Bất động sản chờ đón cơ hội sau đại dịch
Tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến lĩnh vực bất động sản là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định tình cảnh khó khăn tạm thời của thị trường sẽ sớm qua đi khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đang mang lại hiệu quả, nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn, cùng với đó là các gói kích cầu được Chính phủ ban hành.
Những tín hiệu lạc quan
Trong một báo cáo mới đây, Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết thị trường bất động sản trong quý 1/2020 ghi nhận sự trầm lắng nhất trong vòng 4 năm qua. Nguyên nhân chính là do tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến nguồn cung, lượng giao dịch, tỷ lệ hấp thụ của thị trường bất động sản đều có chiều hướng giảm sút.
Cụ thể, lượng cung mới chào bán là 18.695 sản phẩm, bao gồm 8.363 căn hộ chung cư và 10.322 nhà ở thấp tầng. Lượng giao dịch đạt 2.769 sản phẩm, chỉ bằng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ hấp thụ đạt 14,8%.
Những con số trên phần nào nói lên những khó khăn mà thị trường bất động sản Việt Nam đang phải trải qua. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây chỉ là khó khăn tạm thời và tin tưởng vào sự bùng nổ trở lại của thị trường.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hoà, cho rằng tác động của Covid-19 tuy tạo nên sức ép lớn, nhưng cuộc khủng hoảng này đã được dự báo trước. Việt Nam đã có những biện pháp kiểm soát ngay từ đầu, dịch phát triển tốc độ chậm nên không tạo ra cú sốc bất ngờ.
Việt Nam thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 1/4 đến hết ngày 15/4. Đây là một trong những biện pháp mạnh mẽ nhất được Việt Nam thực hiện để phòng chống dịch bệnh Covid-19 lây lan phát triển.
Bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ cũng đưa ra những chính sách kích cầu hỗ trợ các ngành kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Mới đây, Bộ Tài chính đã gửi công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung lĩnh vực bất động sản vào nhóm các ngành nghề được hỗ trợ từ gói kinh tế này. Theo đó, tổng số tiền các nhóm ngành được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất khoảng 180.000 tỉ đồng.
Nhu cầu nhà ở vẫn rất lớn
Trong một khảo sát vừa được thực hiện mới đây, bất chấp tình hình khó khăn của dịch bệnh, bất động sản vẫn là lĩnh vực được nhiều người chọn lựa để bỏ tiền đầu tư, hơn hẳn các kênh khác như vàng hay chứng khoán.
Điều này cho thấy, nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam là rất lớn. TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) là nơi có khoảng 13 triệu người sinh sống, trong đó có một bộ phận lớn là người dân nhập cư từ các tỉnh lẻ. Đây là nhóm người có nhu cầu về nhà ở rất lớn, song nguồn cung thực tế hiện nay rất nhỏ giọt.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong quý 1/2020 trên địa bàn thành phố chỉ có 10 dự án được phê duyệt với 2.816 sản phẩm đủ điều kiện bán hàng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho biết ngoài nhu cầu của người dân trong nước, Việt Nam hiện có 5 triệu kiều bào trên khắp thế giới và lượng kiều hối gần 20 tỉ USD/năm. Dự báo sau khi dịch bệnh kết thúc sẽ có làn sóng đầu tư bất động sản mới từ kiều bào. Thị trường khi đó sẽ càng thêm cạnh tranh.
Tổng giám đốc một công ty địa ốc cho biết, dịch bệnh Covid-19 cũng có những mặt tích cực. Đó là “công cụ” giúp sàng lọc thị trường một cách hiệu quả nhất. Những doanh nghiệp làm ăn yếu kém, tay không bắt giặc, chỉ phụ thuộc vào vốn vay từ ngân hàng sẽ khó tồn tại qua mua dịch.
Ngược lại, những chủ đầu tư uy tín, có năng lực tài chính, năng lực quản lý sẽ càng chứng minh được giá trị của mình sau cơn đại dịch. Người mua nhà vì thế cũng sẽ được hưởng lợi với những lựa chọn từ chủ đầu tư năng lực và sản phẩm nhà ở phù hợp.
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho biết với mỗi doanh nghiệp bất động sản, kế hoạch hoạt động đã được xây dựng và có tầm nhìn dài hạn chứ không phải là một sớm một chiều. Do đó, dịch bệnh tuy có ảnh hưởng trước mắt nhưng không thể ngay lập tức đảo lộn kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, thay vì chọn phương án “ngủ đông”, doanh nghiệp càng phải nỗ lực làm việc hơn nữa để chờ đón cơ hội sau đại dịch.
Bà Hương cũng cho rằng, với những dự án đáp ứng nhu cầu ở thật thì cho dù ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn có thể “sống khoẻ” vì đây là phân khúc luôn có nhu cầu rất lớn.