Bất động sản soán ngôi ngân hàng để dẫn đầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng đầu năm do Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam vừa công bố cho biết, trong 10 tháng đầu năm, nhóm bất động sản hiện đang dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 163,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,4% tổng giá trị phát hành.
Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, theo dữ liệu công bố đến ngày 3/11/2021 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), trong tháng 10 có tổng cộng 53 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ và 4 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành là 39.285 tỷ đồng.
Trong tháng 10, bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành với 16.575 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành của tháng, trong đó có khoảng 25% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.
Trong nhóm bất động sản, đợt phát hành có giá trị lớn nhất đến từ CTCP Osaka Garden (4.300 tỷ đồng) với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 10,32%/năm cho kỳ đầu tiên và thả nổi ở các kỳ sau với mục đích nhằm đặt cọc chuyển nhượng dự án và Vinhomes phát hành 2.280 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng với mức lãi suất cho 4 kỳ đầu là 8,8%/năm, kỳ hạn 3 năm.
Ngân hàng là nhóm ngành xếp thứ 2 với tổng giá trị phát hành 8.770 tỷ đồng, chiếm 22% tổng giá trị phát hành trong tháng. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội phát hành 4 đợt với tổng giá trị 2.050 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 4,2%/năm. Đây là ngân hàng có giá trị phát hành lớn nhất trong tháng.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam đứng thứ 2 với 2 đợt phát hành trái phiếu trị giá 1.850 tỷ đồng, lãi suất 3,8%/năm. Nhóm ngân hàng có 1.870 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 21%), lãi suất dao động từ 2,8%/năm – 7,325%/năm.
Trong 10 tháng đầu năm, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, có tổng cộng 723 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, trong đó có 705 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 422,45 nghìn tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành), 18 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 15,55 nghìn tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với tổng giá trị 1,425 tỷ USD.
Trong 10 tháng đầu năm, nhóm bất động sản hiện đang dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 163,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,4%. Trong đó có khoảng 27,56% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 5,2-13%/năm.
Nhóm ngân hàng đứng ở vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 149,1 nghìn tỷ đồng, có 34,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 22,8%), 75% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm.
Trong 10 tháng đầu năm, có 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu USD), trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD) và CTCP VinPearl (425 triệu USD).
Về kế hoạch phát hành năm 2021, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam thông tin, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam đã phê duyệt phương án phát hành tối đa 4.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ trong quý 4 với kỳ hạn từ 7 đến 10 năm để tăng vốn cấp 2.
Cùng với đó, HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đã phê duyệt phương án phát hành tối đa 1.000 tỷ đồng với lãi suất cố định 10,5% cho 2 kỳ đầu, lãi suất các kỳ sau bằng bình quân lãi suất tiết kiệm VND 12 tháng của 4 ngân hàng (VCB, CTG, AGRI, BIDV) cộng thêm 4%/năm, kỳ trả lãi 12 tháng.