"Bật mí" bí quyết giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm

Hạ Băng

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, nâng cao chất lượng sản phẩm là một trong những biện pháp hữu ích giúp các doanh nghiệp có thể đứng vững trên thị trường.

Các doanh nghiệp ngày càng đánh giá cao tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Internet
Các doanh nghiệp ngày càng đánh giá cao tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Internet

Cụ thể, nâng cao chất lượng sản phẩm cho phép doanh nghiệp nâng cao uy tín, góp phần mở rộng thị trường trong nước, chiếm lĩnh thị trường thế giới; tăng thu nhập và tạo tích luỹ đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Yếu tố này cũng giúp các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao cho người tiêu dùng, tạo niềm tin đối với khách hàng, thoả mãn ngày càng tốt hơn yêu cầu của họ.

Việc không ngừng tập trung vào chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ cung ứng cho khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được các chi phí bồi thường hoặc sửa lại các sản phẩm đã đưa ra thị trường. Đồng thời, nó cũng giúp gia tăng sự gắn kết giữa các nhân viên trong công ty, vì ai cũng thích là một phần của thương hiệu chất lượng.

Để có thể cải thiện nhanh chất lượng sản phẩm, bí quyết đầu tiên là cần thường xuyên đo lường chất lượng. Có hai khía cạnh nên xem xét khi rà soát chất lượng sản phẩm, một là từ bên trong và hai là từ bên ngoài.

Nâng cao chất lượng sản phẩm cho phép doanh nghiệp nâng cao uy tín. Ảnh: internet
Nâng cao chất lượng sản phẩm cho phép doanh nghiệp nâng cao uy tín. Ảnh: internet

Khía cạnh bên trong bao gồm các lỗi về chất lượng của sản phẩm do nội bộ công ty phát hiện ra trước khi đưa sản phẩm đến tay khách hàng. Khách hàng không bao giờ được biết về điều này. Tìm ra những lỗi sai về chất lượng để điều chỉnh ở giai đoạn này sẽ giúp khách hàng tránh được những thiệt hại lớn từ sản phẩm lỗi.

Nhóm thứ hai là khía cạnh bên ngoài, nhấn mạnh vào các vấn đề của sản phẩm do khách hàng phát hiện ra. Những lỗi sai vượt ra ngoài phạm vi thông tin nội bộ của công ty cần hết sức hạn chế, vì chúng sẽ hủy hoại mối quan hệ lâu dài của doanh nghiệp và khách hàng. Song việc đo lường những rủi ro này một cách minh bạch sẽ buộc các nhân viên trong công ty tập trung nhiều hơn vào việc phát triển sản phẩm.

Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp cần tập trung vào quá trình, không phải con người. "Trong hầu hết các trường hợp, khiếm khuyết nằm ở tiến trình. Hãy ghi nhớ điều này và tập trung vào việc xử lý vấn đề bằng cách cải thiện tiến trình thực hiện công việc của công ty", các chuyên gia chia sẻ.

Tiếp đó, cần họp định kỳ hàng tuần, thời gian đầu các buổi họp sẽ kéo dài và nặng nề. Lãnh đạo doanh nghiệp cần thảo luận với các thành viên tham gia về từng vấn đề chất lượng của sản phẩm và đi tìm gốc rễ của chúng. Thời gian sau, các buổi họp sẽ dần rút ngắn lại vì tiến trình thực hiện đã được cải thiện và hệ thống sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn. Điều này sẽ mang đến sự tự tin và phản xạ trước các vấn đề cho các nhân viên.

Giải pháp tiếp theo là tạo biểu đồ chất lượng thông qua sắp xếp các vấn đề về chất lượng sản phẩm theo từng mục nhất định và tập trung giải quyết những vấn đề lớn trước, cải thiện cho đến khi kiểm soát được chúng.

Cuối cùng, doanh nghiệp nên công bố kết quả thực hiện. Hãy thiết kế một khu vực riêng thể hiện những kết quả, chuyển biến đã đạt được của quá trình cải thiện chất lượng sản phẩm trong công ty sao cho mọi nhân viên đều nhìn thấy được. Điều này sẽ tạo nên sự nhắc nhở trực quan, khích lệ nhân viên tập trung vào việc hoàn thiện sản phẩm mỗi ngày.