình bảo quản nồng độ Nitơ xuống dưới 98%.
Trong quá trình triển khai đề tài, thiết bị đã cung cấp khí Nitơ tại chỗ cho 3 lô gạo 125 tấn/lô nhập kho năm 2020 (tương ứng 3 phương án cấp khí khác nhau). Kết quả các lô lương thực đều có nồng độ khí Nitơ lớn hơn 99,99%, đảm bảo các quy định của QCVN đối với gạo DTQG và đáp ứng mục tiêu đề ra của đề tài.
Đồng thời, nghiên cứu đã phân tích tính hiệu quả kinh tế của giải pháp điều chế khí Nitơ tại chỗ so với giải pháp mua khí từ các nhà thầu cung cấp hiện nay và đánh giá các phương án cấp khí để lựa chọn giải pháp tối ưu dựa trên thời gian tăng nồng độ của khí Nitơ.
Kết quả nghiên cứu của đề tài là bước tiếp theo để tiến hành nghiên cứu tự động hóa trong quá trình nạp khí Nitơ đảm bảo nồng độ khí Nitơ luôn đạt ≥ 98 % trong bảo quản gạo, thóc...
Qua kiểm tra đã đánh giá một cách toàn diện, khách quan việc chấp hành các quy định, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong bảo quản hàng DTQG tại các Cục DTNN khu vực. Thực tế kiểm tra phát hiện ra những mặt còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục, những vấn đề còn vướng mắc. Từ đó có những điều chỉnh kịp thời trong công tác bảo quản hàng DTQG.