Bảy tháng xuất siêu 1,26 tỷ USD
(Tài chính) Theo Bộ Công Thương, sau 7 tháng, nước ta đã xuất siêu 1,26 tỷ USD, bằng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK). Cùng với sản xuất công nghiệp, XK tiếp tục là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế 7 tháng.
Xuất khẩu duy trì tăng trưởng
Tại buổi giao ban công tác tháng 7 của ngành Công Thương, ông Nguyễn Tiến Vỵ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, KNXK tháng 7 ước đạt 12,4 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, KNXK cả nước ước đạt 83,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ, trong đó KNXK của khu vực doanh nghiệp (DN) 100% vốn trong nước ước đạt 27,67 tỷ USD, chiếm 33,1% tổng KNXK của cả nước, tăng 12,2% so với cùng kỳ.
KNXK 7 tháng của cả nước đã tăng thêm 10,3 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó đóng góp của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng khoảng 6,94%, tập trung vào những nhóm hàng như điện thoại, linh kiện, giày dép, dệt may… Bên cạnh đó, XK của khối DN trong nước cũng có tốc độ tăng trưởng khá với mức 12,2%, cho thấy tình hình sản xuất trong nước tiếp tục ổn định và có dấu hiệu phục hồi.
Xét về các nhóm ngành hàng, XK của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng XK nói chung. KNXK nhóm hàng này trong 7 tháng đã đạt 60,24 tỷ USD, chiếm 72,1% trong tổng KNXK, tăng 15,2% so với cùng kỳ.
Cũng trong 7 tháng đầu năm, nhóm nông lâm thủy sản vẫn ghi nhận những khó khăn do giá và lượng của nhiều mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, cao su, sắn... bị sụt giảm. Đơn cử như XK gạo đạt 3,9 triệu tấn, tương đương 1,7 tỷ USD, giảm 8% về lượng và giảm 4,7% về kim ngạch; sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2 triệu tấn, tương đương 650 triệu USD, giảm 5,9% về lượng và giảm 6,7% về kim ngạch; cao su đạt 454 nghìn tấn, tương đương 832 triệu USD, giảm 9,5% về lượng và giảm 32% về kim ngạch... Tuy nhiên, tính chung 7 tháng, KNXK của nhóm hàng này vẫn đạt 12,65 tỷ USD, tăng 12,6%.
Riêng với nhóm hàng nông lâm thủy sản, những tháng cuối năm thường là thời điểm nhiều mặt hàng có thêm những đơn hàng lớn. Đơn cử như mặt hàng gạo, sau 5 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, nhu cầu của các thị trường lớn như Indonesia, Malaysia... đã tăng dần trong những tháng gần đây. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung tái cơ cấu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp thông qua liên kết và hình thành những chuỗi giá trị trong sản phẩm XK, qua đó giúp DN và nông dân gắn kết với nhau, tránh tình trạng được mùa mất giá, đảm bảo đủ chân hàng cho sản xuất. Do đó, có thể kỳ vọng từ nay đến cuối năm, KNXK của nhóm nông lâm thủy sản sẽ có thêm nhiều khởi sắc.
Với nhóm nhiên liệu và khoáng sản, do sự tăng trưởng về giá của những mặt hàng như quặng và khoáng sản khác (tăng 120%), dầu thô (tăng 2,4%)… KNXK của nhóm 7 tháng đầu năm đã đạt 5,74 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ. Nhờ việc tăng giá, KNXK của nhóm hàng này đã tăng khoảng 209,9 triệu USD.
Nhập khẩu tập trung chủ yếu cho sản xuất
Cũng theo Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa trong tháng 7 ước đạt 12,65 tỷ USD, đưa KNNK trong 7 tháng đạt 82,25 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó KNNK của khối DN 100% vốn trong nước ước đạt 36,2 tỷ USD, chiếm 44% tổng KNNK cả nước, tăng 13% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Tiến Vỵ cho biết, trong 7 tháng, KNNK của nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng NK phục vụ gia công, XK tiếp tục tăng trưởng khá (tăng 11%), chiếm tỷ trọng 88,4% tổng KNNK. Bên cạnh đó, nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế NK cũng được kiểm soát tốt, chỉ chiếm lần lượt 4,2% và 2,8% trong tổng KNNK.
Với con số KNXNK như vậy, sau 7 tháng, cả nước xuất siêu 1,26 tỷ USD, bằng khoảng 1,5% KNXK, góp phần bảo đảm dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.