Bất cập trong nhập khẩu phế liệu

Theo DĐDN

Hàng năm có hàng triệu tấn phế liệu làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước được nhập khẩu qua gần 60 cửa khẩu quốc tế, quốc gia, 49 cảng biển các loại của VN với số lượng ngày càng tăng. Tuy nhiên, cơ chế quản lý phế liệu hiện nay vẫn chưa rõ ràng.

Thống kê chưa đầy đủ của Cục Hải quan Hải Phòng, trong giai đoạn từ năm 2003 đến nay, đã có trên 3.000 container chứa hàng chục nghìn tấn sản phẩm, phế liệu NK, hoặc tạm nhập, tái xuất vi phạm các quy định của VN về bảo vệ môi trường.

Trôi nổi trong quản lý

Ông Vũ Ngọc Anh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định: Trong 9 tháng của năm 2010, các cơ quan chức năng Hải Phòng phát hiện lượng container chứa rác NK qua các cảng Hải Phòng nhiều bằng số lượng cả hai năm 2008, 2009. Ông Anh cũng cho biết, ngay thời điểm hiện tại, cũng có trên 300 container chứa rác đã NK và hiện đang nằm rải rác tại các cảng khu vực Hải Phòng. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong mọi trường hợp khi bị phát hiện có liên quan tới rác NK, DN đứng tên nhận hàng đều không nhận trách nhiệm thuộc về mình. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước không đủ chứng cứ để kết luận, hay xử phạt DN. Chính vì vậy, Nhà nước không thể tránh được việc buộc tiêu hủy rác NK. Có nghĩa là Nhà nước mất tiền (để tiêu huỷ), còn xã hội thì phải chịu tác động về môi trường.

Còn trong trường hợp khi DN có thể NK trót lọt rác thải, thì có nghĩa nó có thể được tiêu thụ, thay vì tiêu huỷ ở trong nước. Khả năng này đã xảy ra. Cụ thể: tháng 12/2008, thành phố Hải Phòng tịch thu 74 container chứa phế thải khai là giấy phế liệu NK làm nguyên liệu. Các ngành chức năng và Xí nghiệp Dịch vụ môi trường (Cty Môi trường đô thị Hải Phòng) tiêu huỷ lô hàng. Tuy nhiên, ông Trần Văn Dũng - Giám đốc xí nghiệp này – ngoài việc đã lấy 2 tỷ đồng kinh phí tiêu huỷ, còn chở luôn các container chứa rác tới bán cho 4 điểm thu gom phế liệu. Ông Dũng đã bán được 10 container loại này, trước khi bị phát hiện. Tuy nhiên, ông Dũng, cũng như các cán bộ liên quan trong vụ bán rác, đều chỉ bị xử lý hành chính. Mặt khác, cách tiêu huỷ là chôn lấp tại các bãi rác của Hải Phòng. Thế nên, không loại trừ kết quả rác này sẽ được móc lên ngay sau khi chôn lấp. Điểm tập kết cuối cùng của loại rác này chính là các cơ sở tái chế trong nước, hoặc các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc – nơi mà rác sẽ được XK thành công dưới danh nghĩa phế liệu có nguồn gốc thu gom trong nước.

Cần quy định cụ thể

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hàng năm có hàng triệu tấn phế liệu làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước được NK qua gần 60 cửa khẩu quốc tế, quốc gia, 49 cảng biển các loại của VN. Trong năm 2008 là 1,4 triệu tấn, năm 2009 là trên 2 triệu tấn, năm 2010 dự kiến sẽ nhập gần 4 triệu tấn. Đó là chưa tính khoảng gần 1 triệu tấn nhựa phế liệu, giấy phế liệu, linh kiện điện tử...

Về bản chất, phế liệu chỉ là tên gọi quản lý, hay thương mại của rác thải đã qua phân loại, xử lý bước đầu. Sau khi NK, phế liệu sẽ qua xử lý ở quy mô công nghiệp để trở thành nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất khác. Nhìn từ điểm này và từ sản lượng NK để thấy, VN có nhu cầu thực sự với phế liệu - tức là rác đã qua phân loại, xử lý bước đầu. Tuy nhiên, để hạn chế tác động xấu đến môi trường, cũng như tiện cho các cơ quan quản lý và DN, rất cần những quy định cụ thể thế nào là rác cấm nhập, và thế nào là phế liệu được NK.