Bảy quy tắc giao việc hiệu quả
Khi mở doanh nghiệp, bạn sẽ phải đóng nhiều vai, như người bán hàng, nhà sáng tạo, quản lý tài chính, người lãnh đạo, trong khi vẫn phải giải quyết hàng tá công việc vụn vặt mỗi ngày. Do vậy, bạn cần tính chuyện giao việc cho người khác. Giao việc hợp lý là nhân tố then chốt mang lại thành công cho doanh nghiệp. Dưới đây là 7 quy tắc giúp bạn đạt được điều đó.
1. Coi giao việc là nhiệm vụ bắt buộc
Hầu hết chủ doanh nghiệp có cảm giác tự nhiên là không yên tâm khi giao việc cho người khác. Do vậy, họ muốn làm tất cả mọi thứ có thể và muốn làm hết sức mình có thể. Tuy nhiên, khi công việc ngày càng nhiều, sức lực có hạn, điều chắc chắn là bạn sẽ buộc phải giao việc cho người khác, kể cả khi bạn không muốn. Thực tế, giao việc hợp lý, đúng người đúng việc sẽ đem lại hiệu quả cao cho hoạt động doanh nghiệp.
2. Phải giữ thế chủ động
Quy tắc thứ hai là bạn phải luôn giữ thế chủ động trong vấn đề giao việc. Nếu bạn đợi đến khi thấy nhiều việc khó kham nổi thì có lẽ đã quá muộn. Thay vào đó, bạn cần nhận biết dấu hiệu công việc sắp quá tải để chủ động tính chuyện giao việc sớm nhất có thể. Đó có thể là việc thuê thêm người mới, lên danh mục công việc cụ thể, hỗ trợ ai đó trang bị kỹ năng mới để đảm nhận công việc nào đó của bạn.
3. Nhận biết những điểm mạnh, điểm yếu của đội ngũ nhân sự
Trước khi bắt đầu giao việc, bạn cần xác định rõ những điểm mạnh, điểm yếu của đội ngũ nhân sự. Chẳng hạn, có người làm chậm nhưng cẩn thận, trong khi có người làm rất nhanh, nhưng lại ẩu. Mỗi cá nhân đều có thế mạnh riêng, bạn cần giao việc làm sao để họ có thể phát huy tốt nhất thế mạnh của mình.
4. Đầu tư cho việc đào tạo
Để tránh tình trạng không thể giao việc hoặc không yên tâm khi giao việc vì không thấy ai có đủ năng lực thực hiện, bạn cần tính chuyện đào tạo nghiệp vụ cho những người mà bạn định giao việc. Hãy coi đây như một khoản đầu tư cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
5. Xác định rõ các kỳ vọng
Khi giao việc, bạn cần nêu cụ thể những kỳ vọng của mình. Cho người được giao việc biết, công việc kỳ vọng đạt được kết quả thế nào, khi nào hoàn thành. Nếu giao nhiều người thực hiện một công việc nào đó, thì cần xác định rõ trách nhiệm từng người, hoặc trách nhiệm của người trưởng nhóm.
6. Tin tưởng vào người được giao việc, nhưng phải kiểm soát
Khi giao việc, bạn thường tin rằng, người được giao sẽ làm tốt nhất có thể, bởi nếu không thì bạn đã không thuê. Một khi giao việc và đưa ra thời hạn hoàn thành, bạn có thể tin tưởng vào khả năng làm việc của người được giao và công việc sẽ hoàn thành đúng hạn. Tuy nhiên, để chắc chắn điều đó, bạn phải kiểm tra, giám sát để đảm bảo công việc tiến triển tốt.
7. Ý kiến phản hồi
Khi công việc hoàn thành, bạn cần trao đổi với người được giao để đánh giá công việc cũng như lắng nghe ý kiến phản hồi của người lao động về nhiệm vụ được giao, cách thức giao việc. Bạn sẽ học được rất nhiều từ những ý kiến phản hồi như vậy để điều chỉnh, cải thiện cho những lần giao việc sau.