Bầu cử tổng thống Mỹ: Các kịch bản tác động
Dù Hillary Clinton hay Donald Trump thắng cử, khu vực châu Á cũng có lý do để lo lắng vì 2 ứng viên này không ủng hộ TPP.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Có thể nói đây là một trong những cuộc bầu cử hiếm hoi trong hai thập niên gần đây mà hai đối thủ Donald Trump của Đảng Cộng hòa và Hillary Clinton của Đảng Dân chủ không mang đến những thông điệp và những định hướng chính sách khác biệt.
Bởi thế, thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đắn đo về các kịch bản tác động mà kết quả cuộc bầu cử này mang lại. Tất nhiên, những phân tích và phỏng đoán vào thời điểm này cũng chỉ mang tính tương đối bởi có thể các ứng cử viên sẽ thay đổi ý tưởng vào phút cuối của chiến dịch tranh cử, nhưng nó phần nào phản ánh mối quan tâm của các quốc gia, các định chế tài chính và nhà đầu tư có quan hệ với Mỹ.
Một trong những thị trường nóng bỏng nhất hiện nay là vàng, vốn đã tăng giá khá mạnh kể từ đầu năm. Theo các chuyên gia phân tích, vàng sẽ nóng lên nếu Donald Trump thắng cử vào tháng 11 bởi rủi ro sẽ gia tăng trước các chính sách kinh tế của ứng viên bạo miệng này. “Những ý tưởng mang tính bảo hộ thương mại và giới hạn nhập cư của Trump nếu được triển khai có thể sẽ khiến Mỹ xảy ra nguy cơ khủng hoảng sớm hơn”, Citibank phân tích.
Theo dự đoán của ngân hàng này, giá vàng sẽ vượt qua cột mốc 1.400 USD/ounce lần đầu tiên kể từ năm 2013 nếu Trump trở thành ông chủ của Nhà Trắng. Ngược lại, nếu bà Hillary thắng cuộc thì giá vàng sẽ giảm nhẹ về cột mốc 1.250 USD/ounce vì các nhà đầu tư kỳ vọng những thay đổi về chính sách kinh tế của bà sẽ diễn ra êm dịu hơn. Vào ngày 6.10, giá vàng quốc tế đang giao dịch ở mức khoảng 1.266 USD/ounce.
Những nhà đầu tư đặt cược vào sự gia tăng của đồng USD cũng sẽ khá thất vọng nếu chứng kiến Trump thắng cử. Lý do đưa ra là trong dài hạn, các chính sách mang tính bảo hộ thương mại của ứng cử viên Đảng Cộng hòa được cho là sẽ gây tổn hại đến thương mại của Mỹ và tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế, khiến đồng bạc xanh bị giảm giá. Đó là chưa kể các chính sách quân sự cứng rắn của Donald Trump đối với chủ nghĩa khủng bố hay các quốc gia thù định cũng gây bất an về nền kinh tế Mỹ.
Ứng cử viên Hillary cũng khiến thị trường lo ngại. Một số chuyên gia nhận định do có mối quan hệ sâu đậm với các ngân hàng lớn, một khi trúng cử, bà Hillary có thể đề xuất các ý tưởng cởi trói cho các ngân hàng này, vốn đã bị siết đến ngộp thở kể từ khi khủng hoảng năm 2008-2009 nổ ra.
Thực tế, dù Hillary Clinton hay Donald Trump thắng cử thì khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam cũng có lý do để bất an. Bởi vì, cả hai nhân vật này đều tỏ ra không ủng hộ thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong những di sản lớn mà người tiền nhiệm Barack Obama để lại.
Vậy thị trường nào trong khu vực châu Á sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất? Đó có thể là Hồng Kông. Theo Quỹ đầu tư PGGM, có thể sẽ diễn ra cuộc tháo chạy khỏi thị trường bất động sản này nếu Donald Trump thắng cử bởi TPP sẽ khó thông qua, kéo theo nhu cầu thuê văn phòng, nhà kho của các tập đoàn kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm. Tác động lần này được dự báo sẽ vượt qua sự kiện Brexit mới đây khiến cho nhà đất tại Nhật rớt giá thảm hại.
Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng, bởi mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là rất chặt chẽ. Cả 2 nước thành viên trong Hiệp định TPP. “Chúng ta cùng chờ xem thị trường bất động sản Việt Nam trong quý IV sẽ chịu tác động như thế nào sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11”, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, nhận định.
CBRE Viet Nam cũng đưa ra những quan ngại tương tự trong báo cáo về triển vọng thị trường mới đây. Hiện tại dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam vẫn đang khá tích cực. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới 9 tháng đầu năm lên đến hơn 16,4 tỉ USD; vốn thực hiện ước tính khoảng 11,02 tỉ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thậm chí, chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) tháng 9 của Việt Nam lên tới 52,9 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 5.2015, phản ánh các nhà sản xuất vẫn đang kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành cứ địa sản xuất mới tại châu Á nhờ TPP.
Nhưng mọi chuyện đều có thể thay đổi nếu TPP không được thông qua. Doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Việt Nam có nguy cơ sẽ mất đơn hàng nhiều hơn vào các đối thủ như Campuchia (vốn được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất vào Mỹ, trong khi Việt Nam hiện bị áp mức 17-18%).
Tất nhiên, nếu TPP không được thông qua, Trung Quốc sẽ là người vui nhất, bởi quốc gia này sẽ tiếp tục giữ vững vị thế sản xuất hàng đầu tại châu Á so với các đối thủ khác. Trong khi một hiệp định thương mại khác là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng sẽ nhận thêm động lực mới để đẩy nhanh tiến độ đàm phán.
Do đó, các quốc gia đã lỡ tham gia thương thảo TPP trong nhiều năm qua đang đứng ngồi không yên. “Thông qua TPP, Mỹ mới có thể khẳng định những cam kết của mình về vai trò dẫn đầu tại khu vực đang lên châu Á - Thái Bình Dương”, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe mới đây cảnh báo.
TPP có một điều khoản là sẽ chỉ được thông qua nếu tổng GDP các quốc gia phê chuẩn chiếm ít nhất 85% trong tổng cơ cấu GDP của khối (số liệu GDP được tính vào năm 2013). Tuy vậy, với việc Mỹ đang chiếm đến 60,3% GDP của khối, chỉ cần nước này không thông qua, các thành viên còn lại cũng hiểu rằng hiệp định này sẽ như bong bóng dưới ánh nắng mặt trời.