Bảo vệ cán bộ bằng hành lang pháp lý


Dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung sẽ phải hoàn thành trong tháng 4 năm nay.

Thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

Đặc biệt, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung" đã thể hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong giai đoạn hiện nay.

Thực tế là, trước khi có Kết luận số 14-KL/TW, Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng nêu rõ cần loại bỏ tư tưởng “trông chờ, ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán”. Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V xác định cần đặc biệt coi trọng việc phát hiện và đưa vào đội ngũ cán bộ những người “trung thực đã dám vì sự nghiệp chung mà vạch trần khuyến điểm bảo vệ chân lý”, cần phải tập hợp được những cán bộ có tinh thần “dám quyết định và dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ”.

Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định một trong những nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là “có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. 

Quy định số 214- QĐ/TW1 và Quy định số 89-QĐ/TW2 cũng yêu cầu về năng lực và uy tín, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm và vì dân phục vụ. 

Nghị quyết số 26-NQ/TW3 đã đặt ra nhiệm vụ phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đồng thời, coi việc xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đã xác định thúc đẩy thể chế để đổi mới, sáng tạo là một trong những nội dung cốt lõi trong đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế để phát triển, đồng thời thể chế hóa, cụ thể hóa một số cơ chế, chính sách khuyển khích đổi mới, sáng tạo như: Chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; chính sách thu hút, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; các quy định khuyến khích về thi đua, khen thưởng, về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, về khuyến khích phong trào thi đua, sáng tạo trong quần chúng….

Đổi mới, sáng tạo luôn là chủ trương đúng đắn, cần thiết trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Dù vậy, việc phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của cán bộ vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Thực tiễn lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của không ít cán bộ còn nhiều khó khăn, trở ngại, vướng mắc do một số quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa hoàn thiện, thậm chí nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ hoặc liên thông, không còn phù hợp với thực tiễn. Nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại hoặc dễ bị lợi dụng để làm trái, trục lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Điều này khiến cho cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng còn chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí còn e ngại bị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc xử lý kỷ luật khi có khuyết điểm, vi phạm, hạn chế, thiếu sót. Trong khi đó, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích đối với cán bộ và đặc biệt là thiếu các cơ chế để bảo vệ cán bộ trong những trường hợp quyết định sáng tạo, đột phá có sai sót. 

Thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW, Bộ Nội vụ đã xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Dự thảo Nghị định gồm 3 chương, 15 điều, đã xác định rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có cán bộ năng động, sáng tạo. Mặt khác cũng nêu trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền có liên quan, làm sao tạo ra được môi trường chính trị, xã hội để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo nhưng đồng thời phải có trách nhiệm bảo vệ đội ngũ cán bộ này đến cùng khi họ gặp rủi ro do những yếu tố khách quan, chủ quan.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã nêu rõ: "Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm dám đột phá về lợi ích chung, đây cũng là một nghị định rất khó nhưng đòi hỏi một tinh thần rất cấp bách. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Chính vì vậy, một bộ phận cán bộ còn chần chừ, giữ an toàn và sợ sai, vì thế cần có những cơ chế chính sách để có thể dám nghĩ, dám làm, dám đột phá về lợi ích chung”.

Theo yêu cầu của Chính phủ, Dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung sẽ phải hoàn thành trong tháng 4 năm nay. Do vậy, việc đóng góp ý kiến có trách nhiệm và tâm huyết của các địa phương, cử tri có tính quyết định đến việc xây dựng hành lang pháp lý để khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung đồng thời góp phần ngăn ngừa, xử lý cán bộ lợi dụng chủ trương trên để làm trái, vụ lợi./.

Theo dangcongsan.vn