Bất động sản khu trung tâm: Đắt vẫn khó tìm
Theo dõi thị trường những năm gần đây cho thấy giá bất động sản tại Hà Nội luôn có tỷ lệ tăng đều và khá bền vững, đặc biệt ở các quận nội thành. Đây được cho là xu hướng chung đã từng diễn ra tại các nước phát triển.
Theo báo cáo của công ty chuyên nghiên cứu về mặt bằng giá đất Gachvang, mức giá bình quân tại các khu vực xung quanh phố đi bộ Hà Nội đang là 541,6 triệu đồng/m2. Ở một số tuyến phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, mức giá giao động ở mức 500-800 triệu đồng/m2, thậm chí, có nơi lên đến hơn 1 tỷ đồng/m2. Công ty đánh giá: “Giá đất này có thể so sánh ngang ngửa với đất tại các thành phố lớn nổi tiếng trên thế giới như New York, Paris hay Tokyo”.
Khảo sát của trang batdongsan.com.vn năm 2019 ghi nhận giá bất động sản rao bán tại Hà Nội tăng 6%. Trong số các quận, huyện của Hà Nội, quận Hoàn Kiếm có mức tăng trung bình cao nhất tới 17%, với mức giá từ khoảng 400 triệu đồng/m2 năm 2015, tăng chạm mức 500-800 triệu đồng/m2 vào năm 2019. Trong khi đó, các quận còn lại, mức tăng dao động từ 7-15%.
Tiếp đến là khu vực Ngã Tư Sở, Trường Chinh, Láng thuộc quận Đống Đa cũng có mức tăng giá tương tự, trung bình từ 10-16%, tương đương giá giao dịch tại thời điểm hiện tại trung bình từ 350-600 triệu/m2.
Giá nhà đất được cho là sẽ tiếp tục tăng sau khi UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 30/2019/QĐ-UBND. Theo đó, giá đất của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2024 tăng 15% so với giai đoạn 2014-2019. Không những thế, giá trị giao dịch thực tế còn tăng hơn nữa khi nhiều dự án giao thông công cộng tiếp tục được phê duyệt triển khai, tạo “lực hút” mạnh mẽ cho khu vực trung tâm như tuyến đường kết nối Ngã Tư Sở-Vĩnh Tuy với bề rộng 8 làn đường và tổng mức đầu tư lên tới gần 10.000 tỷ đồng sẽ chính thức bàn giao vào quý IV/2020; dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) với tổng mức đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng hoàn thành vào năm 2025.
CBRE – một đơn vị đã nhiều năm theo dõi sự phát triển tại các quốc gia phát triển, ghi nhận giá bán nhà tại những nơi gần hệ thống giao thông công cộng cao hơn từ 6-45%. Tại Việt Nam, thực tế này đã xảy ra ở TPHCM khi tuyến Metro được triển khai, kinh tế hai bên trục lộ đều phát triển.
Lý giải cho sự tăng giá nhanh chóng của giá đất khu vực trung tâm, nhiều chuyên gia chỉ ra những lợi thế mà các khu vực khác không có được. Đơn cử, nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới đều ưu tiên đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại các đô thị trung tâm sầm uất để củng cố giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp, đồng thời cung cấp nhiều tiện ích mà vùng ven đô khó lòng đáp ứng đủ.
Đối chiếu với khu vực quận Đống Đa, có thể thấy, chỉ trên một tuyến trọng điểm trong vòng bán kính chưa đầy 1 km từ điểm giao cầu vượt Ngã Tư Sở với đường Láng-Nguyễn Trãi xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp, công ty, văn phòng, khu đô thị lớn như: Lotte Tây Sơn, Khách sạn 5 sao Novotel Tây Sơn, Viet Tower, Vinhomes Royal City, Tòa nhà Toyota Trường Chinh bên cạnh nhiều trường đại học lớn như Ngân hàng, Thủy lợi, Công đoàn…
Những vị trí trung tâm như vậy không chỉ là “mục tiêu” của các doanh nghiệp muốn khẳng định thương hiệu mà còn là điểm đến yêu thích của khách du lịch ở trong và ngoài nước. Xu hướng du lịch trải nghiệm đang dần thay đổi thói quen của khách du lịch. Thay vì ở trong các khách sạn, khách du lịch có thể lựa chọn thuê những căn hộ khách sạn hoặc căn hộ dịch vụ tiêu chuẩn với diện tích từ 30-90 m2 và giá tiền thuê phù hợp để thuận tiện di chuyển, tham quan và trải nghiệm.
Nhiều chuyên gia tài chính, đầu tư đều cho rằng, ở thị trường Hà Nội cũng như các thành phố lớn khác, những dự án có vị trí đắc địa về giao thông cũng như cơ sở hạ tầng đồng bộ, thuận lợi như gần đường vành đai, hay các trạm trung chuyển metro chuẩn bị đưa vào vận hành, đều tăng giá trị rất nhanh. Bên cạnh đó, khi quỹ đất của các thành phố ngày càng hạn hẹp, cộng với quy định nghiêm về quy hoạch, hạn chế xây dựng nhà cao tầng, thì nguồn cung bất động sản tại đây càng hạn chế. Vì vậy, để sở hữu một vị trí bất động sản tại khu vực trung tâm còn là cuộc chạy đua của chính các nhà đầu tư.