Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi):

Bảo vệ quyền lợi của người lao động

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội không chỉ được xem là điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), mà còn là mong muốn của người tham gia loại hình bảo hiểm này. Bởi, quyền lợi của người lao động ngày càng được nâng cao nhờ các chế tài quy định trong luật mới.

Luật Bảo hiểm xã hội được triển khai từ năm 2006, nhưng đến nay mới chỉ có hơn 100 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nguồn: internet
Luật Bảo hiểm xã hội được triển khai từ năm 2006, nhưng đến nay mới chỉ có hơn 100 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nguồn: internet

Điểm mới, có nhiều đột phá trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ, hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, việc đưa nhóm lao động này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là cần thiết, nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng làm việc. Đây cũng là điểm mới khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng hiện đại hóa hệ thống quản lý để có thể theo dõi, kiểm soát, có thể giám sát được nhóm đối tượng này, giúp giảm tình trạng nợ đọng bảo hiểm, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng bổ sung một số quyền cho người lao động như: người lao động được tự quản lý sổ bảo hiểm xã hội, được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc; hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận con nuôi…

Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm định kỳ 6 tháng niêm yết thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Hàng năm, doanh nghiệp phải niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp. Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết, đây là bước cải cách lớn bảo đảm quyền lợi cho người lao động và giảm thời gian cho công việc này của doanh nghiệp. Ngoài ra, thay vì thủ tục hồ sơ được tiếp nhận tại bộ phận một cửa của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, thì hiện nay cán bộ bảo hiểm xã hội sẽ xuống tận các đơn vị tham gia để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Những địa bàn không bố trí đủ cán bộ sẽ thực hiện thông qua đường bưu điện. 

Luật Bảo hiểm xã hội được triển khai từ năm 2006, nhưng đến nay mới chỉ có hơn 100 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong số này, phần lớn là những lao động đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng còn thiếu thời gian nghỉ nên mới tự nguyện đóng để có đủ năm đóng.

Mặc dù vậy, khi hỏi đến tính khả thi của quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, đây là một thách thức lớn. Để mở rộng đối tượng tham gia loại hình này, trước hết cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp cần cung cấp thông tin rõ ràng để người dân có thể biết mức đóng, mức hưởng lợi, thậm chí là việc sử dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội được sử dụng vào việc gì, mức sinh lời ra sao... Thông tin minh bạch, rõ ràng sẽ giúp nhân dân hiểu rõ chính sách của Nhà nước và yên tâm tham gia.

Trước đây khi trả lương, chủ sử dụng lao động bao giờ cũng trừ tiền đóng bảo hiểm, nhưng thực tế số tiền này có đến được cơ quan bảo hiểm hay không, người lao động không hề biết. Đây là kẽ hở khiến nhiều người lao động bị thiệt thòi, nhiều cơ quan bảo hiểm chịu nợ xấu kéo dài và phải tốn công sức khởi kiện.

Nhưng nay, mọi chuyện đã khác, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định, người lao động được quyền giám sát hoạt động đóng bảo hiểm của cơ quan nơi làm việc, thậm chí người lao động còn được nhận thông tin từ cơ quan chức năng nơi đóng, qua đó nắm rõ được số tiền đóng và lợi ích của mình qua từng đợt đóng.