Bất chấp dịch Covid -19 tín dụng vẫn tăng trưởng đột biến
Tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng khởi sắc trong quý II/2021, khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện, dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Thông tin từ phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ vừa cho biết, tăng trưởng tín dụng đã đạt tới 4,67%. Tốc độ này đột biến khi cùng kỳ tháng 5/2020 chỉ tăng 2%. Diễn biến này phản ánh một phần dòng chảy trong nền kinh tế vẫn sôi động trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng từ đầu tháng 5 vừa qua.
Cầu vốn cải thiện
Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là nhờ các hoạt động kinh doanh đã trở lại ở mức bình thường, Việt Nam khá thành công trong kiểm soát dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại (NHTM) cũng duy trì lãi suất tín dụng thấp sau 3 lần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm lãi suất điều hành. Những điều này góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân.
Vietcombank cho biết, chưa hết 5 tháng đầu năm ngân hàng đã đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của 6 tháng. Với tiến độ này, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 10,5% cho cả năm là hoàn toàn khả thi, thậm chí cao hơn, ở mức 14%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù đợt dịch hiện tại có thể làm cầu tín dụng chững lại, nhưng đây vẫn là tín hiệu tích cực cho ngành ngân hàng để có dư địa sớm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm.
Tín dụng khởi sắc, song lãnh đạo các ngân hàng thương mại khẳng định, dòng vốn đang đi đúng hướng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết: “Hiện nay tín dụng tại ngân hàng tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như: năng lượng tái tạo, thương mại xăng dầu; dệt may, da giày xuất khẩu...”.
Tại phiên họp với Chính phủ mới đây, NHNN cũng khẳng định, xét toàn ngành, cơ cấu tăng trưởng tín dụng tập trung nhiều vào các lĩnh vực sản xuất như công nghiệp, nông lâm thuỷ sản. Rủi ro từ lĩnh vực bất động sản hay chứng khoán là chưa đáng ngại.
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc tại HSBC Việt Nam cho rằng, ngay trong đợt dịch này, dự báo GDP Việt Nam, bao gồm cả lĩnh vực xuất khẩu, vẫn duy trì ở mức tích cực. Nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.
"Khách hàng của chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ xử lý tốt đợt dịch này giống như những đợt trước", ông Tim Evans nói.
Các chuyên gia dự báo, dù diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, song nhờ lợi nhuận quý I của doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng tới 80% so với cùng kỳ, sẽ thúc đẩy cầu tín dụng trong nửa cuối năm. Do đó, tín dụng cả năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng gần 13%.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, nếu dư nợ tín dụng duy trì mức tăng trưởng như hiện tại ở những tháng tiếp theo, nhiều khả năng thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ căng thẳng trở lại.
Thanh khoản ngân hàng được “bồi đắp”
Thực tế, huy động vốn lại đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn tín dụng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vừa công bố số liệu kinh doanh của hệ thống ngân hàng trên địa bàn. Ước tính 5 tháng đầu năm 2021, huy động vốn tăng trưởng đạt khoảng 2%. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn 5 tháng đầu năm 2021 cao hơn so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với các năm trước đó (năm 2018 - 2019), chủ yếu do tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các lĩnh vực kinh tế của thành phố.
Trong khi huy động vốn tăng trưởng chậm thì tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 31/5/2021 (số liệu dự ước) đạt trên 2,65 triệu tỉ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2020.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng kém hơn so với năm 2020 còn được thể hiện ở mặt bằng lãi suất tăng. Cụ thể, kể từ đầu tháng 5 đến nay lãi suất trên thị trường liên ngân hàng biến động mạnh, cùng với đó một số lãi suất huy động tại một số ngân hàng có quy mô nhỏ cũng nhích tăng.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, thanh khoản hệ thống ngân hàng bớt dồi dào hơn so với năm 2020 nhưng vẫn ở mức rất tốt.
Mới đây, hệ thống NHTM vừa ghi nhận thêm nguồn tiền mới từ Kho bạc Nhà nước. Theo đó, số dư cuối tháng 5 vừa qua ước khoảng 63.000 tỷ đồng.
Đây là dòng chảy mới ngắn hạn, có từ nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi mà Kho bạc Nhà nước cân đối tại từng thời điểm, qua đấu thầu và gửi ở các NHTM. Vì vậy, nguồn vốn này dự kiến đáo hạn trong tháng 6 và có thể tái tục. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, yếu tố này đang góp phần vào điều hòa cân đối nguồn hệ thống, sau khi lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh và mạnh lên từ tháng 4 đến nay.
Cập nhật từ NHNN, sau khi tiếp cận mốc 1,5%/năm (tăng rất mạnh so với quanh 0,3% hồi đầu năm), lãi suất qua đêm VND trên thị trường liên ngân hàng đã chững lại và có dấu hiệu ổn định dưới 1,5%.
Bên cạnh đó, nguồn VND cung ứng lớn từ hoạt động mua ngoại tệ có kỳ hạn của NHNN bắt đầu đến thời điểm chảy ra thị trường, khi các hợp đồng lần lượt đến kỳ đáo hạn. Nguồn này về thời điểm tạo sự bổ sung đáng chú ý, khi từ quý III thường là bắt đầu cao điểm của hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng tăng tốc như thường thể hiện những năm qua.