Bất chấp tín dụng đổ vào tăng, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng
Từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù tín dụng đổ vào bất động sản (BĐS) tăng, nhưng thị trường tiếp tục duy trì sự trầm lắng. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm, thanh khoản trên thị trường giảm sâu, khiến nhiều chủ đầu tư “không mặn mà” mở bán sản phẩm mới theo kế hoạch.
Giao dịch giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/3, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2022, tăng 10,49% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tín dụng đổ vào lĩnh vực BĐS trong 3 tháng đầu năm tăng 2,19%, trong đó kinh doanh BĐS tăng 6,45%, phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 0,25%.
Mới đây, trước đề nghị mở rộng hạn mức tín dụng cho BĐS của cử tri, NHNN cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở và đảm bảo kế hoạch trả nợ.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã có Công văn số 1551/BXD-QLN hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng cải tạo lại chung cư cũ.
Theo các chuyên gia, những động thái quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền trong thời gian qua được coi là “chìa khóa” giúp thị trường BĐS chuyển biến tích cực sau một thời gian dài trầm lắng.
Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2023, mặc dù tín dụng đổ vào BĐS tăng, nhưng thị trường vẫn trầm lắng. Thanh khoản thị trường giảm sâu, khiến nhiều chủ đầu tư “không mặn mà” mở bán sản phẩm mới theo kế hoạch.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, tỷ lệ hấp thụ trong quý I/2023 chỉ đạt khoảng 11% (tương đương khoảng hơn 2.700 giao dịch), giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022. Giá BĐS, đặc biệt là sản phẩm đất nền ở những khu vực từng xảy ra sốt đất tiếp tục được điều chỉnh giảm.
Thị trường sẽ khởi sắc từ cuối quý III trở đi
Các chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS vẫn đang tồn tại tình trạng chờ đợi của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, do tâm lý lo ngại những thay đổi của cơ chế, chính sách sẽ tác động đến thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, trên thị trường vẫn đang tồn tại tình trạng chờ đợi của chủ đầu tư, doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa cao. Đặc biệt, các sản phẩm nhà ở được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín, có pháp lý tốt, phục vụ nhu cầu thực.
Cùng quan điểm, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, thị trường vẫn đang chờ đợi các vấn đề pháp lý quan trọng được thông qua cho đến cuối năm 2023 như: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Đất Đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu Thầu (sửa đổi).
Nhận định về triển vọng thị trường BĐS trong thời gian tới, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam dự báo, thời điểm xuất hiện tín hiệu đảo chiều của thị trường sẽ vào khoảng quý IV/2023 hoặc quý II/2024 tùy theo các điều kiện.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, với hàng loạt điểm nghẽn về pháp lý, chính sách tín dụng được khẩn trương tháo gỡ, áp dụng trong thời gian tới, thị trường BĐS sẽ “ấm” lên và khởi sắc khoảng từ cuối quý III/2023 trở đi.
Bởi vì, lúc này, các doanh nghiệp đã ổn định được tâm lý, những chính sách tác động tới thị trường cũng sẽ rõ ràng hơn, cộng thêm là gói hỗ trợ được triển khai.