Bế mạc phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng ngày 15/10, sau 03 ngày làm việc khẩn trương, tập trung trong bối cảnh vừa giải quyết các công việc theo thẩm quyền vừa thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 49 theo nội dung chương trình đề ra.
Phiên họp thứ 49 là phiên họp chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10, kết thúc sát ngày khai mạc Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung quan trọng chuẩn bị cho chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Qua 3 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển 5 năm 2016-2020, dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, dự kiến kế hoạch năm 2021; Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021-2025; Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020...
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thực hiện các FTA trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường truyền thống. Nền kinh tế nước ta có sự tăng trưởng cao, phát triển từng bước và vững chắc. Nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì tốt, ngày càng được củng cố.
Qua đó, góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn từ các nước trong khu vực và thế giới. Tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, đời sống của nhân dân được nâng cao. Dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao của các nước đối tác. Tạo động lực để Việt Nam hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, cải cách thủ tục hành chính...
Trong thời gia qua, hoạt động thu ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm… cũng có nhiều đổi mới nhờ sự hoàn thiện của luật pháp. Các luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, nông nghiệp, chính sách cạnh tranh cũng có bước tiến bộ mới. Luật pháp về mua sắm công được hoàn thiện hơn. Bước đầu nghiên cứu việc tham gia giải quyết các tranh chấp về kinh tế, đầu tư, thương mại quốc tế…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các chính sách theo lộ trình đã cam kết; bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định nhưng phải quan tâm cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Quan tâm hơn nữa đến việc thông tin, tuyên truyền, tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp khi tham gia FTA…
Dự kiến Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20/10. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 4 dự án luật. Quốc hội cũng sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; thông qua các báo cáo giám sát và một số vấn đề quan trọng khác.