Bất động sản du lịch năm 2022: Triển vọng "ánh sáng cuối đường hầm"

Theo Lê Sáng/diendandoanhnghiep.vn

Là phân khúc chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, theo các chuyên gia, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang có nhiều động lực để hồi phục.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một năm thăng trầm

Năm 2021 đang dần khép lại với nhiều thăng trầm của thị trường bất động sản nói chung, phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng. Bên cạnh việc suy giảm cả về nguồn cung và lượng giao dịch theo các chuyên gia những quy định pháp luật về bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng hiện vẫn nằm rải rác trong nhiều luật khác nhau, không đồng bộ, thiếu thống nhất đang gây lúng túng trong công tác quản lý tại các địa phương, tạo "điểm nghẽn" cho hoạt động kinh doanh.

Dù trong các tháng cuối năm, tình hình có khả quan hơn nhưng tỷ lệ hấp thụ và tổng lượng giao dịch BĐS du lịch nghỉ dưỡng vẫn kém xa các năm trước đó.

Cụ thể, theo số liệu từ Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARs) từ cuối quý III/2021 đến nay, khi giãn cách xã hội được nới lỏng, thị trường khả quan hơn, song lượng sản phẩm đang chào bán trên thị trường chỉ đạt hơn 7.000 sản phẩm, giao dịch đạt gần 2.280 sản phẩm, tương đương tỷ lệ hấp thụ chỉ ở 31,6%.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận có sản phẩm chào bán nhiều gồm: Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Nam, Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Thanh Hóa…

Tuy nhiên, con số khả quan trên vẫn là hết sức khiêm tốn khi so với “thời kỳ đỉnh cao” của BĐS du lịch nghỉ dưỡng những năm 2015-2018. Cụ thể, cũng theo số liệu từ VARs chỉ tính riêng tỉnh Khánh Hoà trong năm 2017 lượng cung condotel tại tỉnh Khánh Hòa đạt 11.872 căn và có khoảng 7.198 giao dịch BĐS nghỉ dưỡng trong năm.

Dù chịu tác động kép từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và việc hành lang pháp lý còn nhiều điểm hạn chế nhưng thời gian qua các doanh nghiệp phát triển loại hình BĐS du lịch cũng đã có những sự “thích ứng” để tồn tại và hướng đến phát triển.

Nhiều doanh nghiệp phát triển các sản phẩm BĐS du lịch nghỉ dưỡng đã bổ sung các tiện tích cho các sản phẩm của mình như vừa nghỉ dưỡng, vừa khám phá, giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khoẻ, tìm hiểu văn hoá bản địa… và bước đầu thu hút được sự quan tâm của khách hàng.

Ánh sáng cuối đường hầm

Theo ông Phan Việt Hoàng - Phó Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam bức tranh thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng trong năm 2022 có thể sẽ được cải thiện nhờ những quy định của Luật Đầu tư sửa đổi 2020 và Luật Đất đai 2013 sửa đổi đang hoàn thiện; trong đó có những vấn đề pháp lý của bất động sản du lịch.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Hoàng, hiện nay các địa phương đang triển khai kế hoạch thích ứng an toàn trong tình hình mới theo Nghị quyết 128 của Chính phủ đã giúp cho hoạt động du lịch bắt đầu ấm dần lên.

“Những khó khăn đang tồn tại của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng là điều bất khả kháng vì dịch bệnh nhưng với lợi thế nhiều mặt vốn có và là một trong những địa phương được Chính phủ cho phép đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin sớm nhất, du lịch Khánh Hòa đang đứng trước nhiều cơ hội khởi sắc trong giai đoạn bình thường mới”, ông Hoàng nhận định.

Thực tế cho thấy, kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam, các sản phẩm BĐS du lịch nghỉ dưỡng đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau đó do những vướng mắc về pháp lý liên quan đến việc “định danh” cho các loại hình BĐS thuộc phân khúc này, tiêu biểu là căn hộ khách sạn (condotel) đã khiến các nhà đầu tư dần rút lui.

Theo GS.,TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT vừa qua rất nhiều nhà đầu tư cá nhân đã rút khỏi thị trường đầu tư BĐS du lịch kiểu mới, nếu muốn thu hút được đầu tư vào phân khúc này, thời gian tới cần phải có khung pháp luật tạo ra được sự hấp dẫn về lợi ích.

Cũng theo GS. Võ, có thể cân nhắc sửa đổi Luật Đất đai theo hướng cho phép người cần đất được lựa chọn giữa hai hình thức mua lâu dài quyền tài sản đất đai hoặc thuê đất với mọi loại đất.

"Nếu mua quyền tài sản đất đai lâu dài sẽ phải chịu thuế đất đai ở tỷ suất cao, thuê quyền sử dụng đất có thời hạn thì chỉ phải chi trả tiền thuê đất cho nhà nước, việc này sẽ giúp việc quản lý trở nên đơn giản hơn" - GS. Đặng Hùng Võ chia sẻ.