Bất cập trong quản lý hoạt động taxi
Mặc dù cùng thực hiện thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động taxi theo Quyết định số 24 của Bộ Giao thông - Vận tải nhưng quy định hoạt động vào khung giờ cao điểm đối với các xe của một số hãng thì bị quản lý như taxi truyền thống, còn đối với các xe công nghệ thì lại không… Điều này dẫn đến các luồng ý kiến từ doanh nghiệp taxi truyền thống cho rằng, cách quản lý này là chưa công bằng…
Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông - Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, hiện nay, cả nước có 29.810 xe dưới 9 chỗ ngồi đăng ký tham gia thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử vào kinh doanh vận tải hành khách theo Quyết định số 24 của Bộ Giao thông - Vận tải. Tuyệt đại đa số xe tham gia thí điểm kết nối với 2 ứng dụng Uber và Grab; chỉ có khoảng hơn 1.000 xe là kết nối với các ứng dụng nội địa.
Riêng tại Hà Nội, hiện nay có 7 đơn vị được cấp phép tham gia thí điểm với 14.495 xe thuộc 242 đơn vị vận tải. Trong đó, Công ty TNHH Uber Việt Nam có 2.282 xe (15,74%), Công ty TNHH Grabtaxi: 11.116 xe (76,69%). Như vậy, Hà Nội hiện đã có 21.800 xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi và 19.265 taxi truyền thống…
Tuy nhiên, tại cuộc họp đối thoại về những vấn đề phát sinh xoay quanh loại hình xe thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử trên địa bàn TP do Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội tổ chức mới đây, các doanh nghiệp taxi truyền thống tiếp tục có những kiến nghị cho rằng, Uber, Grab đang cạnh tranh không lành mạnh và gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường taxi nói chung.
Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình nêu quan điểm: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc thí điểm phải bảo đảm lợi ích người tiêu dùng; cạnh tranh lành mạnh; và không để thất thu thuế. Tuy nhiên, hiện cả ba yêu cầu này đều “có vấn đề”. Cụ thể, Uber, Grab liên tục trợ giá cho chuyến đi nghĩa là cạnh tranh không lành mạnh.
Khoản thuế các đơn vị này nộp cũng chỉ thể hiện là nộp thay thuế thu nhập cho lái xe; đội ngũ lái xe của Uber, Grab không được đào tạo chuyên nghiệp, không đáp ứng các tiêu chuẩn của quy định hiện hành như tiêu chuẩn về sức khỏe của lái xe; tên, số điện thoại của lái xe hoặc sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe để tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có hợp đồng lao động…
Đó là chưa kể một số phương tiện tham gia thí điểm không niêm yết logo, phù hiệu Xe hợp đồng và các thông tin theo quy định, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng.
Tại cuộc đối thoại, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh miền Bắc Hồ Quốc Phi cũng phân trần: Taxi Mai Linh hiện đang có 587 xe tham gia thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử vào kinh doanh vận tải hành khách, nhưng vẫn “đeo mào” taxi, vẫn phải chịu sự quản lý như taxi truyền thống, đặc biệt là bị hạn chế lưu thông trong giờ cấm, phố cấm.
Trong khi đó, các taxi Uber, Grab lại không bị quản, vẫn được phép ra - vào, lưu thông trong các khung giờ cao điểm. Rõ ràng như vậy là không công bằng.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Bộ Giao thông - Vận tải và Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho rằng: Thời gian qua, sự ra đời của loại hình taxi công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, tuy nhiên đúng là vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý, vẫn có sự khác biệt về cách định danh cho xe thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có đủ quy định, không rõ cơ chế xử lý để quản lý chặt chẽ loại hình taxi công nghệ này…
Để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, ngành chức năng phải có quy định cụ thể, rõ ràng về giới hạn hoạt động của taxi công nghệ để thuận tiện hơn cho lực lượng cảnh sát giao thông trong việc phân luồng, điều tiết, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông; đồng thời để bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải, taxi công nghệ phải có giấy phép kinh doanh do các Sở Giao thông - Vận tải cung cấp, chịu các quy định quản lý như quy định quản lý vận tải với các doanh nghiệp kinh doanh taxi khác.